Tham mưu, lãnh đạo khối cơ quan tỉnh đẩy mạnh công cuộc đổi mới

Cùng với tập trung lãnh đạo thực hiện công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ luôn quan tâm tới công tác lãnh đạo các đoàn thể, tích cực đổi mới công tác lãnh đạo đoàn thể, quan tâm củng cố và hướng dẫn Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cơ quan tỉnh và Công đoàn viên chức tỉnh đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tạo điều kiện cho các đoàn thể tham gia công tác xây dựng Đảng, xây dựng cơ quan. Đảng bộ đã ra nghị quyết chuyên đề về tăng cường lãnh đạo đối với đoàn thể quần chúng, chỉ đạo cấp ủy cơ sở phân công các ủy viên phụ trách công tác đoàn thể.

Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh các cơ quan tỉnh triển khai sâu rộng đến 100% cơ sở Đoàn và hơn 90% đoàn viên thanh niên học tập các Nghị quyết của Đảng bộ các cấp. Đẩy mạnh giáo dục truyền thống, thực hiện các phong trào, mục tiêu của Đoàn. Phong trào “Thanh niên lập nghiệp” và “Tuổi trẻ giữ nước” do Trung ương Đoàn phát động được cụ thể hóa bằng các hình thức, hoạt động cụ thể như: Học tập chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, vi tính, các hoạt động văn nghệ, thể thao, đã có tác dụng thiết thực lôi cuốn các cơ sở Đoàn và đoàn viên thanh niên tham gia.

Đến năm 2000, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cơ quan tỉnh có 36 cơ sở, với 1.020 đoàn viên. Trong nhiệm kỳ đã thành lập Hội Liên hiệp thanh niên cơ sở và tổ chức thành công Đại hội Hội Liên hiệp thanh niên các cơ quan tỉnh lần thứ nhất (1997). Đến cuối nhiệm kỳ, Hội đã thu hút được hơn 600 hội viên sinh hoạt trong 21 Hội Liên hiệp thanh niên cơ sở. Thông qua các phong trào, đã tạo điều kiện, môi trường cho tuổi trẻ học tập, rèn luyện, phấn đấu trở thành đảng viên. Các cơ sở Đoàn đã giới thiệu được 184 đoàn viên ưu tú, trong đó có 112 đồng chí được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam. Phong trào Đoàn đã góp phần động viên đoàn viên thanh niên hăng hái thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, tham gia các hoạt động xã hội… Bình quân trong cả nhiệm kỳ 1996 – 2000, số tổ chức cơ sở Đoàn đạt vững mạnh hàng năm trên 95%.

Công đoàn viên chức tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động. Trong nhiệm kỳ, đã chỉ đạo chặt chẽ Đại hội Công đoàn và hội nghị giữa nhiệm kỳ công đoàn cơ sở. Tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào báo cáo đại hội Công đoàn các cấp và tổ chức thành công Đại hội công đoàn viên chức tỉnh lần thứ II (1998). Đến năm 2000, công đoàn viên chức tỉnh có 36 cơ sở với 1.623 đoàn viên. Hoạt động của Công đoàn tập trung vào nâng cao trình độ nhận thức cho đoàn viên, phát huy quyền làm chủ của công chức viên chức, hướng vào công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, giáo dục, động viên công chức, viên chức tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị và tham gia các hoạt động xã hội. Công đoàn đã vận động 100% cơ sở và đoàn viên tham gia ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa của tỉnh nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/1997), tham gia ủng hộ quỹ giúp đỡ phụ nữ nghèo, ủng hộ trẻ em vùng cao, ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt 137 triệu đồng, xây dựng quỹ trợ giúp khó khăn 175 triệu đồng, tín chấp vay vốn để phát triển kinh tế gia đình hơn 440 triệu đồng. Thông qua các phong trào, đã giới thiệu được 329 đoàn viên xuất sắc kết nạp vào Đảng 140 đồng chí. Với sự cố gắng nỗ lực và những thành tích đã đạt được trong nhiệm kỳ, Công đoàn viên chức tỉnh được Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn viên chức Việt Nam tặng cờ và được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng khen.

Song song với lãnh đạo công tác xây dựng Đảng, công tác lãnh đạo các tổ chức cơ sở Đảng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được Đảng bộ hết sức quan tâm, góp phần thực hiện các nhiệm vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng quan tâm quán triệt và triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và của Tỉnh ủy. Động viên cán bộ, đảng viên, công chức viên chức khắc phục khó khăn, tập trung tham mưu, nghiên cứu đề xuất với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng các chủ trương, kế hoạch và tổ chức thực hiện có kết quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, với nhiều giải pháp đồng bộ. Trong 5 năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt 8,3%/năm. Trong sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ đã tích cực nghiên cứu, đề xuất chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, chú trọng đưa giống mới vào sản xuất, tăng cường công tác thủy lợi và phòng trừ sâu bệnh, góp phần đưa tổng sản lượng lương thực quy thóc năm 2000 đạt 197 nghìn tấn, tăng 26 nghìn tấn so với năm 1995. Đảng bộ tích cực tham mưu trong công tác trồng mới, khoanh nuôi, tái sinh, bảo vệ rừng và các công trình đầu tư theo chương trình 135 cho các xã đặc biệt khó khăn, góp phần tạo điều kiện cho phát triển kinh tế – xã hội, ổn định chính trị, cải thiện đời sống cho nhân dân.

Về sản xuất công nghiệp, xây dựng, giao thông, khoa học công nghệ… các đơn vị trong khối đã tích cực nghiên cứu tham mưu đề xuất các cơ chế, chính sách về củng cố kinh tế nhà nước, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất, tăng cường công tác quản lý, tập trung đầu tư có trọng điểm. Các ngành liên quan đã chú trọng chỉ đạo tăng cường cơ sở vật chất cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đồng thời thực hiện lồng ghép các công trình thủy lợi, trường học, trạm xá, trạm phát thanh, truyền hình… Năm 1996, tỉnh xây dựng thêm 2 trạm thu phát sóng truyền hình, tặng hơn 1.000 máy thu hình cho các xã vùng cao. Năm 1998, đưa tổng đài vi ba số Yên Bái – Mù Cang Chải vào sử dụng đảm bảo thông tin thông suốt 9/9 huyện, thị.

Thương mại, du lịch có hướng phát triển, trong đó thương nghiệp quốc doanh được củng cố, đảm bảo cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, góp phần bình ổn giá. Trong 5 năm, tốc độ tăng trưởng của dịch vụ thương mại bình quân đạt 12,93%/năm. Tỷ trọng dịch vụ thương mại chiếm 30% trong cơ cấu GDP.

Về tài chính ngân sách, được chỉ đạo chặt chẽ nên công tác thu ngân sách đạt và vượt mục tiêu của tỉnh và Trung ương giao hàng năm. Chi ngân sách đảm bảo nguyên tắc và đáp ứng chi phục vụ nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Không chỉ tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa – xã hội luôn được Đảng bộ quan tâm chỉ đạo. Các chi, đảng bộ thuộc khối văn hóa – xã hội đã tham mưu với Tỉnh ủy xây dựng các kế hoạch: Chương trình quốc gia giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo đến năm 2000, góp phần giảm số hộ đói, nghèo xuống còn 13,5% (theo tiêu chí cũ); xét duyệt, giải quyết kịp thời chế độ bảo hiểm xã hội cho các đối tượng được hưởng. Công tác giải quyết việc làm, bảo đảm quyền lợi cho người lao động và chăm sóc đối tượng chính sách xã hội được thực hiện tốt.

Sự nghiệp giáo dục, đào tạo, y tế, xã hội, thể dục thể thao được quan tâm đầu tư phát triển, có nhiều tiến bộ trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII), về giáo dục – đào tạo và Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ngân sách chi cho giáo dục năm 2000 tăng 45% so với năm 1995, cơ sở vật chất được tăng cường, mở rộng quy mô và loại hình giáo dục – đào tạo. Năm học 1997 – 1998, tỉnh Yên Bái được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học (hoàn thành trước 2 năm so với kế hoạch). Việc chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh theo các chương trình y tế quốc gia có tiến bộ; các hoạt động y tế dự phòng được đẩy mạnh, không để xảy ra dịch bệnh lớn. Việc khám chữa bệnh có nhiều tiến bộ, các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến cơ sở đều được nâng cấp, xây mới và tăng cường trang thiết bị khám chữa bệnh hiện đại. Đẩy mạnh công tác truyền thông, công tác dân số kế hoạch hóa gia đình gắn với phát triển kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trong tỉnh xuống còn 1,5% vào năm 2000. Công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em đạt kết quả tốt, thực hiện theo hướng xã hội hóa, tạo mọi điều kiện học tập, vui chơi cho trẻ em. Hoạt động thể dục thể thao phát triển mạnh, trở thành hoạt động thường xuyên và nhu cầu của đông đảo nhân dân.

Nhìn chung, các đơn vị trong lĩnh vực văn hóa – xã hội của Đảng bộ đã góp phần hoàn thành và vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra. Các hoạt động ngày càng được xã hội hóa với chất lượng ngày càng cao. Báo Yên Bái, Đài Phát thanh truyền hình, Tạp chí văn hóa nghệ thuật tăng số, tăng kỳ, nâng cao chất lượng, bám sát và phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của tỉnh, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, giáo dục đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phê phán các mặt tiêu cực, góp phần nâng cao nhận thức, tăng thêm lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng sự nghiệp đổi mới.

Trong công tác xây dựng hệ thống chính trị, cấp ủy các chi, đảng bộ các cơ quan trong khối xây dựng Đảng đã chủ động nghiên cứu, tham mưu cho Tỉnh ủy quán triệt, thực hiện sáng tạo các nghị quyết của Đảng vào thực tiễn của địa phương. Tham mưu cho Tỉnh ủy triển khai thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng, làm tốt công tác củng cố kiện toàn tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chính sách cán bộ, góp phần củng cố chính quyền các cấp, cải cách một bước thủ tục hành chính theo hướng giảm bớt phiền hà, nâng cao hiệu lực, hiệu quả.

Các chi, đảng bộ trong khối nội chính đã có bước củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, có sự phối hợp chặt chẽ trong phòng chống tội phạm. Công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật được quan tâm. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm sát, xét xử và thi hành án có nhiều tiến bộ, giải quyết dứt điểm những tồn đọng, góp phần ngăn chặn kịp thời các vi phạm, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Công tác quốc phòng – an ninh, được Đảng bộ quán triệt sâu sắc, xác định là nhiệm vụ trọng yếu. Đảng bộ thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và công nhân viên nâng cao cảnh giác, chủ động phòng chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được chú trọng, đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ cấp bách trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ và Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về chiến lược an ninh quốc gia. Qua đó, tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên có sự chuyển biến tích cực. Công tác bảo vệ, giữ gìn cơ quan, đơn vị an toàn sạch đẹp được thực hiện tốt. Các cơ quan, đơn vị có lực lượng tự vệ đã hoàn thành tốt chương trình huấn luyện hằng năm.

Những thành tựu đạt được là hết sức cơ bản, song, trong nhiệm kỳ 1996 – 2000, công tác của Đảng bộ các cơ quan tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế:

Công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất phát triển kinh tế – xã hội trên một số lĩnh vực, có lúc, có việc chưa kịp thời phát hiện các vướng mắc nảy sinh, dẫn đến ở một số ngành thực hiện chỉ tiêu kế hoạch đạt thấp. Công tác quản lý Nhà nước, nhất là quản lý kinh tế, quản lý doanh nghiệp còn có mặt yếu kém. Trong lãnh đạo, chỉ đạo chưa cương quyết, có lĩnh vực, có việc còn làm theo phong trào, hình thức nên hiệu quả, giá trị kinh tế không cao.

Trên lĩnh vực an ninh – quốc phòng, một số cấp ủy cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác này; một số cán bộ, đoàn viên, công chức ý thức và tinh thần cảnh giác chưa cao.

Trong công tác xây dựng Đảng, việc tuyên truyền pháp luật của nhà nước, các điển hình người tốt, việc tốt trong Đảng bộ còn hạn chế; nắm bắt tình hình diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên chưa kịp thời. Công tác quản lý đảng viên thiếu chặt chẽ. Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng Đảng còn nhiều hạn chế. Một bộ phận cán bộ, đảng viên không muốn tham gia làm công tác Đảng; sinh hoạt Đảng ở một số chi, đảng bộ chưa đảm bảo đúng quy định trong Điều lệ Đảng, còn một bộ phận cán bộ đảng viên thiếu ý thức rèn luyện về phẩm chất đạo đức, ngại học tập lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ, ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả công tác. Công tác đoàn thể tuy đã có sự đổi mới, nhưng chưa phát huy hết chức năng, nhiệm vụ, một số tổ chức đoàn thể cơ sở hoạt động lúng túng, thiếu chủ động.

*

*        *

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIV và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cơ quan tỉnh lần thứ IV (khóa XIV), được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh, các cấp ủy Đảng trong toàn Đảng bộ, với sự nỗ lực của cán bộ, đảng viên và công nhân viên chức đã nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Công tác Đảng trong Đảng bộ được quan tâm chỉ đạo, vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng được phát huy, đội ngũ đảng viên giữ vững và phát huy phẩm chất chính trị, thể hiện vai trò lãnh đạo quần chúng, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn. Đảng bộ đã triển khai thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc cuộc vận động sinh hoạt chính trị phê bình và tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 và Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2). Các chỉ tiêu Đại hội IV của Đảng bộ đề ra đã cơ bản hoàn thành, một số chỉ tiêu hoàn thành vượt mức như công tác phát triển Đảng, xây dựng chi, đảng bộ trong sạch vững mạnh, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ… góp phần quan trọng vào ổn định chính trị, giữ vững an ninh, quốc phòng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Qua thực tiễn cách mạng, Đảng bộ đúc rút được thêm nhiều kinh nghiệm quý báu, ngày càng trưởng thành đi lên.

Thiết kế bởi VNPT