Tăng cường phát triển Đảng, thành lập các chi bộ Đảng cơ quan (1945-1948)

Để đáp ứng với yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với nhiệm vụ xây dựng chế độ mới, đời sống mới, đẩy mạnh công cuộc kháng chiến, kiến quốc ở địa phương, Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường mạnh mẽ công tác phát triển đảng viên mới trong 2 năm 1947 – 1948 theo tinh thần chỉ thị của Trung ương về phát triển “lớp đảng viên tháng Tám” nhân kỷ niệm 2 năm cách mạng thành công. Đến cuối năm 1947, toàn tỉnh Yên Bái đã có 213 đảng viên tổ chức thành 18 chi bộ[1].

Trên cơ sở số lượng đảng viên đã được tăng thêm ở các huyện và các cơ quan tỉnh, Tỉnh ủy chủ trương thành lập các huyện ủy, các tổ chức đảng ở các cơ quan cấp tỉnh. Các huyện ủy trong tỉnh lần lượt được thành lập. Ở các cơ quan trong hệ thống chính trị cấp tỉnh, gồm các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể (Gọi tắt là các cơ quan dân – chính – đảng) được thành lập từ cuối năm 1945 đầu năm 1946, tiếp tục được củng cố, kiện toàn, thực hiện chức năng tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh. Các đồng chí đảng viên được Tỉnh ủy bố trí giữ vai trò nòng cốt trong các cơ quan. Những nơi có từ 3 đảng viên trở lên được thành lập một chi bộ cơ sở, nơi có dưới 3 đảng viên thì tùy vào hoàn cảnh và tính chất công tác để bố trí sinh hoạt ghép (Chi bộ ghép). Chỉ trong thời gian ngắn, toàn tỉnh xây dựng được 18 tổ chức Đảng trực thuộc Tỉnh ủy: Huyện ủy Văn Chấn, Huyện ủy Trấn Yên, Huyện ủy Lục Yên, Huyện ủy Văn Bàn và 14 chi bộ cơ quan tỉnh (9 chi bộ độc lập, 5 chi bộ ghép). Nhiệm vụ của các chi bộ cơ quan là lãnh đạo cán bộ, đảng viên trong cơ quan thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác, bảo vệ an toàn bí mật hoạt động của cơ quan, tham mưu giúp Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính – kháng chiến tỉnh tổ chức chỉ đạo củng cố bộ máy Đảng, chính quyền, tổ chức kháng chiến ở các địa phương, ổn định tư tưởng, ổn định sản xuất và đời sống nhân dân.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đảng viên được các cấp ủy quan tâm thường xuyên. Tất cả đảng viên đều được học chương trình Cộng sản sơ giản và thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các đồng chí Bắc Bộ và Trung Bộ. Qua đó, toàn thể đảng viên của Đảng bộ nhận thức sâu sắc hơn nhiệm vụ đối với cuộc kháng chiến của dân tộc, cảnh giác với các bệnh quan liêu, chủ quan, vô kỷ luật, hủ hóa, thống nhất ý chí và hành động. Hàng tháng, hàng quý các tổ chức đảng đều sơ kết việc chỉ đạo các công tác nêu lên những ưu điểm cần phát huy, chỉ rõ những thiếu sót, tìm nguyên nhân và cách khắc phục. Đảng bộ thực hiện nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình xây dựng, tạo được tình đồng chí gắn bó thân thiết. Tuyệt đại đa số đảng viên sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh để thực hiện các nhiệm vụ tổ chức phân công, gương mẫu trước quần chúng. Vì vậy, tổ chức đảng và đảng viên có uy tín, sức hấp dẫn rất lớn đối với quần chúng.

Từ giữa năm 1947, tình hình ngày một căng thẳng, quân đội Pháp tập trung ở sát phía Tây – Tây Bắc của tỉnh và có thể tấn công ta bất cứ lúc nào. Thực hiện Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể vận động nhân dân sẵn sàng làm vườn không nhà trống, cất giấu tài sản, làm kho dự trữ lương thực, thực phẩm; thành lập ban tản cư các cấp để tổ chức cho nhân dân tản cư khi chiến sự lan tới; các huyện, xã, làng, bản, đặt kế hoạch phòng không, phòng gian, bảo mật, thực hiện: “ba không” (Không biết, không nghe, không thấy). Trên các tuyến đường bộ từ tỉnh xuống Phú Thọ, sang Tuyên Quang, đường thị xã vào Nghĩa Lộ… đều được đắp ụ, chuẩn bị sẵn vật cản chặn bước tiến của quân Pháp. Nhân dân các huyện Yên Bình, Văn Chấn, Trấn Yên đã vót hàng chục vạn chông tre, nứa và cắm thành các bãi chông ở những nơi quân Pháp có thể nhảy dù. Phong trào “Hũ gạo kháng chiến”, góp quỹ nuôi quân, mua công phiếu kháng chiến diễn ra rất sôi nổi. Việc tiêu thổ kháng chiến được tiến hành khẩn trương. Ta đã huy động hơn một vạn lượt người bóc toàn bộ đoạn đường sắt từ Văn Phú đến Bảo Hà, đánh sập hàng chục cầu lớn, nhỏ. Nhân dân  thị xã Yên Bái đã phá gần 500 ngôi nhà, trong đó có rất nhiều nhà xây kiên cố.

*

*        *

Từ kết quả công tác xây dựng Đảng về mặt tổ chức, đặc biệt là việc hình thành các tổ chức Đảng ở Khối cơ quan tỉnh đã góp phần quan trọng làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc bối cảnh tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ và bước chuyển của cách mạng; tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính – kháng chiến tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo động viên lực lượng to lớn của các tầng lớp nhân dân hăng hái bước vào thực hiện cuộc vận động cách mạng rộng lớn ở địa phương với các nhiệm vụ cách mạng cần kíp là: “Diệt giặc đói”, “diệt giặc dốt”, “diệt giặc ngoại xâm”, chống “thù trong giặc ngoài” thắng lợi; bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng mới giành được trong tổng khởi nghĩa tháng Tám, xây dựng lực lượng, tích cực chuẩn bị mọi mặt, chủ động cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến lâu dài, kiên quyết đánh bại thực dân Pháp xâm lược.

[1] Báo cáo công tác quí I năm 1948 của Tỉnh ủy – Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy.

Thiết kế bởi VNPT