Tích cực tham mưu, lãnh đạo khối cơ quan tỉnh đẩy mạnh thực hiện đường lối đổi mới

Trên lĩnh vực lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, Đảng uỷ đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh góp phần tạo ra bước phát triển mới khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội.

Trên mặt trận sản xuất nông – lâm nghiệp, đã tích cực đi sâu nghiên cứu, đề xuất đổi mới cơ chế quản lý, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, phòng chống sâu bệnh, đưa sản xuất nông – lâm nghiệp phát triển khá toàn diện; nhịp độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 5,6%, sản lượng lương thực năm 1995 đạt 171.000 tấn, vượt mục tiêu Đại hội XIII Đảng bộ tỉnh.

Sản xuất lâm nghiệp đã tổ chức đa dạng hóa các loại cây trồng phù hợp với đất đai, khí hậu vùng sinh thái, bước đầu xác định được tập đoàn cây trồng hợp lý, nhất là tạo sự chuyển biến trong nhân dân về ý thức làm giàu từ đất rừng ở vùng cao, bước đầu đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế trang trại có hiệu quả.

Trên lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp, khoa học – công nghệ, Đảng bộ đã chủ động tham mưu, đề xuất giải pháp về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế, chính sách và đổi mới tổ chức và cán bộ, sắp xếp, kiện toàn lại các doanh nghiệp theo Quyết định số 388-CP của Chính phủ; tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đổi mới thiết bị công nghệ… góp phần đưa giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 24,5%/năm, giá trị sản lượng năm 1994 đạt 105 tỷ đồng; công tác ứng dụng khoa học – kỹ thuật được chú trọng, nhiều đề tài nghiên cứu được đưa vào sử dụng có hiệu quả, một số sản phẩm được nghiên cứu sản xuất thành công từ nguyên liệu địa phương mở ra hướng phát triển mới. Thương mại – dịch vụ tăng trưởng 10,6%/năm, đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa và phục vụ sản xuất. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật có tiến bộ lớn, hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

Lĩnh vực tài chính tiền tệ dần thích ứng với cơ chế thị trường, góp phần kiềm chế và đẩy lùi lạm phát, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn cho xây dựng hạ tầng, mở rộng và phát triển sản xuất, nhất là cho vay vốn hỗ trợ mở mang ngành nghề, góp phần giải quyết việc làm và thực hiện chính sách xã hội.

Công tác giáo dục – đào tạo, có sự chuyển biến tích cực theo hướng nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực và đào tạo nhân tài. Tăng cường đào tạo giáo viên và xóa mù chữ cho cán bộ xã vùng cao. Cuối năm 1995, toàn tỉnh đã có 2 huyện, thị và 96 xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học.

Trong công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, các ngành chức năng đã tham mưu cho tỉnh và chỉ đạo chuyển mạnh sang y tế dự phòng. Đến năm 1995, toàn tỉnh đã xóa xã trắng về y tế. Bình quân 1 vạn dân có 22 giường bệnh, 4,6 bác sĩ… Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, số người mắc bệnh bướu cổ, sốt rét đều giảm.

Công tác văn hóa, thông tin, văn học nghệ thuật, thể dục, thể thao đã tăng cường đầu tư chiều sâu, trang bị kỹ thuật mới, cải tiến cả về nội dung và hình thức, chất lượng tin bài được tăng lên phục vụ tốt hơn nhiệm vụ chính trị ở địa phương, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Công tác an ninh – quốc phòng, luôn được Đảng bộ quan tâm chỉ đạo thực hiện nhằm chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ chính trị nội bộ và trật tự an toàn cơ quan. Đảng bộ đã đẩy mạnh tuyên truyền giúp cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức nhận thức sâu sắc về âm mưu, hành động phá hoại của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch. Qua đó, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, xây dựng cơ quan, đơn vị an toàn, làm tốt công tác bảo vệ nội bộ, giữ gìn bí mật quốc gia. Nhờ làm tốt công tác an ninh – quốc phòng, đã góp phần giữ vững ổn định chính trị – xã hội trên địa bàn, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội.

Trong 5 năm (1991 – 1995), phát huy tinh thần đoàn kết của cán bộ, đảng viên và công nhân viên và được sự chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Tỉnh ủy, sự phối hợp giúp đỡ của các Ban xây dựng Đảng, Đảng bộ các cơ quan tỉnh Yên Bái đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Đảng bộ đã tích cực tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh về xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả công tác của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; về hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội… Qua đó, góp phần đưa đường lối đổi mới của Đảng vào cuộc sống, phát triển mọi mặt kinh tế – xã hội của tỉnh, nhất là bước đầu xác lập được cơ chế quản lý mới, xác định cơ cấu kinh tế phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, từng bước hình thành cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần tạo ra các mô hình sản xuất, kinh doanh năng động, có hiệu quả ở tất cả các ngành, các lĩnh vực. Nhiều vấn đề xã hội đã cơ bản được giải quyết, đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nhân dân trong tỉnh được cải thiện. Qua chặng đường đầy gian nan, thử thách, Đảng bộ trưởng thành thêm một bước, nhất là kinh nghiệm về chỉ đạo thực tiễn. Đây là những tiền đề quan trọng để Đảng bộ tiếp tục góp phần đưa sự nghiệp đổi mới của địa phương tiến thêm một bước mới.

Thiết kế bởi VNPT