Đảng bộ Các cơ quan tỉnh Yên Bái thành lập, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới

Sau 5 năm thực hiện đường lối đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, tác động rất lớn tới công cuộc đổi mới. Hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô ngày càng thoái trào và đi tới sụp đổ. Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đứng trước nhiều tổn thất, khó khăn. Tình hình đó đã tác động rất lớn tới đất nước ta, khiến cho một số cán bộ, đảng viên và nhân dân hoang mang, dao động, hoài nghi đường lối đổi mới và những thành tựu đạt được.

Trong bối cảnh đó, từ ngày 24 đến ngày 26-6-1991, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng họp tại Hà Nội đã kiểm điểm, đánh giá thành tựu sau 5 năm đổi mới (1986-1990) và khẳng định đường lối đổi mới do Đại hội VI (12-1986) đề ra là đúng đắn. Trong chặng đường tiếp theo, cần kiên trì, tích cực đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, có nguyên tắc và có bước đi vững chắc. Đó là mệnh lệnh của cuộc sống, là quá trình không thể đảo ngược. Đại hội đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hộiChiến lược ổn định phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2000; đề ra phương hướng, nhiệm vụ của công cuộc đổi mới toàn diện trong chặng đường tiếp theo.

Sau hơn 15 năm hợp nhất, tỉnh Hoàng Liên Sơn đã phát huy tiềm năng, thế mạnh, cùng cả nước giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên quê hương. Tuy nhiên, Hoàng Liên Sơn là một tỉnh miền núi, địa bàn rộng, giao thông gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn, an ninh xã hội phức tạp, môi trường và điều kiện để đẩy mạnh phát triển kinh tế khó khăn. Để phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, khắc phục hiệu quả những hạn chế, yếu kém, đẩy mạnh công cuộc đổi mới ở từng địa phương, Trung ương Đảng và Chính phủ chủ trương xóa bỏ tỉnh Hoàng Liên Sơn, thành lập lại tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Với chủ trương đó, tại kỳ họp ngày 12-8-1991, Quốc hội ra Nghị quyết chia tỉnh Hoàng Liên Sơn thành hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai.

Ngày 01-10-1991, tỉnh Yên Bái được tái lập và chính thức đi vào hoạt động. Sau khi tái lập, tỉnh Yên Bái có diện tích 6.807 km², dân số 658.891 người gồm nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống như người Kinh, Tày, Dao, Mông, Thái, Nùng, Mường… Tỉnh có 8 đơn vị hành chính, trong đó, có 7 huyện: Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải và thị xã Yên Bái. Cùng với việc tái lập tỉnh, Đảng bộ tỉnh Yên Bái cũng được tái lập và đi vào hoạt động.

Sau khi tỉnh Yên Bái và Đảng bộ tỉnh Yên Bái được tái lập, ngày 7-10-1991, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Quyết định thành lập Đảng bộ các cơ quan tỉnh Yên Bái, chỉ định Ban Chấp hành lâm thời, do đồng chí Nguyễn Công Hoành làm Bí thư, đồng chí Bùi Đức Tài làm Phó Bí thư Đảng ủy. Thực hiện Chỉ thị số 59 – CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tổ chức đại hội các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, từ ngày 30 đến ngày 31-12-1991, Đại hội đại biểu Đảng bộ các cơ quan tỉnh Yên Bái lần thứ III (khóa XIII) được tổ chức trọng thể, 98 đại biểu thay mặt cho gần 1.000 đảng viên của 52 chi, đảng bộ cơ sở về dự Đại hội.

Đại hội đã kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng bộ trong nhiệm kỳ 1989 – 1991, đề ra phương hướng nhiệm vụ cho nhiệm kỳ 1991 – 1995, bầu Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ III (Khóa XIII), gồm 17 đồng chí. Ban Thường vụ gồm 5 đồng chí, đồng chí Nguyễn Xuân Mùi được bầu làm Bí thư, đồng chí Bùi Đức Tài làm Phó Bí thư Đảng ủy.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cơ quan lần thứ III (khóa VIII), trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước và tỉnh có nhiều khó khăn, thuận lợi, đan xen. Đặc biệt, sau sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô, các thế lực thù địch tăng cường thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, kích động thực hiện đa nguyên đa đảng, nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; truyền bá tư tưởng văn hóa đồi trụy, độc hại, đưa lực lượng gián điệp, biệt kích vào nước ta nhằm cấu kết với bọn phản động và các phần tử xấu trong nước, tăng cường hoạt động nhằm lật đổ chế độ. Những thay đổi ở Liên Xô và Đông Âu đã gây cho nền kinh tế Việt Nam nhiều sự đảo lộn về thị trường xuất và nhập khẩu; về hợp đồng lao động, về nguồn vốn vay ưu đãi… trong khi một số nước tiếp tục chính sách bao vây cấm vận kinh tế nước ta, gây cho ta thêm nhiều khó khăn.

Quá trình thực hiện đường lối đổi mới từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI tuy đã mang lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng, nhưng trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về kinh tế – xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, bao trùm nhất là: “đất nước ta vẫn chưa ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội… nhiều vấn đề kinh tế – xã hội nóng bỏng chưa được giải quyết”[1].

Những biến động của tình hình thế giới và trong nước tác động làm cho kinh tế – xã hội của Yên Bái càng thêm khó khăn. Với đặc điểm của một tỉnh miền núi, nhiều dân tộc, hơn nữa tỉnh Yên Bái và Đảng bộ tỉnh vừa tái lập, còn nhiều khó khăn và lúng túng, công tác tổ chức và cán bộ có nhiều biến động, nhất là cán bộ các sở, ban, ngành.

Bên cạnh những khó khăn trên, quá trình lãnh đạo sự nghiệp đổi mới (1991 – 1995) cũng có những thuận lợi cơ bản. Đó là: Đường lối đổi mới của Đảng qua kiểm nghiệm thực tiễn đã chứng tỏ tính đúng đắn và tiếp tục được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (6-1991) bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.

Trên cơ sở đường lối đổi mới của Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã nhanh chóng xây dựng chương trình hành động toàn khóa, tiến hành chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm; kịp thời tổng kết, rút kinh nghiệm để nhân ra diện rộng. Đồng thời, tiến hành đổi mới phương thức và phong cách lãnh đạo. Ban Chấp hành đã xây dựng quy chế làm việc, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng đồng chí, tăng cường mối quan hệ công tác giữa Đảng ủy với cấp ủy cơ sở, với Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn… Nhờ đó, công tác lãnh đạo của Đảng bộ thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng và an ninh quốc phòng đều đạt được những thành tựu quan trọng, tạo đà cho Đảng bộ các cơ quan tỉnh cùng nhân dân Yên Bái thực hiện tốt nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới.

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb.Sự thật, H.1991, Tr.50.

Thiết kế bởi VNPT