Nhân dân Yên Bái chuẩn bị lực lượng, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền (1930 – 1945)

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngay sau đó, Đảng đã phát động cao trào cách mạng 1930-1931, với đỉnh cao là Xô viết Nghệ – Tĩnh, đưa hàng chục vạn công – nông đứng lên đấu tranh. Bị kẻ thù đàn áp, khủng bố dã man, tuy bị tổn thất, nhưng ảnh hưởng to lớn của Đảng đã lan khắp mọi miền đất nước, trong đó có Yên Bái, góp phần thức tỉnh lòng yêu nước, ý chí đấu tranh vì độc lập, tự do của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Tháng 3-1930, tại thị xã Yên Bái, xuất hiện nhóm Học sinh đoàn, gồm 17 thanh niên, học sinh trường tiểu học Pháp – Việt và một số lính khố xanh, do Đỗ Văn Đức đứng đầu. Nhóm có các hoạt động đọc và tuyên truyền sách báo yêu nước, tiến bộ. Nhóm ra tập san “Học sinh báo” để tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, căm thù đế quốc, ý chí đấu tranh giải phóng dân tộc trong thanh niên. Ngày Quốc tế lao động 1-5-1931, nhóm đã tổ chức treo cờ đỏ búa liềm ở gần cổng trường tiểu học Pháp – Việt và rải truyền đơn ở nhiều nơi trong thị xã kêu gọi các tầng lớp nhân dân đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Những hoạt động trên đây làm cho kẻ thù hoảng sợ, tìm cách đối phó, sau đàn áp phong trào. Tập san “Học sinh báo” ra được 3 số (các tháng 3, 4, 5-1930) thì bị phát hiện, phải ngừng hoạt động xuất bản. Những người tham gia trong Học sinh đoàn lần lượt bị bắt, kết án tù giam. Đỗ Văn Đức bị đưa giam ở nhà ngục Sơn La, bị kẻ thù tra tấn đến chết (1932). Tổ chức Học sinh đoàn tan rã, nhưng những hoạt động yêu nước của họ đã gây một tiếng vang lớn ở thị xã Yên Bái và các vùng xung quanh, góp phần thức tỉnh tinh thần yêu nước, cổ vũ, động viên nhân dân đứng lên đấu tranh giành độc lập; tạo ra môi trường xã hội – chính trị thuận lợi để cán bộ của Đảng xây dựng cơ sở, xây dựng phong trào cách mạng sau này.

Từ năm 1936 đến năm 1939, Đảng lãnh đạo cuộc vận động dân chủ, chống phản động thuộc địa và tay sai, chống phát xít và chiến tranh, đòi tự do, cơm áo, hòa bình; với nhiều hình thức hoạt động phong phú, linh hoạt. Bằng hình thức hợp pháp và nửa hợp pháp, kết hợp chặt chẽ với hoạt động bí mật, không hợp pháp, Đảng đã động viên, giáo dục, tập hợp được hàng triệu quần chúng công nhân, nông dân, tiểu tư sản, trí thức, các tầng lớp trên đứng lên đấu tranh. Thời kỳ này hàng loạt báo chí công khai của Đảng như Tin Tức, Lao Động, Thời Thế, Đời Mới… được chuyển lên Yên Bái, lưu hành ở thị xã và nhiều vùng khác. Thông qua các sách, báo của Đảng, nhân dân địa phương, đặc biệt là thanh niên và giới công chức bước đầu có những nhận thức mới về cách mạng và con đường cứu nước mà Đảng khởi xướng. Các giai cấp, tầng lớp trong xã hội như công nhân, tiểu thương cũng dám đứng lên đấu tranh giành quyền lợi cho mình. Thời gian này, công nhân Đềpô (xưởng sửa chữa xe lửa Yên Bái) đã thành lập được Hội ái hữu, tổ chức đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm việc. Nông dân các xã Đào Thịnh, Phúc Long, Văn Phú (Trấn Yên) đấu tranh chống cướp ruộng, đòi giảm thuế điền. Tiểu thương thị xã Yên Bái đấu tranh đòi giảm thuế chợ, thuế môn bài. Bọn thống trị và bọn chủ đã buộc phải có một số nhượng bộ trong các năm 1937-1938.

Tháng 9-1939, chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, thực dân Pháp tăng cường xiết chặt đời sống nhân dân, xóa bỏ mọi quyền tự do dân chủ mà ta vừa giành được. Một năm sau, tháng 9-1940, phát xít Nhật vào nước ta, thực dân Pháp cấu kết với quân Nhật đàn áp phong trào cách mạng, từ đó, nhân dân ta bị một cổ ba tròng.

Trước những biến chuyển nhanh chóng của tình hình quốc tế và trong nước, Trung ương Đảng đã tiến hành các Hội nghị tháng 11-1939, Hội nghị tháng 11-1940 và Hội nghị lần thứ 8 (5-1941) phân tích tình hình và đề ra chủ trương mới. Các hội nghị đó, kịp thời đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu; đề ra các biện pháp đẩy mạnh xây dựng lực lượng chính trị, xúc tiến xây dựng lực lượng vũ trang, sẵn sàng đón thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị Trung ương tháng 11-1939 đã nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng Đảng ở vùng miền núi, dân tộc thiểu số và tổ chức những Đảng bộ của các dân tộc thiểu số.

Thực hiện chủ trương của Đảng, năm 1940, Xứ ủy Bắc Kỳ cử cán bộ lên Yên Bái hoạt động, gây dựng phong trào và lực lượng. Bằng sự nỗ lực, bám đất, bám dân, nhóm cán bộ đã gây dựng và đã tổ chức được nhóm Thanh niên phản đế ở huyện Trấn Yên và thị xã Yên Bái. Nhóm này tích cực hoạt động như đọc sách, báo, tài liệu của Đảng, dạy hát, tổ chức rải truyền đơn ở chợ Vân Hội, kêu gọi quần chúng đoàn kết chống đế quốc và tay sai, vận động nhân dân làm đơn yêu cầu bọn cai trị cho mở trường tư dạy tiếng Pháp nhằm tạo điều kiện cho cán bộ của Đảng lên dạy học làm vỏ bọc để hoạt động cách mạng. Nhóm đã gây được cảm tình của đông đảo nhân dân địa phương, nhất là lớp thanh niên tiến bộ.

Giữa năm 1943, qua chuyến đi nắm tình hình, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ nhận định: Vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Yên Bái – Phú Thọ là nơi thực dân Pháp có nhiều sơ hở, không kiểm soát gắt gao, rất thuận lợi cho việc xây dựng cơ sở cách mạng. Nếu phát động phong trào ở Yên Bái (đặc biệt là phát động chiến tranh du kích) có thể mở rộng địa bàn hoạt động ra nhiều hướng như Phú Thọ, Sơn La, Lào Cai… Từ sự phân tích sâu sắc tình hình, Trung ương Đảng đã quyết định xây dựng cơ sở cách mạng ở Vần – Hiền Lương nhằm mục đích làm nơi dừng chân cho các đồng chí ở miền xuôi lên hoạt động, làm trạm đón các đồng chí tù chính trị vượt ngục từ nhà tù Sơn La và xây dựng căn cứ cách mạng, chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền.

Từ tháng 10-1944 đến đầu năm 1945, những cơ sở đầu tiên ở Nang Xa, Hiền Lương (Phú Thọ) đã mở rộng lên Linh Thông, Vần, Vân Hội, Đại Lịch, thị xã Yên Bái… nhiều tổ chức cứu quốc được thành lập, tập hợp hàng ngàn hội viên. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), tình hình có nhiều biến đổi có lợi cho cách mạng, khí thế cách mạng của quần chúng khắp nơi trong tỉnh dâng cao.

Thiết kế bởi VNPT