Truyền thống văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc

Mỗi dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Yên Bái đều có những phong tục, tập quán đặc trưng, gắn với địa hình tự nhiên của từng vùng miền. Chính điều đó đã tạo nên các vùng văn hóa riêng biệt. Mỗi vùng là một mảng màu độc đáo, tạo nên bức tranh văn hóa sống động của các dân tộc tỉnh Yên Bái.

Vùng văn hóa phía Tây tỉnh Yên Bái, bao gồm các huyện: Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải và thị xã Nghĩa Lộ, gắn liền với điểm du lịch danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Nơi đây có đèo Khau Phạ, một trong những con đèo ngoạn mục nhất của núi rừng Tây Bắc, những thửa ruộng bậc thang nằm trên các sườn núi, lớp nọ gối tiếp lớp kia trên diện tích khoảng 2.200 ha. Năm 2007, danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải được xếp hạng là di tích quốc gia, đến năm 2019 được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Ở Mù Cang Chải, còn có chợ phiên với nhiều sản phẩm thủ công, đặc sản địa phương như: quả sơn tra, mật ong, bánh dày, rượu thóc La Pán Tẩn, thảo quả, dụng cụ canh nông của người Mông, thổ cẩm, nhạc cụ… đáp ứng nhu cầu thưởng thức và mua sắm quà lưu niệm của du khách.

Yên Bái còn nổi tiếng với những nét văn hóa truyền thống của người Thái, đặc biệt là xòe Thái. Từ bao đời nay, điệu xòe Thái trở thành một đặc trưng văn hóa, là “tài sản chung” của nhiều dân tộc ở Tây Bắc. Điệu xòe luôn xuất hiện trong các lễ hội, những ngày vui của bản làng; điệu xòe mang lời chào, mời gọi du khách gần xa. Đó là tiếng lòng của bà con gửi gắm trong điệu múa quyến rũ giữa non ngàn Tây Bắc. Múa xòe thể hiện sự đoàn kết, thân thiện, gắn bó, có tính tập thể, dân chủ cao nên mỗi người Thái đều biết múa xòe và yêu thích nghệ thuật xòe. Vòng xòe Thái lớn nhất được nhiều người biết đến và được ghi nhận kỷ lục “Màn đại xòe cổ lớn nhất Việt Nam” được biểu diễn năm 2013 với sự tham gia của hàng nghìn người. Năm 2015, “Xòe Thái – Mường Lò, Nghĩa Lộ” được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến nay, nghệ thuật xòe Thái đã lan tỏa rộng rãi đến nhiều vùng miền trên cả nước.

Tỉnh Yên Bái có 30 dân tộc cùng chung sống, đoàn kết, gắn bó, có nền văn hoá đa sắc tộc, hình thành nền văn minh sông Hồng rực rỡ. Ở nhiều huyện, thành phố trong tỉnh, ngoài việc trồng lúa nước, các dân tộc còn phát triển nhiều làng nghề: trồng dâu nuôi tằm, đan lát thủ công làm miến, kéo mật, cùng với những rừng quế bạt ngàn, những nương chè ngút ngát xanh tươi…

Các làng văn hóa được tạo dựng, chính là nơi giữ gìn cảnh quan môi trường thiên nhiên và bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đó là những lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc Yên Bái như: lễ hội cấp sắc của người Dao ở Đại Sơn, lễ hội xuống đồng của đồng bào Mường ở Quy Mông, lễ hội cầu cơm mới đền Đông Cuông; lễ hội hoa Ban Mường Lò; lễ hội đền mẫu Thác Bà… Các lễ hội này không chỉ chứa đựng các giá trị phi vật thể mà còn là kết tinh truyền thống văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên mảnh đất Yên Bái.

Cùng với các di sản, di tích trên, tỉnh Yên Bái còn lưu giữ nhiều địa danh lịch sử, văn hóa khác như: Di tích lịch sử Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái; Chiến khu Vần, huyện Trấn Yên; Khu ủy Tây Bắc, xã Phù Nham (Văn Chấn) – “Địa chỉ đỏ” kháng chiến chống Pháp; Di tích lịch sử khảo cổ học Hắc Y (Lục Yên); Đèo Lũng Lô (Văn Chấn) – con đường huyết mạch, góp phần làm lên chiến thắng Điện Biên Phủ; Khu bảo tồn loài sinh cảnh Chế Tạo (Mù Cang Chải); các hồ nước lớn có phong cảnh kỳ vĩ, rất thuận lợi để phát triển du lịch như hồ Thác Bà, Hồ Chóp Dù… các lễ hội truyền thống và hội Xuân của các dân tộc ít người.

*

*        *

Yên Bái là vùng đất phong phú về tài nguyên thiên nhiên, giàu có về truyền thống văn hóa và tinh thần yêu nước. Nhân dân các dân tộc Yên Bái có tinh thần đoàn kết, yêu quê hương, đất nước. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái, với tinh thần cần cù trong lao động, sản xuất; kiên cường trong đấu tranh chống kẻ thù để bảo vệ quê hương, đất nước, đã xây đắp nên những truyền thống quý báu. Chính điều đó đã trở thành tiền đề, nền tảng để đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái dấy lên phong trào cách mạng sôi nổi khi ánh sáng cách mạng của Đảng truyền tới, đưa quê hương bước vào thời kỳ đấu tranh oanh liệt, mở ra kỷ nguyên của độc lập, tự do.

Thiết kế bởi VNPT