Tình hình Yên Bái sau Cách mạng tháng Tám

Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thắng lợi đã xóa bỏ ách thống trị của thực dân, phong kiến, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á được thành lập. Tuy nhiên, sau khi vừa giành được chính quyền, nhân dân ta đã phải đối phó với nhiều kẻ thù cả bên trong và bên ngoài, tình thế hết sức hiểm nghèo.

Tại phía Bắc vĩ tuyến 16, 20 vạn quân Trung Hoa Quốc dân Đảng (quân Tưởng) tràn vào. Theo sau chúng là lực lượng phản động Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc) và Việt Nam cách mạng đồng minh hội (Việt Cách), kéo về nước chống phá cách mạng. Tại phía Nam, hàng vạn quân Anh cũng nhanh chóng đổ bộ, kéo theo sau là thực dân Pháp với âm mưu trở lại xâm lược nước ta. Được sự hậu thuẫn của quân đội Anh, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai.

Chính quyền cách mạng vừa mới thành lập đã phải đối mặt với các thế lực ngoại xâm lớn mạnh, thêm vào đó, còn phải tiếp nhận cả một gia tài đổ nát do chế độ cũ để lại: công nghiệp phá sản, nông nghiệp đình đốn, tài chính kiệt quệ, nạn đói đe dọa trầm trọng. Hơn 90% dân số mù chữ, tệ nạn xã hội nặng nề, kinh nghiệm quản lý chính quyền chưa có…

Trước tình hình ấy, Trung ương và Chính phủ lâm thời xác định kẻ thù chính của nhân dân Việt Nam lúc này là thực dân Pháp xâm lược, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng. Nhiệm vụ chủ yếu, trước mắt của nhân dân ta là giữ vững và bảo vệ chính quyền cách mạng, chống thực dân Pháp xâm lược, diệt trừ bọn phản động, cải thiện đời sống của nhân dân. Muốn vậy, phải tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, hòa hợp dân tộc; xây dựng và củng cố mọi mặt: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa – xã hội và ngoại giao; kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc, chống giặc ngoại xâm gắn liền với chống “giặc dốt’, “giặc đói”.

Tại Yên Bái, sau thắng lợi của cách mạng tháng Tám, chính quyền cách mạng  đứng trước muôn vàn khó khăn thử thách. Nhiều địa phương trong tỉnh vẫn bị nạn đói đe dọa nghiêm trọng. Các vùng ven sông Hồng bị lũ lụt gây thiệt hại nặng nề về mùa màng và tài sản. Khi chính quyền mới tiếp quản tỉnh lỵ, kho bạc, lương thực, hàng hóa trống rỗng. Gần 100% nhân dân mù chữ, các tệ nạn xã hội trầm trọng. Chính quyền cách mạng lâm thời các châu, huyện chưa kịp củng cố, cấp xã mới lập được ở vùng căn cứ cách mạng, còn phần lớn vẫn giữ nguyên như cũ. Công việc cách mạng dồn dập, bề bộn, trong khi cán bộ, đảng viên rất ít, lại thiếu kinh nghiệm.

Ngày 28-9-1945, quân Tưởng từ Lào Cai, Hàm Yên (Tuyên Quang) tràn sang Yên Bái, đòi giải tán chính quyền và lực lượng vũ trang cách mạng, đòi cung cấp lương thực, thực phẩm… Chúng tìm  mọi cách phá rối trật tự xã hội, dùng tiền Quan kim vô giá trị mua cướp của cải, hàng hóa của nhân dân, che chở cho một số người Hoa đầu cơ, tích trữ hàng hóa làm rối loạn thị trường, giá cả.

Theo sau quân đội Tưởng, các nhóm Việt Quốc ra sức hoạt động chống phá cách mạng. Chúng lập ra Tỉnh Đảng bộ do Vũ Nguyên Hải làm chủ nhiệm. Chúng lợi dụng uy tín của nhà yêu nước Nguyễn Thái Học để tuyên truyền, lừa bịp một số quần chúng, thanh niên chưa thật hiểu cách mạng, nhẹ dạ tin theo và gia nhập các tổ chức: “Việt Nam quốc gia thanh niên đoàn”, “Việt Nam kỳ hào hội”, “Quốc dân quân”, “Ty liêm phóng”, “ Ty hiến binh”. Ở những nơi chúng kiểm soát, đã gây ra nhiều vụ bắt cóc, tống tiền, làm cho nhân dân vô cùng căm ghét.

Tháng 9-1945, Trung ương Đảng quyết định giải thể Ban cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái – Phú Thọ, thành lập Tỉnh ủy Yên Bái. Đồng chí Ngô Minh Loan, Bí thư Ban Cán sự Đảng liên tỉnh tiếp tục được Trung ương chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng và bảo vệ chính quyền non trẻ và phát triển các đoàn thể cách mạng trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Nhiều quần chúng tích cực đã trưởng thành trong các phong trào kháng Nhật cứu nước, khởi nghĩa tháng Tám được lựa chọn, bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng. Đến tháng 8-1946, số đảng viên của Đảng bộ Yên Bái lên đến 35 đồng chí[1].

Tỉnh ủy Yên Bái quán triệt Chỉ thị “Kháng chiến, kiến quốc” (11-1945) của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, xác định: Nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này của tỉnh là bảo vệ và giữ vững chính quyền cách mạng; dẹp trừ bọn Việt Quốc, từng bước cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc. Để hoàn thành các nhiệm vụ trên đây phải tăng cường đoàn kết toàn dân, đoàn kết các dân tộc, đập tan mọi luận điệu lừa bịp, lôi kéo quần chúng của bọn Việt Quốc; xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng các cấp, lực lượng vũ trang, công an, tự vệ; đẩy mạnh phong trào nhường cơm sẻ áo, sản xuất, tiết kiệm, diệt giặc đói, diệt giặc dốt, bài trừ các tệ nạn xã hội.

Trên cơ sở chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng và Chính phủ, với quân Tưởng, quán triệt nguyên tắc giữ vững độc lập, chủ quyền của Tổ quốc và các thành quả cách mạng nhưng về sách lược cần hết sức mềm dẻo, tránh xung đột, tạo điều kiện thuận lợi để đấu tranh đuổi chúng về nước. Đầu tháng 9-1945, chính quyền tỉnh Yên Bái rút đại bộ phận lực lượng khỏi thị xã, chuyển sang hữu ngạn sông Hồng; bố trí các đơn vị vũ trang hình thành thế bao vây, ngăn chặn không cho quân Tưởng mở rộng phạm vi hoạt động.

Đối với bọn phản động Việt Quốc, quân ta tìm mọi cách khống chế các sào huyệt của chúng. Mặt khác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vạch trần bộ mặt phản động, hại nước và bản chất lưu manh, côn đồ của chúng trước nhân dân. Đối với những hành động phản quốc và những tên Việt gian thì kiên quyết trừng trị.

Đi đôi với cuộc đấu tranh quân Tưởng và bọn phản động Việt Quốc, chính quyền cách mạng nhanh chóng tập trung củng cố và xây dựng đời sống chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, chuẩn bị mọi mặt để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, chống thực dân Pháp.

Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng và kiện toàn các cơ quan cấp tỉnh và hệ thống chính quyền từ tỉnh đến cơ sở qua hai đợt vào cuối năm 1945 và đầu năm 1946, từng bước đưa các đảng viên và những quần chúng trung kiên của Đảng thay thế những chức dịch cũ. Các đoàn thể cứu quốc được mở rộng khắp nơi trong tỉnh, số hội viên lên đến hàng vạn người. Phong trào quần chúng thi đua thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ phát triển mạnh mẽ.

Đảng bộ, Chính quyền tỉnh xác định nhiệm vụ cấp bách là giải quyết nạn đói và kêu gọi nhân dân toàn tỉnh thực hiện khẩu hiệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nhường cơm sẻ áo”, nhà có giúp nhà đang đói bằng tương trợ, cho vay. Đồng thời, phát động phong trào tăng gia sản xuất, thực hiện “tấc đất, tấc vàng”. Ruộng vắng chủ, ruộng hoang tạm thời được đem chia cho nông dân không có ruộng hoặc thiếu ruộng. Thực hiện giảm thuế điền thổ 20%, giảm tô 25%, xóa bỏ thuế thân. Phong trào trồng cây ngắn ngày (Khoai lang, ngô, đỗ, lạc) phát triển khắp các xã vùng thấp của tỉnh. Với nhiều biện pháp tích cực đã từng bước đẩy lùi được nạn đói, đời sống nhân dân dần dần ổn định, lòng tin của nhân dân vào cách mạng được củng cố vững chắc.

Ngày 4-9-1945, Chính phủ ra Sắc lệnh về xây dựng “Quỹ độc lập”. Ngày 17-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào hưởng ứng “Tuần lễ vàng” động viên mọi người dân yêu nước, tha thiết với cách mạng, tự nguyện đóng góp ủng hộ nền độc lập của Tổ quốc. Nhân dân tỉnh Yên Bái phấn khởi góp quỹ cứu nước. Khẩu hiệu “Hãy đem vàng rửa hận cho Tổ quốc”, “Hãy đem vàng để đổi lấy tự do” xuất hiện khắp nơi. Hưởng ứng “Tuần lễ vàng”, nhân dân các địa phương của tỉnh Yên Bái đã đóng góp gần 20 lạng vàng, 200 lạng bạc và 3.000.000 đồng Đông Dương.

Cùng với các biện pháp ổn định kinh tế, tài chính, chính quyền cách mạng tập trung xóa nạn mù chữ và các tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống mới, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ban bình dân học vụ các cấp được thành lập. Hàng trăm người có trình độ văn hóa đã xung phong tới các làng, bản vận động nhân dân đi học. Chỉ trong vòng một năm, hàng vạn người dân đã đọc thông, viết thạo. Một số tệ nạn xã hội như trộm cắp, cờ bạc giảm hẳn. Tình đoàn kết các dân tộc, tình đồng chí, tương trợ, giúp đỡ nhau được củng cố và ngày càng gắn bó chặt chẽ. Công tác y tế, vệ sinh phòng bệnh được coi trọng, chính quyền cách mạng đã vận động cán bộ y tế chế độ cũ tiếp tục làm việc, đồng thời chọn cử người đi đào tạo chuẩn bị cho bộ máy y tế của tỉnh sau này.

Ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên trong cả nước được tiến hành. Nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nô nức tham gia bầu cử, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân với tỷ lệ tham gia bầu cử cao. Nhân dân đã lựa chọn và bầu 2 đại biểu vào Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I. Thắng lợi này giáng một đòn nặng vào âm mưu chia rẽ và phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc của quân Tưởng và bọn phản động Việt Quốc, nâng cao uy thế và vị thế hợp pháp của chính quyền cách mạng, thể hiện sức mạnh đoàn kết các dân tộc. Đây còn là dịp giáo dục quần chúng lòng yêu nước, ý thức làm chủ, nghĩa vụ công dân của nước độc lập.

Ngày 28-2-1946, Hiệp ước Pháp – Hoa ký. Theo thỏa ước này, chính quyền Tưởng đồng ý để quân Pháp vào miền Bắc Việt Nam với danh nghĩa giải giáp quân Nhật ở Bắc Đông Dương thay thế quân Tưởng. Đổi lại, Pháp có những nhân nhượng quan trọng về kinh tế và chính trị với Trùng Khánh (Trung Quốc). Trước tình hình đó, Đảng chủ trương hòa hoãn với thực dân Pháp để nhanh chóng đuổi quân Tưởng về nước, tập trung lực lượng đập tan bọn phản động Việt Quốc, Việt Cách, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp.

Ngày 6-3-1946, Chính phủ Việt Nam ký với đại diện Chính phủ Pháp bản Hiệp định sơ bộ. Với chủ trương “hòa để tiến” của Trung ương Đảng và Hiệp định sơ bộ, cách mạng nước ta vượt qua được thế ngàn cân treo sợi tóc cùng một lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù, nhằm tập trung vào kẻ thù chính, lâu dài của cách mạng nước ta là thực dân Pháp.

Không còn quân Tưởng, bọn phản động Việt Quốc, Việt Cách mất chỗ dựa cũng phải tháo chạy theo. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Yên Bái, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã vượt qua vô vàn khó khăn, phức tạp, đấu tranh giữ vững chính quyền cách mạng; góp sức cùng cả nước làm thất bại âm mưu của quân Tưởng và sự chống phá điên cuồng của bọn phản động Việt Quốc, Việt Cách; từng bước xây dựng chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, tạo ra những cơ sở quan trọng cho bước phát triển tiếp theo của cách mạng.

[1] Lịch sử Đảng bộ tỉnh Yên Bái, tập 1, xuất bản 1996, tr.72.

Thiết kế bởi VNPT