Kinh tế – xã hội

Thời phong kiến, kinh tế của Yên Bái rất lạc hậu, cuộc sống của đồng bào chủ yếu là săn bắt, hái lượm, làm nương rẫy và dựa vào thiên nhiên. Sự phát triển giữa các dân tộc không đồng đều. Một số dân tộc như Thái, Mông có truyền thống làm ruộng bậc thang lâu đời, biết làm ruộng nước; ruộng đất canh tác lại rất ít; các dân tộc khác chủ yếu làm nương rẫy, nhưng trình độ canh tác lạc hậu nên đồng bào bị thiếu đói triền miên, cuộc sống khó khăn, du canh, du cư.

Dưới chế độ thực dân, ngoài các hình thức bóc lột phong kiến, phổ biến là đi phu, đi lính và chế độ “cuông”, “nhốc”, chúng còn vơ vét tài nguyên, sản phẩm, bóc lột nhân công rẻ mạt để phục vụ cho công nghiệp chính quốc và biến Yên Bái thành nơi tiêu thụ hàng hóa cho Pháp. Đời sống nhân dân ngày càng khó khăn, cơ cực.

Để phục vụ chương trình khai thác thuộc địa, thực dân Pháp thực hiện chính sách thuế khóa hết sức nặng nề. Ở vùng dân tộc ít người, chúng dùng cách đánh thuế “kiếm ốc” tính theo số nóc nhà, mỗi nhà phải nộp mỗi suất 1,3 đồng (2,5 đồng bằng một tạ gạo ngon). Ngoài ra, còn hàng trăm khoản phụ thu, lạm bổ đánh vào người lao động. Công nghiệp phát triển nhỏ lẻ, chủ yếu là khai thác mỏ than, chì (Mỏ Minh Tiến, Quy Mông, mỏ phấn Minh Bảo, mỏ bạc Tú Lệ…) phục vụ cho chính quốc. Trong nông nghiệp, chúng thi hành chính sách di dân doanh điền. Chủ đồn điền là người Pháp hoặc thân Pháp, người nông dân hoàn toàn bị mất đất, phải đi làm thuê, đời sống vô cùng cực khổ. Thực dân Pháp độc quyền thương mại, thu mua nông, lâm sản với giá rẻ mạt, độc quyền phân phối muối, bán ép rượu.. Kinh tế Yên Bái vốn nghèo nàn, lạc hậu, cộng thêm sự vơ vét, bóc lột,  khai thác sản vật, tài nguyên của thực dân Pháp lại càng làm cho kinh tế Yên Bái phát triển què quặt.

Về văn hóa, xã hội, cả tỉnh chỉ có vài trường tiểu học (cao nhất là lớp 3), nhằm đào tạo đội ngũ tay sai cho Pháp, đa số học sinh là con em quan lại, địa chủ, thổ hào. Còn lại, đại đa số nhân dân mù chữ. Cùng với đó, thực dân Pháp duy trì, khuyến khích các phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, nhất là ở vùng các dân tộc thiểu số. Chúng ra sức đầu độc thanh thiếu niên bằng sách báo phản động, đồi truỵ, bằng các tệ nạn xã hội (cờ bạc, rượu), hòng làm cho thế hệ trẻ bị tha hóa.

Về y tế, cả tỉnh chỉ có một nhà thương ở thị xã với vài y sĩ, hộ lý, trang thiết bị nghèo nàn, thuốc men thiếu thốn. Bệnh sốt rét, nạn dịch tả, bệnh đậu mùa diễn ra thường xuyên; nạn hữu sinh vô dưỡng khá phổ biến; tuổi thọ người dân thấp, một số dân tộc ít người không phát triển được.

Dưới ách thống trị, khai thác bóc lột của thực dân Pháp và tay sai, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ, nạn thiếu đói thường xuyên xảy ra. Từ sau ngày Yên Bái được giải phóng (18-10-1952), nhất là sau ngày hòa bình lập lại, đời sống nhân dân đã bước sang trang mới. Kinh tế – xã hội của tỉnh từng bước được phục hồi, ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Là tỉnh miền núi, còn nhiều khó khăn, sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ tỉnh đã vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn địa phương; vừa tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, sự chia sẻ, đồng hành của các tỉnh bạn, Yên Bái vừa nỗ lực, phấn đấu khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tạo thêm nguồn lực cho phát triển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi mặt của đời sống xã hội, tạo nền móng vững chắc cho Yên Bái cùng cả nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế với tâm thế mới và tầm nhìn mới.

Thiết kế bởi VNPT