Địa lý tự nhiên

Trải qua các thời kỳ lịch sử, đến nay, tỉnh Yên Bái có diện tích tự nhiên là 6.882,9km2 , vị trí 21018’-22017’ vĩ Bắc; 103056’-105006’ kinh Đông, trải dọc theo đôi bờ sông Hồng. Là tỉnh miền núi thuộc khu vực chuyển tiếp giữa miền Tây Bắc và trung du Bắc Bộ, Yên Bái có 9 đơn vị hành chính trực thuộc: thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, hai huyện vùng cao đặc biệt khó khăn là Trạm Tấu và Mù Cang Chải, ba huyện có nhiều xã vùng cao là Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên, hai huyện vùng thấp là Trấn Yên, Yên Bình. Toàn tỉnh có 173 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 150 xã, 10 thị trấn, 13 phường, trong đó, có 70 xã thuộc vùng cao. Phía Đông Bắc giáp 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, phía Đông Nam giáp tỉnh Phú Thọ, phía Tây Nam giáp tỉnh Sơn La, phía Tây Bắc giáp tỉnh Lào Cai.

Địa hình tỉnh Yên Bái khá đa dạng và phức tạp, độ dốc lớn, lại bị chia cắt bởi đèo cao, suối sâu, hướng cao dần từ Đông sang Tây, từ Nam lên Bắc; độ cao trung bình so với mặt nước biển là 600m. Vùng cao có hai dãy núi lớn là dãy Púng Luông ở phía Tây và dãy Con Voi ở phía Đông Bắc, trong đó đỉnh Púng Luông cao 2.985m. Vùng thấp tập trung ở ven sông Hồng, sông Chảy và cánh đồng Mường Lò, có nơi chỉ cao hơn mặt nước biển 26m (xã Minh Quân, huyện Trấn Yên). Do địa hình phức tạp, giao lưu giữa các vùng gặp nhiều trở ngại, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế, xã hội, nhất là vùng cao, vùng sâu, vùng xa.

Đặc trưng khí hậu Yên Bái là nhiệt đới gió mùa, phía Tây có ảnh hưởng của gió Lào khô nóng. Nhiệt độ trung bình từ 180C-220C, lúc thấp nhất 10C, lúc nóng nhất lên đến 390C. Độ ẩm lớn 85%, lượng mưa trung bình hàng năm là 1.800mm, mưa nhiều nhất là tháng 6 đến tháng 9, chiếm khoảng 80% lượng mưa cả năm. Yên Bái nằm sâu trong nội địa nên ít ảnh hưởng của gió bão nhưng vào mùa mưa, một số nơi thường có lốc xoáy, mưa đá, sạt lở và lũ quét.
Hệ thống sông ngòi ở Yên Bái khá dày đặc, có hai sông lớn là sông Hồng và sông Chảy chảy qua và một số ngòi tương đối lớn như ngòi Thia, ngòi Hút, ngòi Lâu, ngòi Lao, ngòi Biệc… có tiềm năng lớn về thủy điện, thủy lợi và giao thông thuỷ. Trên địa bàn tỉnh có nhiều hồ lớn tự nhiên, trong đó lớn nhất là hồ Thác Bà trên sông Chảy, có diện tích 23.400ha, độ sâu từ 15-35m, chiều rộng từ 5-15km, chiều dài 80km, với hơn 1.300 hòn đảo lớn nhỏ, góp phần tạo cảnh quan du lịch, phát triển kinh tế và cải tạo môi trường.

Yên Bái có đất đai khá màu mỡ cùng với khí hậu thuận lợi, thích hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của các loại cây nhiệt đới, trong đó, có những cây quan trọng như lúa, ngô, mía, nhãn, cam, bưởi, hồng…, chè tuyết Suối Giàng, gạo nếp Tú Lệ, quế Văn Yên, cam, hồng Lục Yên, bưởi Đại Minh (Yên Bình) ngày càng trở thành đặc sản nổi tiếng, là cây trồng chủ lực để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa của địa phương được nhiều nơi biết đến. Tài nguyên thiên nhiên khá phong phú và đa dạng, đó là thế mạnh của tỉnh Yên Bái. Dưới lòng đất, có mỏ than ở Hồng Quang (Lục Yên), Hoàng Thắng (Văn Yên), quặng sắt ở Mỵ (Văn Chấn), Hưng Khánh (Trấn Yên), vàng ở Xuân Ái (Văn Yên), Kiên Thành (Trấn Yên), bạc ở Tú Lệ (Văn Chấn), đồng ở Phong Dụ (Văn Yên), chì, kẽm ở Tân Lập (Lục Yên), Tú Lệ (Văn Chấn), cao lanh ở thành phố Yên Bái cùng các mỏ đá quí, đá trắng phân bố trên diện rộng thuộc hai huyện Lục Yên và Yên Bình.

Rừng Yên Bái có nhiều loại động, thực vật quí. Về thực vật, có gỗ đinh, lim, sến, táu, pơ mu, chò chỉ… Động vật có hổ, gấu, hươu, nai, nhím, sóc, trăn, tê tê, các loại chim quý… dưới nước có: cá chiên, cá bống, ba ba… Hiện nay, rừng nguyên sinh trên địa bàn tỉnh đã được bảo vệ, rừng khoanh nuôi, trồng mới đang phát triển mạnh mẽ, trở thành thế mạnh kinh tế lớn của tỉnh.

Hệ thống đường giao thông – bưu điện – công nghiệp của Yên Bái phát triển khá toàn diện. Trên địa bàn tỉnh có đường sắt Hà Nội – Lào Cai chạy qua (Dài gần 100km); ba quốc lộ trọng yếu là: 37, 70, 32; đường cao tốc Hà Nội – Yên Bái – Lào Cai, hệ thống cầu bắc qua sông Hồng, sông Chảy nối liền các vùng của tỉnh, là điều kiện thuận lợi cho Yên Bái phát triển và đẩy mạnh giao lưu kinh tế – văn hóa – xã hội với các tỉnh trong vùng; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Thông tin liên lạc thông suốt các xã trong tỉnh, với trong nước và quốc tế. Hình thành khu công nghiệp tập trung ở phía Nam thành phố, trọng tâm là công nghiệp khai khoáng, vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản, đang trở thành mũi nhọn kinh tế của tỉnh. Thiên nhiên phong phú, với những mỏ nước nóng cùng tiểu vùng khí hậu vùng cao và hang động, cảnh quan kỳ thú, muôn hình, muôn vẻ. Hồ Thác Bà được ví như “Hạ Long nổi trên núi”, cùng với các di tích lịch sử văn hóa khá đặc trưng. Đó là những điều kiện thuận lợi để phát triển ngành du lịch và các hoạt động dịch vụ.

Thiết kế bởi VNPT