Liên chi ủy tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh kháng chiến toàn diện, cùng cả nước đấu tranh giành thắng lợi hoàn toàn (1953-1954)

Cùng với việc mở rộng chiến tranh, thực dân Pháp tiến hành gây phỉ quy mô lớn ở vùng Tây Bắc. Mục đích của âm mưu này là phá hoại hậu phương, kìm chân các binh đoàn chủ lực ta, có điều kiện xây dựng lực lượng cơ động chiến lược, mở các cuộc tiến công, giành lại quyền chủ động trên chiến trường chính.

Tại Yên Bái, ngay sau khi tỉnh được giải phóng (10-1952), thực dân Pháp đã tung các toán biệt kích, gián điệp xuống các huyện Văn Chấn, Than Uyên và Văn Bàn tìm cách bắt liên lạc với ngụy quân, ngụy quyền nhằm chui vào chính quyền, các đội dân quân du kích của ta, tạo vỏ bọc xây dựng cơ sở, âm thầm phá hoại các chính sách của Đảng và chính quyền, xúc tiến gây bạo loạn. Ngày 18-12-1952, Pháp thả 8 tên biệt kích xuống Bản Lìu (huyện Văn Chấn). Ngày 13-2-1953, chúng thả 10 tên xuống Nậm Cân (huyện Văn Bàn). Sau đó, phân tán ra hoạt động ở các xã Minh Lương, Kim Sơn và Khánh Yên Thượng. Ở Than Uyên, bọn biệt kích, gián điệp thâm nhập và hoạt động mạnh trên đường từ Than Uyên đi Sơn La. Ở Đông Cuông (Trấn Yên), 70 phần tử xấu đã tụ họp bàn cách chống việc thực hiện thuế nông nghiệp.

Giữa tháng 4-1953, tại khu vực Than Uyên – Bình Lư – Phong Thổ, phỉ hoạt động rầm rộ, ra sức tuyên truyền các khẩu hiệu “xứ Thái tự trị không có người Kinh”, “người thiểu số không bắn người thiểu số”, “đánh người Kinh giải phóng thuế, giải phóng dân công”. Một số quần chúng do chưa hiểu cách mạng, bị lừa bịp đã tin theo. Đồng thời, chúng nổi lên cướp kho mậu dịch Mường Cang (14-10), đánh chiếm Mường Khoa (25-10), Thân Thuộc (27-10) và Mường Than (2-11). Từ giữa tháng 11-1953, chúng mở rộng hoạt động về phía các khu du kích cũ của ta như Mường Kim, Khâu Mang, Mồ Dề, Lao Chải. Lực lượng phỉ phát triển lên tới 2.000 tên. Chúng được máy bay Pháp liên tục thả dù tiếp vũ khí, lương thực với ý đồ chiếm lấy Than Uyên làm bàn đạp phát triển phỉ xuống Văn Chấn, sang Văn Bàn và Lục Yên.

Sở dĩ phỉ phát triển được như vậy là do các cấp ủy Đảng và chính quyền chưa thấy hết âm mưu của địch, mất cảnh giác, coi thường các hoạt động của bọn gián điệp, biệt kích và bọn phản động do Pháp cài lại; truy quét ngụy quân, ngụy quyền chưa đến nơi đến chốn; một số nơi coi nhẹ việc xây dựng, củng cố cơ sở và chính quyền cách mạng ở vùng mới giải phóng. Thêm nữa, trong quá trình thực hiện chính sách thuế nông nghiệp và huy động dân công cán bộ ta mắc nhiều khuyết điểm như gò ép sản lượng thuế, huy động dân công thường là cưỡng bức, ít vận động, thuyết phục sự tự giác của nhân dân. Bọn gián điệp biệt kích và đầu sỏ đã triệt để lợi dụng khuyết điểm của ta để kích động, lôi kéo quần chúng chống lại cách mạng.

Trước âm mưu và hành động gây phỉ của địch, trên cơ sở chủ trương của Trung ương, Tỉnh ủy Yên Bái tập trung chỉ đạo việc lùng sục, truy quét chúng; đồng thời, tuyên truyền giác ngộ quần chúng nắm các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Liên chi ủy I, II đã chủ động tham mưu, lãnh đạo khối cơ quan tích cực tuyên truyền, động viên quần chúng tích cực tham gia phối hợp, đập tan âm mưu phỉ hóa toàn dân của thực dân, đế quốc. Tuy nhiên, do lực lượng ta quá mỏng, lại hoạt động phân tán trên địa bàn rộng (gồm các huyện Văn Chấn, Than Uyên và Văn Bàn) nên kết quả còn hạn chế. Từ cuối năm 1953, Tỉnh ủy xác định: Tiễu phỉ là một công tác quan trọng, gay go đối với địa phương. Phải kịp thời chặn bước tiến của chúng ra Văn Bàn và xuống Văn Chấn. Tập trung cán bộ, tăng cường lực lượng quân sự đánh vào các vị trí trung tâm của phỉ. Kiên quyết giữ khu Mường Kim, Hố Mít, củng cố cơ sở ở vùng đồng bào Mông phát triển xuống vùng đồng bào Thái. Ở vùng tự do, căn cứ cũ đẩy mạnh phát động quần chúng giảm tô, chấn chỉnh tổ chức, tiễu trừ Việt gian phản động, làm sạch địa bàn.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Liên chi ủy I, II tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường động viên nhân dân. Đội ngũ cán bộ tuyên huấn được tăng cường, đồng thời, mở nhiều lớp bồi dưỡng công tác tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền vận động đồng bào vùng cao. Tại các vùng tự do, Liên chi ủy I, II tập trung tham mưu Tỉnh ủy lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh khôi phục kinh tế, mở mang văn hóa, kết hợp chỉnh Đảng, chỉnh quân gắn với chỉnh đốn, kiện toàn tổ chức. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần chịu đựng gian khổ, hi sinh của cán bộ, đảng viên, bộ đội và nhân dân. Tại các vùng mới giải phóng, công tác tuyên truyền tập trung giải thích cho đồng bào hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, phát động nhân dân mở rộng cuộc đấu tranh chống Việt gian, phản động.

Cuối tháng 10-1953, Bộ Tư lệnh khu Tây Bắc mở chiến dịch tiễu phỉ Bắc Lai (bắc Lai Châu). Tháng 11 và 12-1953, ta đánh tan các cụm phỉ ở Sa Pa, Bát Xát, Tam Đường và Bình Lư. Từ đầu năm 1954, quân ta chuyển xuống tấn công phỉ ở Than Uyên, đánh tan cụm phỉ mạnh nhất ở Mường Than (3-1954). Sau đó, trung đoàn 159 thay thế phụ trách tiễu phỉ ở Yên Bái.

Từ tháng 4 đến tháng 6-1954, ta chuyển sang phát động quần chúng để giải quyết cơ bản vấn đề phỉ. Đại đội 95 làm nhiệm vụ cơ động; các đại đội 85, 82, 92, 86, 96 trực tiếp làm nhiệm vụ phát động quần chúng. Bộ đội và cán bộ ta đã triệt để thực hiện “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với dân, từng bước tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ quần chúng về đường lối, chính sách của Đảng; tố cáo âm mưu, tội ác của thực dân Pháp và bọn đầu sỏ phỉ; thực hiện chính sách khoan hồng, kêu gọi những người lầm đường trở về làng, bản làm ăn. Đồng thời, kiên quyết trừng trị bọn đầu sỏ, ngoan cố chống phá cách mạng. Với quyết tâm to lớn, quân ta đã diệt và bắt trên 1.500 tên phỉ, thu hơn 2.000 khẩu súng, một số điện đài, và rất nhiều lương thực tiền bạc. Thắng lợi này rất quan trọng, tạo điểu kiện để ta giải quyết triệt để vấn đề phỉ. Ở Văn Chấn, khoảng 120 tên phỉ từ Ngọc Chiến (Sơn La) luồn về Sà Hồ định phối hợp với bọn phản động ở đây gây bạo loạn, rồi từ đây đi chiếm lại Ngọc Chiến, Nậm Khắt, mở rộng hoạt động xuống đồng bằng Nghĩa Lộ. Lực lượng vũ trang địa phương đã phối hợp với lực lượng tại chỗ tiến hành phát động quần chúng cho nên âm mưu của chúng bị thất bại. Quân ta diệt và bắt bọn cầm đầu, số còn lại tan rã.

Trên chiến trường chính, sau các thất bại nặng nề ở Tây Bắc (12-1952), Thượng Lào (4-1953) và các mặt trận khác trên chiến trường Đông Dương, tháng 7-1953, thực dân Pháp thực hiện “kế hoạch Na-va” hòng giành lại thế chủ động chiến lược trên chiến trường chính, chuyển bại thành thắng. “Kế hoạch Na- va” gồm hai bước: bước 1, Thu Đông năm 1953 và Xuân năm 1954 giữ vững thế phòng ngự chiến lược ở Bắc vĩ tuyến 18, tránh đương đầu với quân chủ lực ta, xây dựng quân chủ lực của chúng; đồng thời, tiến công ở Nam vĩ tuyến 18 để bình định miền Nam, miền Trung Đông Dương, xóa bỏ vùng tự do liên khu V của ta; bước 2, mùa Thu năm 1954 chuyển toàn bộ lực lượng ra Bắc, mở cuộc tiến công chiến lược, giành thắng lợi quân sự quyết định, gây áp lực buộc ta đàm phán theo những điều kiện do chúng đề ra, nếu không chúng sẽ tiếp tục tiến công tiêu diệt ta.

Tháng 9-1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã họp bàn nhiệm vụ quân sự Đông – Xuân 1953-1954. Ba đòn tấn công lớn được quyết đinh: 1- Tấn công Lai Châu, giải phóng hoàn toàn Tây Bắc, phối hợp với quân giải phóng Lào, giải phóng Phông Sa Lỳ, Trung Lào và Hạ Lào; 2- Phối hợp với quân giải phóng Campuchia giải phóng Đông Bắc Cămpuchia; 3- Đánh thông đường chiến lược Bắc Nam Đông Dương, giành lấy địa bàn chiến lược Tây Nguyên, phá âm mưu bình định miền Nam của địch.

Cuối tháng 11-1953, bộ đội chủ lực được lệnh tiến lên Tây Bắc. Để bảo vệ Lai Châu và che chở cho Thượng Lào, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống chiếm Điện Biên Phủ (20-11-1953). Tháng 12-1953, quân ta giải phóng thị xã Lai Châu. Tiếp đó phối hợp với quân giải phóng Lào, Cămpuchia giải phóng nhiều vùng rộng lớn của hai nước này; giải phóng Bắc Tây Nguyên. Thắng lợi to lớn của ta trên khắp các chiến trường đã phá vỡ khối cơ động chiến lược của Pháp, buộc Pháp phải phân tán lực lượng, “kế hoạch Na-va” bước đầu bị phá sản. Thực dân Pháp co cụm về Điện Biên Phủ, xây dựng ở đây một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất ở Đông Dương, thách thức và chấp nhận trận quyết chiến chiến lược với ta ở đây.

Trước những diễn biến mới, ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ nhằm đánh bại cố gắng quân sự cao nhất và cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Quyết tâm chiến lược của Đảng bắt đầu được thực hiện bằng quyết tâm hoàn thành chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch. Đảng đã huy động sức mạnh, tiềm lực của quân dân cả nước hỗ trợ và cung cấp bảo đảm cho chiến dịch Điện Biên Phủ giành được thắng lợi.

Trải qua 8 năm kháng chiến, tình hình mọi mặt Yên Bái đã có những thay đổi to lớn. Bộ đội địa phương và dân quân du kích được xây dựng, qua chiến đấu gian khổ, ác liệt đã trưởng thành, khả năng chiến đấu ngày càng cao. Hậu phương đang tiếp tục được xây dựng, củng cố lớn mạnh. Qua phát động quần chúng giảm tô, giảm tức và đấu tranh tiễu phỉ, phong trào cách mạng quần chúng phát triển với khí thế mới. Chính quyền, mặt trận và các đoàn thể quần chúng được củng cố thêm một bước. Đảng bộ ngày càng trưởng thành, có thêm kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng, nhất là các kinh nghiệm tổ chức, vận động quần chúng.

Phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Yên Bái được Trung ương giao nhiệm vụ mở đường từ Hiên (Tuyên Quang) đi Ba Khe đến đường số 41 (Sơn La). Đồng thời, động viên cao nhất sức người, sức của phục vụ cho chiến dịch. Trong thử thách ác liệt của cuộc kháng chiến, công tác tuyên huấn được Đảng bộ xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, Liên chi ủy I, II đã tham mưu, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các cấp chính quyền, mặt trận, vận động nhân dân các dân tộc trong tỉnh dồn sức người, sức của cho mặt trận. Với quyết tâm cao độ, toàn tỉnh bừng lên khí thế thi đua phục vụ chiến dịch. Nhờ đó, chỉ trong vòng 3 tháng (8 – 11/1953) hàng chục nghìn dân công của tỉnh đã làm 1.638.000 công sửa và làm mới 188 km đường, bảo đảm xe ô tô có thể chạy được giữa căn cứ địa Việt Bắc và Tây Bắc. Tỉnh ủy tổ chức động viên, huy động được 31.652 dân công làm 1.650.740 công, 2700 công thuyền máy, 650 công xe đạp thồ phục vụ tiền tuyến. Tỉnh Yên Bái (cả huyện Yên Bình) đã cung cấp cho mặt trận Điện Biên Phủ 1.840 tấn gạo, 372 con trâu, 489 con lợn và hàng chục tấn rau xanh. Dân công, bộ đội địa phương Yên Bái đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, vượt qua đèo cao, suối sâu, mưa, rét, vượt qua các khu vực máy bay đánh phá và bom nổ chậm chuyển được hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí ra mặt trận. Hàng nghìn thanh niên xung phong phối hợp với các đơn vị công binh anh dũng mở đường, san lấp hố bom, phá bom nổ chậm, sửa chữa cầu phà. Do làm tốt công tác bảo đảm giao thông (Chống địch phá hoại, chống lầy lún, mưa lũ, bảo đảm vượt sông, chống biệt kích do thám) đường Yên Bái đi Ba Khe – Sơn La an toàn, thông suốt, thật sự trở thành con đường huyết mạch không ngừng chở lương thực, vũ khí từ căn cứ địa Việt Bắc phục vụ mặt trận Điện Biên Phủ.

*

*        *

Trong những năm cùng cả nước dốc sức cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, xuất phát từ tình hình đặc điểm của địa phương, nắm bắt được mưu đồ của kẻ thù, ngay từ những ngày đầu kháng chiến, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã khẩn trương tập trung lãnh đạo mọi lực lượng chuẩn bị mọi mặt cho cuộc chiến đấu lâu dài giành độc lập, tự do cho quê hương. Đóng góp vào những thành công chung của tỉnh, Liên chi ủy I, II, luôn quan tâm xây dựng, giáo dục, rèn luyện, mưu lược, sáng tạo trong tham mưu, chỉ đạo, thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan và phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy. Đồng thời, cùng Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh kiên quyết đập tan âm mưu thổ phỉ hóa toàn dân của bọn thực dân đế quốc, động viên các tầng lớp nhân dân huy động cao nhất nhân lực, vật lực cho cuộc kháng chiến. Phối hợp và phục vụ các chiến dịch Sông Thao, chiến dịch Lý Thường Kiệt, chiến dịch Tây Bắc giải phóng quê hương. Phục vụ và chi viện đắc lực cho chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Tuy chưa phải là một cấp bộ Đảng, nhưng các Liên chi ủy được xây dựng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp là một mô hình tổ chức mới, phù hợp với tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng và công cuộc kháng chiến – kiến quốc ở địa phương. Việc Tỉnh ủy quyết định thành lập các Liên chi ủy thể hiện sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy đối với các tổ chức cơ sở Đảng trong các cơ quan tỉnh và các cơ quan đầu não của tỉnh. Đồng thời, việc hình thành tổ chức Liên chi ủy ở Khối cơ quan tỉnh đã góp phần to lớn, quan trọng vào kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính – Kháng chiến tỉnh. Với những đóng góp to lớn của mình, các Liên chi ủy đã khẳng định rõ vị trí, vai trò lịch sử trong hệ thống tổ chức Đảng của tỉnh, tạo ra những tiền đề quan trọng về mặt tổ chức, cung cấp những kinh nghiệm quý báu giúp Tỉnh ủy lãnh đạo xây dựng mô hình tổ chức và triển khai hoạt động của các tổ chức Đảng trong Khối cơ quan tỉnh ở các giai đoạn sau này.

Lịch sử đã sang trang, Liên chi ủy I và Liên chi ủy II đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong việc tổ chức, động viên đội ngũ cán bộ đảng viên Khối cơ quan tỉnh thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cơ quan, tham mưu tích cực và phục vụ đắc lực cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính – Kháng chiến tỉnh, đưa sự nghiệp kháng chiến kiến quốc của tỉnh kết thúc thắng lợi vẻ vang.

Thiết kế bởi VNPT