Truyền thống yêu nước, đoàn kết và cách mạng

Yên Bái là một tỉnh miền núi với dân số 821.030 người (năm 2019), gồm 30 dân tộc, trong đó người Kinh chiếm 54%, còn lại là các dân tộc thiểu số khác (Tày, Dao, Mông, Thái, Mường, Nùng …). Đây là tỉnh có vị trí “cửa ngõ phên dậu” vùng Tây Bắc, nơi giao thoa của hai khu vực Việt Bắc – Tây Bắc, nền văn hoá đa sắc tộc, góp phần hình thành nên nền văn minh sông Hồng rực rỡ. Cùng dòng chảy của lịch sử dân tộc Việt Nam, nhân dân các dân tộc Yên Bái đã hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết, anh dũng, kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm; cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Mỗi dân tộc có những nét văn hóa đặc sắc, tạo nên diện mạo đa sắc màu của văn hóa Yên Bái, đó là truyền thống cố kết cộng đồng chặt chẽ. Các mối quan hệ đều theo đạo lý “Lá lành đùm lá rách”. Các mối quan hệ láng giềng, huyết tộc, họ hàng, thông gia quện chặt vào nhau, tạo nên sự bền vững giữa các thành viên trong bản và giữa các bản với nhau. Việc sử dụng đất đai và các sản phẩm của rừng núi, sông, suối đều tuân theo tập tục, không có sự tranh chấp. Tuy có những phong tục tập quán khác nhau, song các dân tộc đều có chung đặc điểm là tính cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, không cam chịu áp bức bóc lột, kiên cường, dũng cảm trong đấu tranh cách mạng và có tinh thần đoàn kết đấu tranh chống kẻ thù xâm lược.

Thời kỳ phong kiến, năm 1258, nhân dân các vùng Văn Chấn, Trấn Yên đã tham gia đội quân của tù trưởng Hà Bổng, trại chủ Quy Hóa chiến đấu chống giặc Mông – Nguyên khi chúng sang xâm lược nước ta lần thứ nhất. Năm 1285, nhân dân châu Thu Vật (Yên Bình) và các vùng xung quanh đã ủng hộ, giúp đỡ đạo quân của tướng Trần Nhật Duật chặn đánh quân Mông – Nguyên quyết liệt, làm chậm bước tiến của chúng về kinh thành Thăng Long. Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, nhân dân các dân tộc Yên Bái với lòng tự tôn dân tộc, ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất, quyết tâm bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc đã góp phần không nhỏ trong đội quân của Gia Quốc Công Vũ Văn Mật bảo vệ Triều Lê, chống họ Mạc cát cứ và sự xâm lấn của phong kiến phương Bắc, sự cướp bóc của giặc.

Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta. Từ năm 1886 đến năm 1898, các hoạt động bất hợp tác với giặc, nhiều cuộc khởi nghĩa nhỏ liên tục nổ ra khắp các vùng Trấn Yên, Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình, gây ra cho thực dân Pháp nhiều khó khăn trong việc thiết lập bộ máy thống trị và kiểm soát các tổng, xã.

Năm 1913-1914, cuộc khởi nghĩa do Triệu Tài Lộc, Triệu Kiến Tiên và một số thủ lĩnh khác tổ chức được đông đảo người Dao, Tày, Kinh… tham gia, ủng hộ. Từ cơ sở đầu tiên ở tổng Trúc Lâu, phong trào lan rộng khắp châu Lục Yên, phủ Trấn Yên, phủ Yên Bình, với tổng số 1.414 người tham gia. Nghĩa quân đã tiến công đồn Trái Hút (19-10-1914), đồn Bảo Hà (21-10-1914), đồn Lục Yên (22-10-1914), với tinh thần đấu tranh quật khởi của nhân dân các dân tộc Yên Bái. Song, trong quá trình lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa, do tổ chức, phối hợp thiếu chặt chẽ, trang bị vũ khí lạc hậu, thiếu thốn nên các cuộc tiến công không giành được thắng lợi.

Mặc dù thất bại, nhưng các cuộc khởi nghĩa của nhân dân Yên Bái không chỉ thể hiện tinh thần yêu nước mà còn thể hiện sức mạnh và quyết tâm đấu tranh chống thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc bằng bất kỳ giá nào. Khi thực dân Pháp cướp ruộng đất, lập đồn điền, nông dân các xã: Mông Sơn, Ẩm Phước (phủ Yên Bình), Nga Quán, Cổ Phúc (phủ Trấn Yên)… đã kiên quyết đấu tranh chống bắt phu, bắt lính, cướp ruộng đất, khiến cho thực dân Pháp thêm lúng túng, hoang mang, lo sợ. Chính quyền thực dân luôn ở trong tình cảnh bất ổn định.

Đầu năm 1930, tại Yên Bái, tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng do nhà yêu nước Nguyễn Thái Học lãnh đạo tiến hành khởi nghĩa, nhằm lật đổ chính quyền thuộc địa. Cuộc khởi nghĩa tại Yên Bái mở đầu cho hàng loạt các cuộc bạo động chống Pháp tại các địa phương ở miền Bắc nước ta. Tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa không thành công, do không đề ra được đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn để tập hợp rộng rãi quần chúng nhân dân. Cuộc khởi nghĩa đã thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân các dân tộc Yên Bái đứng lên đấu tranh giành độc lập, thể hiện truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, quật khởi của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái. Truyền thống đó được nhân lên gấp bội khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, nhân dân các dân tộc Yên Bái đã hun đúc và ngày càng bồi đắp nên truyền thống yêu nước nồng nàn, ý thức cộng đồng sâu sắc, tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa các dân tộc. Đó là những giá trị tinh thần bền vững để Đảng bộ tỉnh Yên Bái kế thừa, phát huy cao độ trong cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa, phấn đấu xây dựng tỉnh Yên Bái giàu mạnh, phát triển toàn diện, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thiết kế bởi VNPT