Các Liên Chi ủy thành lập, lãnh đạo xây dựng và phát triển tổ chức Đảng vững mạnh (1948-1952)

Thông qua phong trào cách mạng sôi nổi của quần chúng trong tỉnh thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm là xây dựng chế độ mới, đời sống mới, xây dựng nền kinh tế kháng chiến, tổ chức cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đang lan rộng ra toàn tỉnh. Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết Hội nghị cán bộ toàn tỉnh lần thứ nhất (tháng 7-1948) và Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ II (Tháng 1-1949) tập trung xác định nhiệm vụ đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là chấn chỉnh các chi bộ, tăng cường phát triển đảng viên mới, các tổ chức đảng trong toàn tỉnh đã tích cực phát hiện, bồi dưỡng các quần chúng trung kiên kết nạp vào “lớp đảng viên tháng Tám”, tạo bước đột phá về phát triển số lượng đảng viên. Đến cuối năm 1948, số lượng đảng viên toàn tỉnh đã lên tới 1.049 đồng chí, trong đó khối cơ quan tỉnh có 169 đảng viên[1].

Để giảm bớt đầu mối quản lý, đáp ứng yêu cầu về tổ chức, lãnh đạo, quản lý sâu sát hơn trong tình hình mới, Tỉnh ủy Yên Bái chủ trương thành lập các tổ chức cấp trên của các chi bộ cơ quan. Theo đó, các chi bộ cơ sở có chung tính chất, nhiệm vụ hợp thành liên chi bộ, có Ban chấp hành liên chi chủ yếu làm công tác đảng vụ, kết nối hoạt động của các chi bộ và lãnh đạo một số mặt công tác xây dựng Đảng như giáo dục chính trị tư tưởng, tuyên truyền phổ biến các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, cũng như các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, của Ban Chấp hành liên chi. Quản lý chế độ sinh hoạt của các chi bộ, làm công tác bồi dưỡng, giáo dục, phát triển đảng viên mới.

Thực hiện chủ trương trên, ngày 18-10-1948, Tỉnh ủy ra quyết định thành lập hai Liên chi ủy trực thuộc Tỉnh ủy Yên Bái[2]. Liên chi I gồm 8 chi bộ thuộc khối Đảng và đoàn thể chính trị (Tỉnh Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ tỉnh, Công đoàn, Mặt trận tỉnh) với số đảng viên là 93 đồng chí. Ban Chấp hành Liên chi được Tỉnh ủy chỉ định gồm 3 ủy viên. Đồng chí Lê Nguyên, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy được Tỉnh ủy chỉ định kiêm chức Bí thư Liên chi I.

Liên chi II gồm 6 chi bộ thuộc khối chính quyền (bao gồm cả chi bộ Ty Công an và chi bộ Tỉnh đội), với số đảng viên là 76 đồng chí. Ban Chấp hành Liên chi được Tỉnh ủy chỉ định gồm 3 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Văn Hàm, Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến – Hành chính tỉnh được Tỉnh ủy chỉ định kiêm chức Bí thư Liên chi II. Đến tháng 8-1950, đồng chí Xuân Trình, Phó Ty Công an kiêm chức Bí thư Liên chi II thay cho đồng chí Nguyễn Văn Hàm.

Với việc thành lập các Liên chi ủy đã rút bớt số đầu mối, toàn tỉnh chỉ còn 6 tổ chức Đảng trực thuộc Tỉnh ủy là: Huyện ủy Văn Chấn, Huyện ủy Văn Bàn, Huyện ủy Trấn Yên, Huyện ủy Lục Yên, Liên chi I, Liên chi II.

Việc rút bớt các đầu mối trực thuộc đã tạo điều kiện cho công tác lãnh đạo của Tỉnh ủy được tập trung sâu sát, đảm bảo cho Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo làm tốt công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận, xây dựng lực lượng vũ trang, dân quân du kích, tổ chức động viên nhân dân thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến – kiến quốc ở địa phương.

Việc thành lập các Liên chi ủy cũng tạo điều kiện cho công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác phát triển đảng viên mới ở khối cơ quan tỉnh đạt được bước phát triển mới. Đến tháng 5-1949 (sau 7 tháng thành lập các Liên chi ủy), số lượng đảng viên của khối cơ quan tỉnh đã phát triển từ 169 đảng viên lên 219 đồng chí trong tổng số 1.442 đồng chí đảng viên toàn tỉnh. Trong đó, Liên chi I có 121 đảng viên (58 đồng chí đảng viên chính thức, 63 đồng chí đảng viên dự bị), Liên chi II có 98 đảng viên (68 đồng chí đảng viên chính thức, 30 đồng chí đảng viên dự bị)[3].

Với mô hình tổ chức mới, các Liên chi ủy đã giúp cho Tỉnh ủy tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý chặt chẽ sâu sát các tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ đảng viên trong khối cơ quan tỉnh, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong khối cơ quan, phát huy vai trò nòng cốt, hạt nhân lãnh đạo chính trị của các tổ chức Đảng trong khối cơ quan tỉnh vào tiến trình cách mạng của địa phương.

Về công tác xây dựng Đảng, các Liên chi ủy lãnh đạo các chi bộ làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công nhân viên các cơ quan về lập trường chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng; quán triệt sâu sắc đường lối “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc” của Đảng và những nhiệm vụ trung tâm của tỉnh để đoàn kết, chung sức thực hiện.

Thường xuyên củng cố, kiện toàn các cấp ủy, chi bộ, kịp thời thành lập mới hoặc chuyển những chi bộ ghép thành chi bộ độc lập khi có đủ điều kiện. Trong điều kiện kháng chiến nhưng các Liên chi ủy đã lãnh đạo các chi bộ giữ vững nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Duy trì nề nếp chế độ sinh hoạt, tăng cường công tác phát triển đảng viên mới thông qua các lớp “đảng viên tháng Tám” để bổ sung lực lượng đảm bảo cho các cơ quan tỉnh đều có chi bộ lãnh đạo hoặc có đảng viên giữ vai trò nòng cốt. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (Tháng 2-1951), Đảng chủ trương tạm dừng công tác phát triển đảng viên mới để tiến hành cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng, nhằm làm cho Đảng thật trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo công cuộc kháng chiến kiến quốc thắng lợi.

Thực hiện chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Tỉnh ủy Yên Bái, các Liên chi ủy đã xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai sâu rộng cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng ở khối các cơ quan tỉnh. Thông qua các đợt “Rèn cán, chỉnh cơ” (Rèn luyện cán bộ, chỉnh đốn cơ quan) gắn với Cuộc vận động “Đảng phong, đảng kỷ” (Tác phong, kỷ luật công tác của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên), các tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức trong khối cơ quan tỉnh được tôi rèn, khắc phục được cơ bản một số khó khăn, hạn chế như: Tính chủ quan, khinh địch, ngại khó khăn gian khổ, gia trưởng, cục bộ, mất dân chủ… trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, phát huy tính tiền phong gương mẫu của cán bộ đảng viên trong công cuộc kháng chiến – kiến quốc ngày càng khó khăn và nặng nề ở địa phương.

Tháng 10-1949, Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức Hội nghị cán bộ toàn tỉnh bàn công tác xây dựng hậu phương vững mạnh. Hội nghị thống nhất quyết định đẩy mạnh hơn nữa các mặt kinh tế, văn hóa, thực hiện giảm tô, giảm tức, củng cố tình đoàn kết dân tộc, phát động nhân dân tham gia kháng chiến. Cuối năm 1949, Hội đồng giảm tô được thành lập từ tỉnh đến cơ sở. Liên chi ủy I, II đã bám sát nhiệm vụ, hướng dẫn, tuyên truyền, động viên nhân dân thực hiện đúng chủ trương của Trung ương và của tỉnh. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, 2/3 số xã ở vùng tự do với khoảng 80% số hộ thuộc tầng lớp trên đã thực hiện giảm tô, hoãn nợ hoặc xóa nợ cho dân nghèo. Nhiều đất công, đất vắng chủ được tạm chia cho dân cày cấy. Với kết quả đạt được đã góp phần tăng thêm niềm tin trong đồng bào các dân tộc, tạo không khí phấn khởi, tinh thần hăng hái tham gia kháng chiến của nhân dân trong tỉnh.

Cùng với công tác giảm tô, công tác tuyên truyền cổ động phong trào xóa nạn mù chữ, bổ túc văn hóa, vệ sinh phòng bệnh cũng được đẩy mạnh. Nhiều lớp bình dân học, nhiều trường cấp I tại vùng tự do được mở lại.

Sau chiến thắng biên giới Thu Đông năm 1950, trực tiếp là chiến trường Biên Giới Tây Bắc đã thu hẹp phạm vi phân khu Nghĩa Lộ của thực dân Pháp. Khu quân sự Tây Bắc địch bị uy hiếp nặng nề, tinh thần quân Pháp và tay sai, đặc biệt ở khu Nghĩa Lộ sa sút nghiêm trọng.

Trước tình hình đó, địch tìm mọi cách củng cố, bảo vệ hai tiểu khu Nghĩa Lộ và Than Uyên. Về chính trị, thực dân Pháp tổ chức thăng cấp và thưởng huân chương cho một số sĩ quan và binh lính ngụy; nhả thêm quyền lợi cho bọn phản động nhằm cột chặt bọn này vào cuộc chiến tranh xâm lược đang đi vào con đường cùng. Về quân sự, địch củng cố các đồn bốt, mở rộng sân bay Gia Hội, trang bị thêm vũ khí cho các đơn vị; ra sức bắt lính phát triển quân ngụy, lập các đội biệt kích (Com-măng-đô) người cùng dân tộc, dùng đơn vị người dân tộc đi khủng bố, đàn áp cướp phá vùng dân tộc khác nhằm gây thêm mâu thuẫn chia rẽ giữa các dân tộc. Địch tiến hành các cuộc càn quét dồn dân vào sống tập trung quanh các đồn bốt nhằm cắt đứt quan hệ giữa cán bộ và nhân dân. Về kinh tế, xã hội, thực dân Pháp và tay sai tăng cường bóc lột, vơ vét lúa gạo, thực phẩm phục vụ chiến tranh; dùng muối và một số hàng hóa khác để mua chuộc, lôi kéo nhân dân; khuyến khích các tệ nạn xã hội (Đánh bạc, hút thuốc phiện, rượu chè, gái điếm) nhằm ru ngủ các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên, để quên đi kẻ thù chính là ai; không tham gia đấu tranh mà chỉ nghĩ đến rượu cồn và thuốc phiện. Địch rất chú trọng thâm nhập, đánh phá vùng tự do ta. Bốn tháng đầu năm 1951, chúng đã 31 lần tấn công quân sự, tung biệt kích gián điệp hoạt động để nắm tình hình, thăm dò lực lượng kháng chiến.

Trước tình hình mới, Tỉnh ủy Yên Bái đặc biệt nhấn mạnh vấn đề củng cố Đảng, làm cho Đảng bộ vững mạnh trở nên cấp bách, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của cuộc kháng chiến ở địa phương. Phát huy truyền thống anh hùng, sáng tạo trong cuộc đấu tranh giành và giữ chính quyền cách mạng non trẻ của Ban cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái – Phú Thọ và các chi bộ cơ quan, bước vào thời kỳ mới với nhiệm vụ tổ chức thực hiện thắng lợi công cuộc kháng chiến – kiến quốc ở địa phương, các tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong khối cơ quan tỉnh tiếp tục được Đảng quan tâm xây dựng, giáo dục và rèn luyện, đã tỏ rõ vai trò lãnh đạo, tập trung đoàn kết được lực lượng, ý chí và trí tuệ, thật sự là “tai mắt”, là “tay chân” của Tỉnh ủy và Ủy ban hành chính – kháng chiến tỉnh. Mưu lược, sáng tạo trong tham mưu, chỉ đạo; tận tụy, gương mẫu trong tổ chức, thực hiện nhiệm vụ của cơ quan và phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính – kháng chiến tỉnh, đảm bảo công tác lãnh đạo của Tỉnh ủy được tập trung, thông suốt, sâu sát. Động viên cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh phát huy cao độ tinh thần và ý chí cách mạng, vượt qua khó khăn, thách thức để xây dựng hệ thống tổ chức đảng – chính quyền – đoàn thể – lực lượng vũ trang ngày càng phát triển vững mạnh, sâu rộng, xây dựng đời sống văn hóa mới, xây dựng nền kinh tế kháng chiến lớn mạnh đủ sức cung cấp lương thực, thực phẩm tại chỗ cho cuộc kháng chiến.

Từ tháng 10-1950, công tác củng cố Đảng được triển khai thực hiện. Liên chi ủy I, II đã tham mưu tích cực cho Tỉnh ủy nhanh chóng vạch kế hoạch và chỉ đạo các cấp ủy Đảng mở cuộc vận động tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng bộ. Ban đầu chọn một chi bộ ở hai huyện Trấn Yên và Lục Yên làm thí điểm, rút kinh nghiệm. Từ tháng 2 đến tháng 4-1951, cuộc vận động mở rộng ra tất cả các chi bộ ở vùng tự do và một số chi bộ ở vùng địch tạm chiếm. Trọng tâm của cuộc vận động là bồi dưỡng giáo dục lý luận cho cán bộ đảng viên, tự phê bình và phê bình những thiếu sót, khuyết điểm. Qua đó, nhận thức của cán bộ đảng viên được nâng cao hơn trước, bản chất giai cấp công nhân của Đảng được tăng cường, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên được phát huy mạnh mẽ. Một số thiếu sót, khuyết điểm như chủ quan khinh địch, ngại khó khăn gian khổ, gia trưởng được khắc phục cơ bản.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ II (tháng 4-1951) đã nghiên cứu quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Chỉ thị của Trung ương Đảng về sửa chữa những sai lầm trong công tác nông thôn; kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban chấp hành Đảng bộ khóa I; bầu Ban chấp hành Đảng bộ mới và bàn một số công tác cấp bách trước mắt. Đồng chí Vũ Thu được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Đối với công tác vùng địch tạm chiếm, Tỉnh ủy chủ trương vừa củng cố vừa phát triển cơ sở, khi có điều kiện thì phát động đấu tranh vũ trang với qui mô rộng lớn hơn. Coi trọng công tác vùng địch tạm chiếm ngang tầm với công tác vùng tự do; đẩy mạnh địch vận. Việc xây dựng bộ đội địa phương phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của tỉnh, coi trọng nâng cao chất lượng, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, tăng trang bị và hậu cần. Chú trọng xây dựng dân quân du kích ở nơi ta có cơ sở, quanh các căn cứ quan trọng của địch và vùng tự do sát địch. Các hoạt động quân sự phải nhằm vào nơi địch sơ hở, bố phòng yếu, hỗ trợ cho việc xây dựng cơ sở và địch vận.

Cuối năm 1950 và đầu năm 1951, hoạt động của bộ đội địa phương và du kích được thúc đẩy mạnh, thu được nhiều kết quả. Quân ta đánh bại tất cả các cuộc càn quét của địch ở Y Can, Âu Lâu, Việt Cường, (Trấn Yên), Đại Phác (Văn Yên), Minh Lương, Dương Quỳ (Văn Bàn). Thực dân Pháp ngày càng bị động, co cụm tại vùng chiếm đóng. Tháng 3-1951, quân ta mở chiến dịch củng cố biên giới ở miền Tây Lào Cai, lần lượt giải phóng Thân Thuộc (25-4-1951), Pắc Ta (27-4) và huyện lỵ Than Uyên (29/4). Quân địch ở các đồn Mường Kim, Mường Cang, Tà Hùa hoảng hốt tháo chạy về Quỳnh Nhai (Sơn La).

Tại các vùng tự do, ta thành lập Hội đồng nuôi quân nhằm vận động nhân dân cung cấp lương thực, thực phẩm cho bộ đội địa phương; thực hiện thống kê nhân lực, phát thẻ quân vụ ở 20 liên xã của huyện Lục Yên, 10 liên xã của huyện Trấn Yên, 4 vùng tự do và sát địch của huyện Văn Chấn. Việc tuyển quân và huấn luyện bộ đội địa phương được chú trọng. Thực hiện chính sách thuế nông nghiệp có kết quả quan trọng, năm 1951 thu được 2.000 tấn.

Sau thất bại, địch củng cố tổ chức, ráo riết hoạt động mạnh trở lại. Tháng 5-1951, gần 1.000 tàn quân Tưởng ở Vân Nam (Trung Quốc) thâm nhập vào tỉnh Hà Giang, xuống thượng huyện Lục Yên, ngoặt sang Trấn Yên vượt sông Hồng vào Nghĩa Lộ với quân Pháp. Trên đường đi, chúng bị bộ đội địa phương và du kích của tỉnh chặn đánh liên tục, gây thiệt hại nặng nề.

Tháng 9-1951, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Lý Thường Kiệt, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, củng cố và phát triển cơ sở cách mạng trong vùng địch tạm chiếm đẩy mạnh chiến tranh du kích ở Tây Bắc. Hướng chính của chiến dịch là Nghĩa Lộ, do đại đoàn 312 phụ trách, có bộ đội địa phương các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang phối hợp. Trên cơ sở chủ trương của Trung ương, để góp phần đảm bảo cho chiến dịch giành thắng lợi, Đảng bộ Yên Bái đã vận động 5.000 dân công đi phục vụ chiến dịch, huy động được 302 tấn gạo, 3 tấn ngô, 241 con trâu, bò và 33 con lợn cung cấp cho bộ đội.

Từ ngày 1-10 đến đêm 9-10-1951, quân ta liên tiếp tấn công địch ở Bản Tủ, Đồn Nghĩa Lộ và Đồn Cửa Nhì, làm cho địch tổn thất rất nặng nề. Bộ đội ta đã tiêu diệt và bắt sống gần 2 tiểu đoàn địch, thu nhiều vũ khí quân trang, quân dụng; mở rộng vùng địch hậu, nối lại các cơ sở từ Ca Vịnh, Ba Khe vào Nghĩa Lộ. Thắng lợi quan trọng của ta trong chiến dịch Lý Thường Kiệt đã tạo ra điều kiện thuận lợi thúc đẩy công tác vùng địch tạm chiếm ở các huyện Văn Chấn và Than Uyên phát triển lên một bước mới. Ở Văn Chấn, cơ sở kháng chiến của ta được mở rộng suốt dọc đường từ Ba Khe và Nghĩa Lộ và cùng Ca Vịnh. Ở Than Uyên, ta nối lại liên lạc với cơ sở ở Mường Kim. Các cơ sở ở Pú Luông, Pú Mun được xây dựng thành thế liên hoàn với các cơ sở ở Bản Nhì, Mường Khoa, và Thân Thuộc.

Để thúc đẩy phong trào đấu tranh vùng sau lưng địch, tháng 12-1951, Liên chi ủy I, II đã tham mưu cho tỉnh tổ chức hội  nghị tổng kết công tác vùng địch tạm chiếm. Sau đó, tỉnh tiến hành hội nghị bàn việc phối hợp và phục vụ chiến dịch Tây Bắc (năm 1952). Cả hai hội nghị đều khẳng định: Những tháng cuối năm 1951, công tác vùng địch tạm chiếm có nhiều thuận lợi, cơ sở của ta được mở rộng, chiến tranh du kích được đẩy mạnh. Sang năm 1952, khó khăn ngày một tăng lên do địch đã bổ sung lực lượng, củng cố lại vùng chiếm đóng và tăng cường khủng bố, càn quét. Trong khi đó, cán bộ trong vùng địch hậu chưa am hiểu phong tục, tập quán và tiếng nói của đồng bào các dân tộc. Việc tiếp tế cho các đơn vị, cán bộ trong vùng địch gặp nhiều trở ngại. Song ta có thuận lợi rất cơ bản: nhân dân các dân tộc có truyền thống yêu nước, tin và quyết tâm theo Đảng kháng chiến; hầu hết các cơ sở của ta bị địch càn quét liên tục vẫn đứng vững, cán bộ, chiến sĩ ta có tinh thần dũng cảm, chịu đựng gian khổ, hy sinh, khắc phục mọi khó khăn trong công tác; mâu thuẫn giữa nhân dân các dân tộc với giặc Pháp và tay sai, mâu thuẫn nội bộ kẻ thù ngày càng sâu sắc, tinh thần bọn ngụy hoang mang, dao động mạnh.

Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy chủ trương củng cố vững chắc cơ sở ở vùng cao, dựa vào đó tiến xuống xây dựng cơ sở vùng thấp; phát triển cơ sở ven các trục đường Nghĩa Lộ và những địa bàn có tiềm năng kinh tế lớn. Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng lúc này là đánh thông liên lạc từ vùng tự do vào với cơ sở trong vùng địch, đưa các đội vũ trang và cán bộ chính trị vào hoạt động. Công tác trong vùng địch có nhiều hình thức, biện pháp và linh hoạt, trong đó hết sức coi trọng vận động nhân dân chống bắt lính, bắt phu, vận động ngụy quân, ngụy quyền bỏ hàng ngũ.

Ở vùng tự do, các cấp ủy đảng và chính quyền phải tổ chức tốt việc phòng chống gián điệp, biệt kích do thám tình hình, phá các cơ quan, kho tàng; lập sẵn kế hoạch huy động dân công, cung cấp lương thực, thực phẩm cho bộ đội chủ  lực. Nhờ các chủ trương, biện pháp đúng đắn, phong trào kháng chiến trong vùng địch của ta có bước phát triển mạnh mẽ. Cán bộ chính trị và các đội vũ trang ta đã gây dựng hàng loạt cơ sở vùng thấp Nghĩa Lộ – Than Uyên và ở hầu khắp các làng ven đường vào Nghĩa Lộ. Đường dây liên lạc bằng cơ sở nhân dân từ vùng tự do vào trong vùng địch thông suốt. Những kết quả này tạo thêm thuận lợi cho quân dân Yên Bái phục vụ chiến dịch Tây Bắc.

Đầu năm 1952, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta bắt đầu chuyển sang giai đoạn mới, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc, với quyết tâm tiêu diệt địch, giải phóng Tây Bắc, củng cố căn cứ địa Việt Bắc, giữ vững đường giao thông quốc tế Lào – Vân Nam (Trung Quốc), tạo điều kiện phát triển cách mạng Lào. Đợt một chiến dịch sẽ tập trung binh lực tiêu diệt địch ở phân khu Nghĩa Lộ, giải phóng Nghĩa Lộ; đợt hai sẽ nhanh chóng tiến sang Sơn La, cô lập làm rối loạn hậu phương của địch.

Từ tháng 5-1952 quân dân tỉnh Yên Bái bước vào giai đoạn chuẩn bị mọi mặt để phối hợp và phục vụ chiến dịch. Dân quân du kích các xã Việt Long, Hưng Khánh, Đại Đồng, (huyện Trấn Yên), Tân Hợp (huyện Văn Yên), Cát Thịnh, Thượng Bằng La, Minh An, Bình Thuận, Chấn Thịnh (huyện Văn Chấn) cùng các đại đội 85, 87, 97 bộ đội địa phương đã dẫn đường đưa quân báo của Đại đoàn 308 vào vùng địch và bảo vệ an toàn các con đường từ vùng tự do vào Nghĩa Lộ như đường 13A, đường từ Mậu A qua đèo Quế, đèo Khâu Vác; nắm tình hình địch ở các đồn Ba Khe, Ca Vịnh, Sài Lương, Thượng Bằng La, Đồng Bồ. Các cấp ủy Đảng và chính quyền ở vùng tự do đã vận động được 5.428 người đi dân công; huy động được 730 tấn gạo, 622 con trâu, 386 con lợn, 72 tấn muối, 16 tấn đỗ, lạc, vừng cho bộ đội. Dân công Yên Bái cùng các đơn vị bộ đội đã khắc phục khó khăn, vượt qua đèo cao, suối sâu, mưa rét và bom đạn của địch vận chuyển hàng vạn tấn đạn dược, lương thực, thực phẩm vào mặt trận. Riêng khối lượng vận chuyển qua sông Hồng lên đến 47.309 tấn.

Thời gian diễn ra chiến dịch, nhân dân các xã mới được giải phóng đã vận động được 1.000 dân công đi một tháng, 2.312 dân công đi 7 ngày, huy động được 250 tấn gạo và hàng chục vạn tấn lương thực cho bộ đội. Sự đóng góp to lớn về sức người, của cải của quân dân Yên Bái đã góp phần bảo đảm cho chiến dịch Tây Bắc giành được thắng lợi.

Ngày 14-10-1952, chiến dịch Tây Bắc bắt đầu. Rạng sáng ngày 18-10, trung đoàn 88 (đại đoàn 308) tiến công cứ điểm Nghĩa Lộ phố và Nghĩa Lộ đồi. Địch điên cuồng chống cự, nhưng cũng chỉ trong 3 giờ đồng hồ, quân ta diệt và bắt toàn bộ, thu toàn bộ vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch. Nghĩa Lộ và các xã trong huyện Văn Chấn được hoàn toàn giải phóng. Chiến dịch Tây Bắc mở màn thắng lợi, Nghĩa Lộ, Văn Chấn và tỉnh Yên Bái được giải phóng hoàn toàn khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Chiến thắng Nghĩa Lộ đã đập tan mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ sông Đà của địch, mở thông đường vào Tây Bắc, nối liền với căn cứ địa Việt Bắc; làm tiền đề thuận lợi cho các chiến dịch tiếp theo. Đối với tỉnh Yên Bái, nhiệm vụ chủ yếu thay đổi, chuyển sang xây dựng và bảo vệ hậu phương, tích cực huy động sức người, sức của cho kháng chiến.

[1] Báo cáo công tác quí I năm 1949 của Tỉnh ủy Yên Bái – Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy, hồ sơ năm 1949.

[2] Báo cáo công tác quí I năm 1949 của Tỉnh ủy Yên Bái – Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy, hồ sơ năm 1949.

[3] Báo cáo công tác 6 tháng đầu năm 1949 của tỉnh ủy Yên Bái, Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy, hồ sơ năm 1949.

Thiết kế bởi VNPT