Lãnh đạo đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng

Công tác xây dựng Đảng được Đảng bộ xác định là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định tới toàn bộ sự nghiệp cách mạng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ. Trên lĩnh vực giáo dục chính trị tư tưởng, Đảng bộ tập trung giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, nhận thức về quan điểm, đường lối của Đảng, xây dựng niềm tin và ý chí kiên định cách mạng; kiên định mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; xây dựng đạo đức cách mạng và lối sống lành mạnh, củng cố khối đại đoàn kết thống nhất giữa các dân tộc; tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Đảng bộ xác định rõ, lấy 6 chuyên đề Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VII làm phương hướng chủ yếu. Đồng thời, tập trung quán triệt sâu sắc những bài học kinh nghiệm về thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; những quan điểm, định hướng lớn về các chính sách kinh tế – xã hội, khoa học – công nghệ, văn hóa – giáo dục, hệ thống chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng, thành tựu và kinh nghiệm bước đầu của công cuộc đổi mới đối với cán bộ chủ chốt. Đảng bộ cũng tập trung giáo dục, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chống tư tưởng bảo thủ, trì trệ, trông chờ, ỷ lại, chống nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các tỉnh trong vùng và cả nước. Tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thường xuyên chăm lo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cấp ủy cơ sở. Nhờ làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng đã góp phần làm ổn định chính trị và tư tưởng, trong Đảng bộ, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công nhân viên, tạo sự nhất trí cao với đường lối đổi mới của Đảng và tích cực vận dụng đường lối đó vào thực tiễn công tác.

Việc tổ chức quán triệt, học tập Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cơ quan tỉnh Yên Bái lần thứ XIII được Đảng bộ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc đến các chi, đảng bộ cơ sở. 100% các cơ sở đảng tổ chức triển khai học tập chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật của Nhà nước, với 91,95% đảng viên và quần chúng tham gia học tập, nhiều cơ sở đảng viên thường xuyên tham gia học tập 100%.

Đảng bộ chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật, thông tin thời sự trong nước và quốc tế, những nhân tố mới, những kinh nghiệm tốt, tổ chức lễ kỷ niệm các sự kiện lớn. Qua đó, củng cố và nâng cao niềm tin của cán bộ, đảng viên, công nhân viên trong Đảng bộ vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; khơi dậy và phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên trong công cuộc đổi mới; đề cao tinh thần trách nhiệm và tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên; khắc phục tư tưởng coi nhẹ hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng ở một số chi, đảng bộ; làm chuyển biến nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công nhân viên có tâm trạng lo lắng, băn khoăn, mơ hồ, thiếu niềm tin vào mục tiêu cách mạng và vai trò lãnh đạo của Đảng, khắc phục dần những biểu hiện tiêu cực làm mất uy tín của Đảng.

Trong công tác tham mưu, hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội, Đảng bộ, nhất là những chi, đảng bộ thuộc các ngành chức năng liên quan trực tiếp đã tham mưu cho Tỉnh ủy xây dựng và ban hành Nghị Quyết số 03 của Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới và phát triển nông – lâm nghiệp toàn diện, xây dựng nông thôn mới đến năm 2000, mang tính sáng tạo, phù hợp với đặc điểm của một tỉnh miền núi, đi trước một bước và phù hợp với Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VII) về tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế – xã hội nông thôn. Đồng thời, Đảng uỷ cũng tham mưu giúp Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết này.

Tuy nhiên, từ năm 1991 đến năm 1995, một số cấp ủy còn chưa coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, vẫn còn những biểu hiện vi phạm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng. Việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên ở một số đảng bộ chưa được coi trọng đúng mức, một số đảng viên tha hóa, biến chất, suy thoái về đạo đức, lối sống, làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân với Đảng.

Cùng với việc nâng cao trình độ lý luận, bản lĩnh chính trị, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, Đảng bộ luôn chú trọng đến công tác củng cố, kiện toàn các tổ chức cơ sở đảng. Sau Đại hội Đảng bộ (vòng 2), các cấp ủy từ Đảng bộ đến cơ sở đã được kiện toàn một bước theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm phẩm chất chính trị vững vàng, coi trọng kiến thức và năng lực tổ chức thực tiễn, vừa đổi mới từng bước, vừa đảm bảo tính kế thừa.

Trong quá trình củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở Đảng, Đảng bộ đã tiến hành khảo sát, đánh giá lại thực trạng tổ chức cơ sở đảng, từ đó đề ra chủ trương đổi mới phù hợp, trong đó chú trọng vào những cơ sở yếu kém. Trong nhiệm kỳ, Đảng bộ đã ra quyết định thành lập mới 6 chi bộ, nâng cấp 6 chi bộ nhỏ lên chi bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ, sáp nhập 4 chi bộ thành 2 chi bộ và giải thể 2 chi bộ do không đủ đảng viên theo quy định và giải thể cơ quan chuyên môn (Chi bộ Bảo hiểm, Chi bộ Trọng tài kinh tế tỉnh).

Thực hiện các Quy định số 49, 51, 54 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, các loại hình chi bộ, đảng bộ trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, Ban Thường vụ Đảng ủy đã hướng dẫn chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng, xây dựng quy chế hoạt động ở tổ chức cơ sở mình. Qua đó, nguyên tắc tập trung dân chủ, mối quan hệ giữa cấp ủy và thủ trưởng cơ quan, đơn vị được tăng cường. Sinh hoạt Đảng bảo đảm tính lãnh đạo, giáo dục và chiến đấu, phát huy ý thức tự phê bình và phê bình của đảng viên, củng cố nội bộ, ngăn chặn và giải quyết kịp thời những nảy sinh ngay từ cơ sở.

Về công tác tổ chức kiểm điểm phân loại chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên, Ban Thường vụ Đảng ủy thường xuyên chỉ đạo các tổ chức cơ sở phải làm đúng quy trình, đúng thời gian quy định, có chỉ đạo điểm và phân công cán bộ theo dõi, giúp đỡ những cơ sở khó khăn, phức tạp. Nhờ tiến hành nhiều biện pháp, chất lượng các tổ chức cơ sở đảng trong Đảng bộ không ngừng tăng lên, số chi bộ trong sạch vững mạnh tăng dần qua từng năm, số chi, đảng bộ yếu kém giảm dần.

Năm 1992, số chi, đảng bộ trong sạch vững mạnh chiếm từ 40,38% (21/52) tăng lên 86,27%. Năm 1994, toàn Đảng bộ có 44/52 chi bộ trong sạch vững mạnh, chiếm 84,6%. Số chi bộ yếu kém giảm tương ứng từ 13,46% năm 1992 (7/52) xuống còn 1,69% năm 1994 (1/51). Năm 1995, có 44/55 chi, đảng bộ trong sạch vững mạnh, trong đó, có 10 cơ sở đạt trong sạch vững mạnh xuất sắc, 9/58 chi, đảng bộ xếp loại khá, không còn chi, đảng bộ yếu kém (5 chi, đảng bộ mới thành lập không phân loại). Trong nhiệm kỳ 1991 – 1995, Đảng bộ luôn giữ vững danh hiệu Đảng bộ vững mạnh. Đặc biệt, với nhiều hoạt động tích cực, năm 1993, Đảng bộ được Tỉnh ủy tặng cờ Đảng bộ vững mạnh xuất sắc.

Công tác đảng viên được quan tâm trên cơ sở 3 mặt: giáo dục, bồi dưỡng và phát triển đảng viên mới. Công tác quản lý đảng viên được thực hiện thông qua phân công nhiệm vụ công tác và sinh hoạt Đảng. Để nâng cao chất lượng đảng viên, hằng năm, Đảng bộ thực hiện đánh giá, phân tích chất lượng đảng viên từng bước, sát tiêu chuẩn. Qua phân tích, đánh giá, chất lượng đảng viên loại I tăng từ 94,5% (năm 1994) lên 97,5% (năm 1995); số đảng viên loại II giảm từ 4,6% xuống còn 2,2%; số đảng viên loại III còn 0,19%, đảng viên loại IV 0,17%. Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ III (khóa XIII), đội ngũ đảng viên trong toàn Đảng bộ giữ vững truyền thống cách mạng, kiên trì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, có tinh thần khắc phục khó khăn, tận tụy với nhiệm vụ được giao; thể hiện tính tiền phong gương mẫu, làm nòng cốt lãnh đạo quần chúng thực hiện sự nghiệp đổi mới.

Công tác phát triển Đảng có sự chuyển biến mạnh mẽ. Các cấp ủy Đảng đã quan tâm, chú trọng tạo nguồn, phân công đảng viên giúp đỡ quần chúng. Trong nhiệm kỳ, Đảng bộ đã mở 8 lớp bồi dưỡng cho 327 quần chúng tích cực, tăng 51% so với nhiệm kỳ 1986 – 1990. Qua đó, kết nạp được 226 đảng viên mới, tăng 19% so với nhiệm kỳ trước. Trong đó, số đảng viên mới là đoàn viên thanh niên chiếm 22%, nữ chiếm 38%, dân tộc ít người là 9%. Do làm tốt công tác phát triển Đảng, góp phần hạ thấp tuổi đời bình quân của đảng viên từ 47 xuống 46 tuổi; số đảng viên mới đều phát huy tốt vai trò, vị trí, nhiều đồng chí được tín nhiệm đề bạt giữ cương vị trưởng, phó phòng trở lên.

Công tác cán bộ có những đổi mới đáng kể, nhất là sau khi được Tỉnh ủy phân cấp, làm rõ trách nhiệm phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy về công tác cán bộ. Trên cơ sở đó, Đảng bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ sở đảng trong Đảng bộ thực hiện việc quy hoạch đào tạo, sắp xếp, sử dụng gắn với kiện toàn đội ngũ cán bộ. Hằng năm, Đảng bộ tổ chức lấy phiếu nhận xét đánh giá cán bộ. Trong hai năm 1993 – 1994, Đảng bộ đã tiến hành khảo sát 592 lượt cán bộ. Qua đó, đánh giá 78% đảng viên giữ vững phẩm chất chính trị, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, 15% còn yếu một số mặt, 7% cần phải thay thế do tuổi cao, sức yếu, năng lực hạn chế. Đảng bộ cũng nhận xét, đánh giá 44 cán bộ, giúp tỉnh xem xét bổ nhiệm vào các cương vị trưởng, phó ngành cấp tỉnh. Trong lúc Đảng bộ đang tích cực đẩy mạnh công tác, xây dựng Đảng bộ vững mạnh, đồng chí Nguyễn Xuân Mùi, Bí thư Đảng ủy phải nghỉ để chữa bệnh dài hạn. Trước tình hình đó, trong năm 1995, Tỉnh ủy đã bổ nhiệm đồng chí Bùi Đức Tài, quyền Bí thư Đảng ủy; đồng chí Nguyễn Tiến Chỉnh làm Phó Bí thư Đảng ủy.

Nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong 5 năm (1991-1995), có 1.022 lượt cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ được cử đi học các loại hình và mức độ khác nhau, trong đó: 45 đồng chí đi học cao cấp lý luận chính trị, 72 đồng chí trung cấp lý luận chính trị, 18 đồng chí các ngành chuyên môn học đại học và sau đại học, trung học có 138 đồng chí, ngoài ra, có 749 đồng chí được bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ. So với nhiệm kỳ 1986-1990, trong những năm 1991-1995, số cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng tăng 46%.

Tuy việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã có chuyển biến tốt nhưng hiệu quả còn thấp, chất lượng chưa cao, đào tạo còn chưa gắn với sử dụng. Hơn nữa, chế độ chính sách đầu tư cho công tác đào tạo cán bộ còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc bố trí và sử dụng cán bộ, có chi, đảng bộ còn nặng về cơ cấu, hạ thấp tiêu chuẩn; do đó, một số cán bộ đề bạt chưa được quần chúng đồng tình cao.

Công tác kiểm tra được Đảng bộ quan tâm chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc. Các cấp ủy đã nhận thức sâu sắc ý nghĩa của công tác kiểm tra, coi kiểm tra là nội dung quan trọng trong công tác lãnh đạo nhằm kịp thời phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm, đảm bảo nghị quyết của Đảng bộ được xác định đúng và thực hiện hiệu quả. Trong công tác kiểm tra, Đảng ủy chỉ đạo tập trung kiểm tra quy chế hoạt động và sinh hoạt của cấp ủy để đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ và quyền của đảng viên. Ban Chấp hành Đảng bộ, các Ban chi ủy, Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thực hiện nhiều cuộc kiểm tra. Qua đó, vị trí, vai trò của Ủy ban Kiểm tra các cấp trong Đảng bộ được đề cao. Năm 1995, Ủy ban kiểm tra đã kiểm tra đảng viên chấp hành Điều lệ Đảng và tiến hành phân tích chất lượng đảng viên ở 25 chi, đảng bộ cơ sở, với 435 đảng viên, 46 cấp ủy viên. Qua kiểm tra 5 trường hợp đảng viên có vi phạm, đã xem xét xử lý kỷ luật khiển trách 2 đồng chí, 2 đồng chí bị cảnh cáo, 1 đồng chí bị kỷ luật cách chức. Đồng thời, tiến hành kiểm tra hoạt động của 2 Ủy ban Kiểm tra cơ sở, qua đó đôn đốc giải quyết xong các vấn đề còn tồn đọng.

Kết quả công tác kiểm tra qua 5 năm, Đảng bộ đã thi hành kỷ luật 17 đảng viên, chiếm 1,4% tổng số đảng viên trong Đảng bộ. Trong số đảng viên bị thi hành kỷ luật, số vi phạm nguyên tắc sinh hoạt Đảng chiếm 17,64%, vi phạm quy chế chính sách, pháp luật 29,41%, vi phạm phẩm chất đạo đức 35.29%, còn lại là các vi phạm khác. Trong nhiệm kỳ, một số ít đảng viên là lãnh đạo có vi phạm đã bị xử lý nghiêm khắc, được quần chúng đồng tình và có tác dụng giáo dục cao trong Đảng bộ.

Do làm tốt công tác kiểm tra, đã góp phần tăng cường việc chấp hành Điều lệ Đảng, giữ gìn kỷ luật Đảng. Kịp thời phát hiện, uốn nắn những sai sót của cán bộ, đảng viên và cấp ủy. Nhờ làm tốt công tác kiểm tra nên số lượng đơn thư khiếu nại giảm đi rõ rệt, các phong trào thi đua được giữ vững và đi vào chiều sâu, nhiều cơ sở Đảng từ chỗ yếu kém đã vươn lên khá và trong sạch vững mạnh, nội bộ đoàn kết thống nhất, vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, tính tiên phong gương mẫu của mỗi đảng viên được nâng cao.

Tuy nhiên, công tác kiểm tra chưa thường xuyên bám sát và phục vụ kịp thời việc kiểm tra thực hiện các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, cũng như việc chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, buôn lậu. Một số Ủy ban Kiểm tra cơ sở hoạt động chưa mạnh, nắm tình hình chưa chắc, ít phát hiện ra sai phạm, khuyết điểm. Sự phối hợp với các ngành chức năng chưa thường xuyên, dẫn đến một số sự việc xem xét xử lý chưa kịp thời, chưa nghiêm.

Công tác lãnh đạo đoàn thể nhân dân được Đảng bộ quan tâm, nhất là quán triệt thực hiện Nghị quyết 8B, Nghị quyết số 3,4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về đổi mới sự lãnh đạo của Đảng với các đoàn thể nhân dân. Đảng bộ đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Công đoàn viên chức đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Qua đó, các tổ chức này đã tập trung xây dựng khối đại đoàn kết thống nhất giữa Đảng với nhân dân, đưa đường lối đổi mới của Đảng vào cuộc sống với nhiều hình thức phong phú, sinh động, thiết thực, phù hợp với đoàn viên, hội viên: Tham gia xây dựng Đảng, xây dựng cơ quan, đơn vị; nắm và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của quần chúng với Đảng và chính quyền, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chấp hành đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan đơn vị; phòng chống các tệ nạn xã hội, đẩy mạnh các phong trào văn nghệ, thể thao, các phong trào thanh niên lập nghiệp, phong trào tuổi trẻ giữ nước, đền ơn đáp nghĩa… Thông qua các phong trào cách mạng, các tổ chức đã giới thiệu cho Đảng nhiều đoàn viên, hội viên ưu tú. Trong nhiệm kỳ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh luôn được Đoàn cấp trên công nhận là tổ chức đoàn thể vững mạnh.

Song, trong nhiệm kỳ 1991 – 1995, công tác lãnh đạo đoàn thể quần chúng còn một số tồn tại. Cấp ủy ở một số cơ sở thiếu quan tâm, chưa tạo điều kiện cho đoàn thể hoạt động, thiếu kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở và giải quyết kịp thời tâm tư nguyện vọng của quần chúng. Phong trào đoàn thể chưa đi vào chiều sâu, mới chú trọng đến bề nổi, ít chú ý đến phong trào thi đua phát huy sáng kiến, ứng dụng những đề tài khoa học vào thực tiễn. Vai trò của tổ chức đoàn thể ở một số cơ sở còn chưa chủ động, chưa tạo được phong trào lôi cuốn quần chúng mạnh mẽ.

Thiết kế bởi VNPT