Tăng cường xây dựng Đảng, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng trong thời kỳ mới

Sau 10 năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, “Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội, nhưng một số mặt còn chưa vững chắc. Nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho Công nghiệp hóa đã cơ bản hoàn thành cho phép chuyển sang thời kỳ mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”[1].

Cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nói chung, Đảng bộ các cơ quan tỉnh Yên Bái nói riêng vững bước vào thời kỳ cách mạng mới.

Từ ngày 24 đến ngày 26-12-1995, Đại hội Đảng bộ các cơ quan tỉnh Yên Bái lần thứ IV (khóa XIV) được tổ chức. Tham dự Đại hội có 112 đại biểu, thay mặt cho gần 1.200 đảng viên của 57 chi, đảng bộ. Đại hội đã thảo luận, góp ý vào các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIV; nghe báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cơ quan tỉnh Yên Bái lần thứ III (khóa XIII); đề ra  phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ (1996 – 2000); nghe báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ (1991 – 1995) và bầu Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ (1996 – 2000).

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, điều kiện thực tiễn, căn cứ vào dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIV và văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, Đại hội đã tập trung thảo luận và đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2000 là: Phát huy tinh thần tiên phong của đảng viên, xây dựng Đảng bộ vững mạnh và đội ngũ cán bộ, đảng viên “Có đức, có tài”, tập trung trí tuệ, tham mưu quản lý điều hành, phấn đấu góp phần đưa Yên Bái đến năm 2000 thoát khỏi tỉnh nghèo và chậm phát triển; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tăng tích lũy từ nội bộ nền kinh tế để đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa, thực hiện mục tiêu “Dân giàu, tỉnh mạnh, xã hội công bằng, văn minh”.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát cũng như nhiệm vụ cụ thể về công tác xây dựng Đảng, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác an ninh – quốc phòng, Đại hội đã đề ra những giải pháp cơ bản:

Một là: Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện từng thời gian, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, tập trung thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội đã được các sở, ngành, tỉnh giao, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo.

Hai là: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ, đề cao trách nhiệm của các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành, tranh thủ sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, phát huy tính chủ động, sáng tạo, trí tuệ của cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức để thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ. Kiện toàn tổ chức và bố trí cán bộ chủ chốt đủ mạnh để xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, sử dụng cán bộ đảng viên đúng việc, quan tâm cán bộ trẻ.

Ba là: Xây dựng điểm, đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng, sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm kịp thời. Tăng cường bám sát cơ sở, nắm bắt và giải quyết những vấn đề vướng mắc nảy sinh ngay từ cơ sở.

Bốn là: Tăng cường công tác kiểm tra bằng nhiều hình thức (thường xuyên, định kỳ, đột xuất), làm tốt việc giáo dục, quản lý đảng viên nơi công tác và cư trú. Giữ vững mối quan hệ công tác giữa Đảng ủy với cấp ủy cơ sở, ban cán sự đảng, đảng đoàn. Duy trì mối quan hệ công tác giữa cấp ủy với thủ trưởng cơ quan các đoàn thể trong việc kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ (1995 – 2000), gồm 19 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 5 đồng chí. Đồng chí Bùi Đức Tài được bầu làm Bí thư Đảng ủy, đồng chí Nguyễn Tiến Chỉnh được bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy.

Với những kinh nghiệm quý báu sau 10 năm lãnh đạo thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong toàn Đảng bộ quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ IV (khóa XIV), góp phần đưa nền kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Sau Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ đã xây dựng quy chế hoạt động, xây dựng chương trình công tác toàn khóa để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cơ quan tỉnh lần thứ IV, trong đó, xây dựng chương trình cụ thể hàng năm và có kế hoạch, biện pháp thực hiện. Ban Chấp hành cũng phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong Ban Chấp hành, từ đồng chí Bí thư, Phó Bí thư, các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ, ủy viên Ban Chấp hành làm công tác chuyên trách Đảng, đoàn thể đến các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành kiêm chức ở các chi, đảng bộ. Đây chính là nhân tố có ý nghĩa quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IV (khóa XIV) nhiệm kỳ (1996 – 2000).

Trên lĩnh vực giáo dục chính trị tư tưởng, Đảng bộ đã tăng cường bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên về đường lối, chủ trương của Đảng, về chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về những truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, đảm bảo sự thống nhất về chính trị và tư tưởng trong toàn Đảng bộ.

Các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy đều được Đảng bộ tổ chức nghiên cứu, quán triệt, thực hiện đầy đủ, kịp thời, đạt kết quả tốt, với 100% cơ sở đảng và 98% đảng viên tham gia học tập. Nhiều chi, đảng bộ cơ sở tổ chức học tập chính trị, bảo đảm 100% đảng viên tham gia. Qua các đợt học tập, Đảng bộ đã triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cơ quan tỉnh lần thứ IV (khóa XIV), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIV, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII, chỉ thị của Tỉnh ủy, cũng như những định hướng lớn trong công tác tư tưởng của Đảng cho cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Đảng bộ tập trung vào đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao hiệu quả học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Tham mưu cho Tỉnh ủy triển khai công tác chính trị tư tưởng trong toàn tỉnh; hướng dẫn tổ chức cơ sở đảng xây dựng chương trình hành động theo tinh thần của nghị quyết, kịp thời đưa các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống. Đồng thời, Đảng bộ cũng đẩy mạnh các phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế – xã hội của tỉnh trong giai đoạn 1996 – 2000.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII về cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hướng dẫn của Tỉnh ủy về thực hiện sinh hoạt chính trị tự phê bình và phê bình trong Đảng, Đảng bộ đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn các cấp ủy và các tổ chức đoàn thể triển khai theo trình tự các bước. Ban Thường vụ Đảng ủy trực tiếp chỉ đạo học tập nghị quyết theo 8 khối tập trung. 100% tổ chức cơ sở đảng với 99% số đảng viên và 95% cán bộ công chức viên chức trong Đảng bộ được quán triệt Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) và học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 5 lời thề trong lễ truy điệu Người. Để tổ chức tốt đợt sinh hoạt tự phê bình và phê bình, Đảng bộ đã chỉ đạo làm điểm ở 6 chi, đảng bộ trực thuộc các ngành, lĩnh vực khác nhau; qua đó, đánh giá, rút kinh nghiệm và triển khai trong toàn Đảng bộ.

Tập thể Ban Thường vụ và từng đồng chí ủy viên Ban Thường vụ đã tiến hành tự phê bình và phê bình dưới sự chủ trì và chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy. Nội dung tự phê bình và phê bình đi sâu vào kiểm điểm trách nhiệm được giao, kiểm điểm nhận thức trong tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và làm rõ những vấn đề, vụ việc dư luận mà cán bộ, đảng viên và quần chúng quan tâm. Qua kiểm điểm, các khuyết điểm của từng đồng chí trong Ban Thường vụ được phê bình nghiêm túc, trách nhiệm được chỉ ra rõ ràng, các cá nhân tiếp thu phê bình một cách cầu thị, nhận rõ khuyết điểm và có hướng sửa chữa. Kết quả tự phê bình và phê bình của tập thể Ban Thường vụ và cá nhân các đồng chí Ủy viên Thường vụ được dư luận đồng tình, góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, gắn bó trong nội bộ.

Đối với các chi, đảng bộ cơ sở, Ban Thường vụ Đảng ủy đã chỉ đạo cấp ủy cơ sở tổ chức cho đảng viên kiểm điểm tự phê bình và phê bình gắn với kiểm điểm tổng kết công tác năm. Ban Thường vụ Đảng ủy và cán bộ các Ban cùng tham gia đoàn công tác của Tỉnh ủy, tổ chức chỉ đạo sinh hoạt tự phê bình và phê bình ở 36 cơ sở có Ban cán sự Đảng, 24 chi, đảng bộ Ban Thường vụ chỉ đạo trực tiếp. Các bản kiểm điểm phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 và Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) của tập thể cấp ủy và cá nhân đảng viên được chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc theo đúng yêu cầu. Tháng 3-2000, 100% đảng viên và tập thể cấp ủy đã thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình.

Sau đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình, tinh thần đoàn kết nội bộ được củng cố, góp phần xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng cơ quan đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Cũng qua tự kiểm điểm đảng viên, đã giúp cho các cấp ủy Đảng có cơ sở trong việc phân tích, đánh giá chất lượng đảng viên ở cơ sở được chặt chẽ, thực chất và sát tiêu chuẩn hơn.

Sau đợt sinh hoạt, Ban Thường vụ Đảng ủy đã tập trung giải quyết tồn tại ở 8 cơ sở được Tỉnh ủy chỉ đạo. Đảng ủy các cơ quan tỉnh đã phối hợp với Ủy ban Kiểm tra, Ban Tổ chức Tỉnh ủy kiểm tra lại và nghe các tổ chức cơ sở Đảng báo cáo chương trình hành động, biện pháp khắc phục sửa chữa khuyết điểm. Qua đó, giúp cho các cơ sở này có sự chuyển biến rõ rệt, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, nội bộ đoàn kết gắn bó hơn, chất lượng và hiệu quả công tác được nâng lên.

Đảng bộ phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm các đơn thư có liên quan đến 5 cán bộ, đảng viên thuộc diện Tỉnh ủy quản lý. Tham mưu giúp Tỉnh ủy về nhận xét đánh giá cán bộ để tỉnh sắp xếp, bố trí, điều chuyển một số cán bộ ở các chức danh chủ chốt của một số ngành cho phù hợp.

Qua đợt sinh hoạt tự phê bình và phê bình, các chi, đảng bộ cơ sở đã nâng cao nhận thức trách nhiệm trong công tác xây dựng Đảng trên cả ba mặt nhận thức tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ. Thường xuyên quan tâm đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, công nhân viên giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch. Các cấp ủy cơ sở đã kịp thời bổ sung hoàn thiện quy chế làm việc của cấp ủy, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ theo quy định của Điều lệ Đảng với các nội dung thiết thực; công tác quản lý, giáo dục và nâng cao chất lượng đảng viên được tăng cường.

Qua đợt sinh hoạt đầy ý nghĩa, mỗi tập thể cấp ủy và từng cá nhân thấy rõ được trách nhiệm của mình, nội bộ đoàn kết, thống nhất cao, góp phần tổ chức thành công Đại hội Đảng ở các chi đảng bộ cơ sở.

Đảng bộ thường xuyên tổ chức thông tin kịp thời về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh, trong nước và quốc tế, đổi mới nội dung và phương pháp thông tin, tuyên truyền, đáp ứng yêu cầu của cán bộ, đảng viên, công nhân viên về nắm bắt thông tin. Duy trì thường xuyên các hội nghị báo cáo viên định kỳ, duy trì tốt hoạt động của lực lượng báo cáo viên. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng cũng như tình hình thời sự và nhiệm vụ mới cho cán bộ, đảng viên, công nhân viên trong Đảng bộ. Chú trọng giáo dục tinh thần cảnh giác cách mạng, chống âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Tăng cường giáo dục, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên. Ngoài các nội dung về tình hình trong nước và thế giới, Đảng bộ tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về công tác tôn giáo, phòng chống tệ nạn xã hội… nâng cao nhận thức và hành động cho cán bộ, đảng viên trong sinh hoạt, công tác.

Đảng ủy đã chỉ đạo, duy trì thường xuyên các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, nhất là giải thể thao truyền thống của Đảng bộ. Nhờ duy trì luyện tập và thi đấu thường xuyên, các đội văn nghệ, thể thao của Đảng bộ luôn giành thứ hạng cao trong các giải, hội diễn quần chúng do tỉnh tổ chức. Năm 1997, Đảng bộ đã tham gia và giành giải nhất toàn đoàn giải thể thao “Mừng Đảng, mừng Xuân” lần thứ V do Tỉnh ủy tổ chức. Tổ chức hội diễn nghệ thuật quần chúng các cơ quan tỉnh lần thứ nhất đạt kết quả cao và tham gia hội diễn toàn tỉnh đạt giải Nhất. Các hoạt động văn hóa, thể thao vừa góp phần rèn luyện và tăng cường sức khỏe cho cán bộ, đảng viên, công nhân viên; đồng thời, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, đều khắp trong toàn Đảng bộ.

Công tác tổ chức, cán bộ được xác định là nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Do đó, Đảng bộ luôn tích cực nâng cao chất lượng lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; tăng cường vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng gắn với nâng cao chất lượng đảng viên và công tác quy hoạch cán bộ.

Các chi, đảng bộ thuộc các Ban Xây dựng Đảng của tỉnh đã đề xuất nhiều chủ trương, giải pháp về công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở các doanh nghiệp, phường, xã vùng cao; hướng dẫn cơ sở củng cố và nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, đề xuất nhiều biện pháp xây dựng cơ quan, chính quyền nhà nước vững mạnh.

Đảng bộ thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp ủy, xây dựng quy chế hoạt động theo quy định của Ban Bí thư Trung ương (khóa VII), đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới, chỉnh đốn Đảng. Đảng bộ đã tổ chức nghiên cứu sâu các Quy định số 49, 54 của Ban Bí thư Trung ương Đảng cho đội ngũ Bí thư, Phó Bí thư cơ sở, phối hợp cùng Ban Tổ chức Tỉnh ủy tiến hành khảo sát, đánh giá tổ chức cơ sở Đảng, cán bộ, đảng viên; mở hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quy định số 54 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở Đảng. Qua tổng kết, các tổ chức cơ sở đã nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng, vị trí, chức năng của tổ chức cơ sở Đảng, kịp thời chấn chỉnh những khuyết điểm.

Ngoài ra, Đảng bộ tổ chức hội thảo với các ngành chức năng, các đoàn thể với nhiều chủ đề thiết thực. Trên cơ sở đó, đề ra các nghị quyết chuyên đề như: Nghị quyết số 01 về chống tham nhũng, tiêu cực; Nghị quyết số 02 về thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Nghị quyết số 03 về tăng cường lãnh đạo của Đảng với các đoàn thể quần chúng.

Các Nghị quyết của Đảng bộ đã bám sát, phù hợp với thực tiễn cuộc sống, được cán bộ, đảng viên và công nhân viên trong Đảng bộ đồng tình ủng hộ, quán triệt thực hiện hiệu quả cao.

Trong công tác cán bộ của các tổ chức cơ sở, Đảng ủy đã tham mưu cho Tỉnh ủy xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về chiến lược cán bộ, nhằm xây dựng kế hoạch, quy hoạch cán bộ của tỉnh đến năm 2000 – 2010 và những năm tiếp theo. Đảng bộ cũng đã đề xuất các giải pháp để từng bước thực hiện tiêu chuẩn hóa cán bộ, thi tuyển công chức, viên chức; chủ động đề xuất với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện tốt chính sách cán bộ, chính sách người có công với cách mạng. Chỉ đạo các cơ sở Đảng điều tra, phân tích, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ và thực hiện chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ; trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch cán bộ có đức, có tài, đúng vị trí, phát huy chuyên môn.

Năm 1998, Đảng bộ đã chỉ đạo chặt chẽ quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội cho Đảng bộ cơ sở hết nhiệm kỳ, bảo đảm đúng quy định, từ khâu chuẩn bị báo cáo chính trị, công tác nhân sự. Đảng ủy đã tiến hành làm điểm ở 3 chi, đảng bộ, tổng kết rút kinh nghiệm và nhân rộng trong toàn Đảng bộ. Với những chi bộ, đảng bộ còn tồn tại mâu thuẫn, Ban Thường vụ Đảng ủy đã chỉ đạo giải quyết dứt điểm trước khi tổ chức Đại hội. Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị nên 100% các chi, đảng bộ đã tổ chức xong đại hội đạt mục đích, yêu cầu đề ra.

Công tác củng cố kiện toàn tổ chức cơ sở Đảng, xây dựng chi, đảng bộ trong sạch vững mạnh toàn diện được thực hiện thường xuyên. Năm 1996, Đảng bộ đã sắp xếp, kiện toàn 5 tổ chức cơ sở đảng, thành lập mới 1 chi bộ, sáp nhập Đảng bộ Sở Thủy lợi và Đảng bộ Sở Nông Lâm thành Đảng bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Năm 1997, Đảng bộ đã tiến hành củng cố, kiện toàn 7 cấp ủy cơ sở: Chi ủy Quản lý thị trường, Sở Địa chính, Sở Tư pháp, Ban Dân tộc tỉnh, Tỉnh đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Ban Tôn giáo tỉnh, Công ty vàng bạc đá quý; thành lập mới 3 chi bộ (Ban Tôn giáo, Ban Nội chính, Liên minh hợp tác xã); nâng cấp 2 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở lên thành Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ, đưa tổng số lượng chi bộ, Đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ cơ quan lên 60 cơ sở đảng, trong đó có 17 Đảng bộ, 43 chi bộ với 1.460 đảng viên.

 Đảng bộ các cơ quan không ngừng kiện toàn tổ chức cán bộ. Trong 5 năm (1996-2000), đã bổ sung 30 đồng chí cấp ủy viên ở những tổ chức cơ sở Đảng có sự thay đổi về công tác cán bộ. Giải thể 2 chi, đảng bộ, thành lập mới 4 chi, đảng bộ, chuyển 9 cơ sở trực thuộc về Thị ủy Yên Bái. Tổng số có 55 chi, đảng bộ đến cuối nhiệm kỳ. Trong nhiệm kỳ 1996 – 2000, có 3 đồng chí chuyển công tác và 2 đồng chí nghỉ chế độ thôi không tham gia Ban Chấp hành. Tháng 7-2000, Tỉnh ủy điều động đồng chí Hoàng Thương Lượng giữ chức Bí thư Đảng ủy các cơ quan tỉnh thay đồng chí Bùi Đức Tài nghỉ hưu, Ban Chấp hành bầu bổ sung đồng chí Hoàng Minh Sơn làm Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy.

Nhờ làm tốt công tác củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở Đảng, giúp các cơ sở Đảng khắc phục những thiếu sót, tồn tại về chức năng, nhiệm vụ, giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa vai trò lãnh đạo của cấp ủy với chính quyền và các tổ chức khác.

Việc phân tích, đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh được tiến hành chặt chẽ, khách quan, góp phần tạo ra sự chuyển biến rõ nét hoạt động của các tổ chức cơ sở Đảng. Ban Chấp hành Đảng bộ xác định, củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng là nhiệm vụ then chốt. Do vậy, tùy từng loại hình cơ sở theo từng khối ngành chuyên môn, nhất là những cơ sở còn yếu một số mặt, những cơ sở chưa đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh, Ban Chấp hành đã phân công các đồng chí Ủy viên trực tiếp giúp đỡ. Với nhiều biện pháp đồng bộ, tích cực, kết quả phân, xếp loại các tổ chức cơ sở Đảng cho thấy số chi, đảng bộ trong sạch vững mạnh tăng dần và số cơ sở khá, yếu giảm dần. Năm 1996, trong tổng số 58 chi, đảng bộ có 52 chi, đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh chiếm 89,7% tăng 15,6% so với năm 1995; 5 chi đảng bộ xếp loại khá (1 chi bộ mới thành lập không xếp loại).

Năm 1997, có 60 chi, đảng bộ có 53 chi, đảng bộ trong sạch vững mạnh chiếm 88,3%, 5 chi, đảng bộ xếp loại khá chiếm 5%, 1 đảng bộ xếp loại yếu chiếm 1,7% (3 chi, đảng bộ mới thành lập không xếp loại). Năm 1998 tổng số 61 chi, đảng bộ có 58 cơ sở đạt trong sạch vững mạnh chiếm 92,8%, vượt 26,1% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội IV. Trong suốt nhiệm kỳ 1996 – 2000, Đảng bộ luôn giữ vững danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh.

Công tác quản lý, bồi dưỡng rèn luyện đảng viên được quan tâm thường xuyên. Việc đánh giá, phân tích chất lượng đảng viên gắn với kiểm điểm chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa… Đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, sát tiêu chuẩn, phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình của đảng viên nên chất lượng phân tích thể hiện sự khách quan, chính xác hơn. Số đảng viên loại I tăng dần, số loại II và III giảm dần. Bình quân trong cả nhiệm kỳ, số đảng viên đủ tư cách phát huy tác dụng tốt (loại I) đạt 95,1% vượt mục tiêu nghị quyết Đại hội IV đã đề ra.

Ban Chấp hành Đảng bộ thường xuyên chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng có những biện pháp quản lý đảng viên trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Do đó, cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ có sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác, xây dựng tác phong làm việc, đạo đức, lối sống tốt, được quần chúng tín nhiệm.

Cùng với việc giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đảng viên, các cấp ủy đã quan tâm đẩy mạnh công tác phát triển Đảng. Hằng năm, Đảng ủy xây dựng kế hoạch bồi dưỡng phát triển đảng viên mới gắn với quy hoạch đào tạo cán bộ, tạo điều kiện để quần chúng phấn đấu vào Đảng. Đảng viên sau khi kết nạp phát huy được vai trò tiền phong gương mẫu, thể hiện tốt phẩm chất, lập trường của người cộng sản.

Trong 5 năm, Đảng bộ đã mở 7 lớp bồi dưỡng cho 378 quần chúng ưu tú, 7 lớp bồi dưỡng đảng viên mới cho 381 đồng chí. Qua bồi dưỡng, theo dõi, Đảng bộ đã kết nạp 352 quần chúng ưu tú đứng trong hàng ngũ của Đảng, vượt chỉ tiêu Đại hội IV là 171%. Trong đó, số đảng viên nữ là 140 đồng chí, đoàn viên ưu tú là 112 đồng chí và dân tộc thiểu số là 26 đồng chí.

Để không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, trong 5 năm (1996 – 2000), đã có 1.025 lượt cán bộ đảng viên được học các lớp lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ. Trình độ văn hóa, chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ không ngừng được nâng cao. Đến tháng 10-2000, toàn Đảng bộ có 1.545 đảng viên, trong đó, số đảng viên có trình độ văn hóa cấp I chiếm 0,12%, cấp II chiếm 9,85%, cấp III chiếm 90,03%.

Đảng viên có trình độ chuyên môn sơ cấp chiếm 12,3%, trung cấp 18,83%; cao đẳng, đại học 60,38%; sau đại học 0,32%. Đảng viên có trình độ lý luận chính trị sơ cấp chiếm 35,81%; trung cấp 23,94%; cao cấp và cử nhân 12,81%; số đảng viên chưa qua các lớp lý luận chính trị chiếm 27,44%.

Nhận thức sâu sắc quan điểm kiểm tra là một nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, nhằm giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, sau Đại hội Đảng bộ, Ủy ban Kiểm tra các cấp được kiện toàn một bước về nội dung và chất lượng. Sau khi chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội đảng cấp cơ sở nhiệm kỳ 1998 – 2000, Đảng ủy các cơ quan tỉnh đã tổ chức 2 lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về công tác kiểm tra và công tác cấp ủy cho Bí thư các chi, đảng bộ cơ sở.

Công tác kiểm tra tập trung vào 5 nhiệm vụ của Ủy ban kiểm tra theo Điều lệ Đảng quy định và nhiệm vụ do cấp ủy giao. Đảng ủy tiến hành kiểm tra tổ chức Đảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm, giải quyết đơn thư tố cáo đối với tổ chức Đảng và đảng viên; kiểm tra việc chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng, kiểm tra chấp hành nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng và việc giữ gìn phẩm chất, đạo đức cách mạng của đảng viên, kiểm tra gắn với triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng về chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Ủy ban kiểm tra chủ động tham mưu với Ban Thường vụ Đảng ủy về nhiệm vụ kiểm tra của cấp ủy và xây dựng chương trình, kế hoạch công tác kiểm tra thường xuyên và kiểm tra theo chuyên đề với các tổ chức cơ sở Đảng, Ủy ban kiểm tra cơ sở và đảng viên kể cả cấp ủy viên cùng cấp.

Từ năm 1996 đến năm 2000, Đảng ủy đã tiến hành kiểm tra 18 tổ chức Đảng cấp dưới và 92 lượt đảng viên có dấu hiệu vi phạm; tổ chức 67 cuộc kiểm tra cấp ủy cơ sở về thực hiện kiểm tra và 952 lượt đảng viên về chấp hành và thực hiện nhiệm vụ. Việc giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại đối với đảng viên và tổ chức Đảng được quan tâm xem xét thận trọng, giải quyết xử lý kịp thời.

Qua kiểm tra, Đảng ủy đã xem xét, xử lý kịp thời các vụ việc, có tác dụng giáo dục, ngăn ngừa tiêu cực, sai phạm góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đảng viên, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh. Tuy nhiên, công tác kiểm tra của Đảng bộ còn hạn chế: Một số cấp ủy cơ sở còn lúng túng về phương pháp; trình độ, năng lực của đội ngũ ủy viên Ủy ban Kiểm tra các cấp còn hạn chế so với yêu cầu nhiệm vụ; việc xem xét các dấu hiệu vi phạm có nhiều khó khăn với các nội dung phản ánh phức tạp liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều đối tượng; tính tự giác của một số đảng viên có khuyết điểm chưa cao làm hạn chế hiệu quả cũng như tác dụng giáo dục chung.

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. CTQG, H.1996,Tr.68.

Thiết kế bởi VNPT