Quán triệt quan điểm, chủ trương đổi mới của Trung ương Đảng, của tỉnh, lãnh đạo các cơ quan tỉnh bước đầu thực hiện đường lối đổi mới

Sau 5 năm thực hiện nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng, tình hình kinh tế – xã hội đất nước có nhiều phát triển, quân và dân ta đã giành được nhiều thắng lợi to lớn trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, xét trên tổng thể, nền kinh tế nước ta vốn đã khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn. Đến cuối năm 1985, đầu năm 1986, tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục trì trệ, lương thực không đủ dùng. Các xí nghiệp luôn trong tình trạng “lãi giả lỗ thật”. Nhà nước bao cấp tràn lan. Lưu thông, phân phối ách tắc. Lạm phát phi mã đến mức kỷ lục (774%). Đời sống nhân dân khó khăn cùng cực. Lương tháng của công nhân, viên chức không đủ sống. Tiêu cực xã hội có điều kiện sinh sôi, nẩy nở…  Bên cạnh đó, tình hình các nước xã hội chủ nghĩa xuất hiện những mâu thuẫn, bất ổn. Những khó khăn đó đã tác động rất lớn đến đời sống nhân dân và tình hình tư tưởng trong cán bộ, đảng viên.

Với tỉnh Hoàng Liên Sơn, trải qua 10 năm hợp nhất, trên cơ sở quán triệt tinh thần đổi mới từng phần của Trung ương, xuất phát từ đặc điểm, tình hình của tỉnh, với tinh thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém, khuyết điểm, Đảng bộ tỉnh đã từng bước tìm tòi chủ trương, giải pháp tháo gỡ khó khăn để phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung của đất nước, đến giữa thập kỷ 80 của thế kỷ XX, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thử thách về kinh tế – xã hội. Tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh chưa ổn định, nhiều vấn đề vừa cấp bách, vừa cơ bản chưa được giải quyết. Hậu quả chiến tranh chưa được khắc phục triệt để, nhiều cơ chế quản lý cũ vẫn tồn tại dai dẳng, cơ chế mới chưa hình thành đồng bộ. Trong lãnh đạo, điều hành vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sót…

Thực tiễn đặt ra yêu cầu khách quan, bức thiết cho đất nước và cho tỉnh Hoàng Liên Sơn là phải đổi mới để thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế – xã hội. Đó là vấn đề có tính chất sống còn đối với vận mệnh của đất nước, của từng địa phương và toàn bộ sự nghiệp cách mạng.

Đảng bộ các cơ quan tỉnh với chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo các cơ quan đầu não và đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh, nên có tác động lớn đến toàn bộ công cuộc đổi mới ở địa phương.

Thực hiện Chỉ thị của Tỉnh ủy, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn cách mạng mới, từ ngày 15 đến 17-9-1986, Đại hội đại biểu Đảng bộ các cơ quan tỉnh Hoàng Liên Sơn lần thứ nhất (lần thứ XI) được tổ chức[1]. Gần 200 đại biểu thay mặt cho gần 2.000 đảng viên của 64 chi, đảng bộ cơ sở đã về dự Đại hội. Đại hội đánh giá kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ trong 2 năm kể từ khi tái lập. Trong hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước và của tỉnh, Đảng bộ cũng phải đối mặt với vô vàn khó khăn: Đảng bộ mới được tái lập, Ban Chấp hành lâm thời chủ yếu kiêm nhiệm, các cơ quan tham mưu, giúp việc đang trong quá trình kiện toàn, làm quen công việc, cơ sở vật chất, điều kiện trang thiết bị làm việc còn nhiều thiếu thốn. Các tổ chức đảng chuyển về từ Thị ủy Yên Bái đang trong quá trình củng cố, kiện toàn, ổn định bộ máy, chức năng, nhiệm vụ; các tổ chức đoàn thể chưa đồng bộ, Công đoàn vẫn do Công đoàn thị xã Yên Bái quản lý. Đoàn Thanh niên đã tổ chức thành lập Đoàn các cơ quan tỉnh, tiến hành đại hội, kiện toàn tổ chức Đoàn các cấp song hoạt động còn nhiều lúng túng, khó khăn do cơ chế và khủng hoảng kinh tế – xã hội tác động đến niềm tin và con đường phấn đấu của tuổi trẻ… Vượt lên những khó khăn, thách thức, Đảng bộ các cơ quan tỉnh mặc dù mới tái lập đã nhanh chóng phát huy vai trò lãnh đạo trong giáo dục chính trị, tư tưởng, động viên đội ngũ cán bộ, đảng viên yên tâm, tin tưởng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn của các cơ quan. Đồng thời, làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh từng bước tháo gỡ khó khăn, tìm tòi, đổi mới.

Đại hội nghiêm túc chỉ ra những khuyết điểm, yếu kém, tìm ra nguyên nhân; từ đó, rút kinh nghiệm và có biện pháp để Đảng bộ tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới đạt kết quả tốt hơn.

Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ 1986 – 1988 là: Thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chăm lo công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, đoàn thể và công tác cán bộ, đảng viên. Đảm bảo công tác kiểm tra thực hiện chỉ thị, nghị quyết một cách liên tục, mạnh mẽ trong các chi bộ cơ quan. Lãnh đạo đảm bảo hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch của các đơn vị sản xuất kinh doanh trong Đảng bộ…

Đại hội xác định: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ phải thường xuyên bám sát và phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ chính trị của tỉnh với tinh thần đầy đủ, kịp thời, hiệu quả; tập trung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh về tổ chức lại sản xuất, đảm bảo ổn định và phát triển; thực hiện chuyển sang cơ chế hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, vật tư, tiền vốn, phương tiện, lao động… bảo đảm hoàn thành toàn diện và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch của ngành và đơn vị.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội trong bước chuyển cách mạng mới, Đại hội xác định, nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng phải được đặt lên hàng đầu. Tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đề cao tính tiền phong gương mẫu, tăng cường công tác quản lý và phát triển đảng viên, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, phấn đấu 3/4 cơ sở đạt trong sạch vững mạnh, 60% đảng viên tiền phong gương mẫu. Đồng thời, kiên quyết chống mọi biểu hiện của căn bệnh bảo thủ, trì trệ, quan liêu, trông chờ, ỷ lại, các biểu hiện cục bộ, chia rẽ, bè phái, tham ô, lãng phí… Chăm lo củng cố xây dựng các đoàn thể quần chúng vững mạnh. Đổi mới phong cách làm việc sâu sát, cụ thể trong công tác lãnh đạo và quản lý…

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới, gồm 19 đồng chí ủy viên. Đồng chí Lương Đức Thiện được bầu làm Bí thư Đảng ủy, đồng chí Lương Thị Mới được bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy.

Đại hội Đảng bộ các cơ quan tỉnh Hoàng Liên Sơn lần thứ nhất[2] thành công thực sự là cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng, tạo tiền đề để Đảng bộ và đội ngũ cán bộ công chức Khối cơ quan tỉnh bước vào thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Thông qua Đại hội, Đảng bộ đã kiện toàn thêm một bước cơ quan Văn phòng Đảng ủy, xây dựng bộ máy chuyên trách công tác Đảng, gồm Thường trực Đảng ủy, các cơ quan giúp việc tham mưu cho Đảng ủy như: Văn phòng, Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo, Ủy ban kiểm tra, Đoàn Thanh niên các cơ quan tỉnh được bố trí và tăng cường thêm cán bộ chuyên trách…, tạo điều kiện để Đảng ủy phát huy tốt vai trò nhiệm vụ trong lãnh đạo thực hiện công cuộc đổi mới ở địa phương.

Từ ngày 10 đến ngày 13-10-1986, Đảng bộ tỉnh Hoàng Liên Sơn tiến hành Đại hội lần thứ IV. Đại hội đã kiểm điểm tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III đề ra; thảo luận nghiêm túc và nhất trí cao với chủ trương đổi mới của Đảng đã nêu trong “Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI”. Đại hội thông qua Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị 5 năm (1986 – 1990). Trong đó, xác định nông – lâm nghiệp là mặt trận hàng đầu, trọng tâm là sản xuất lương thực – thực phẩm; đồng thời, phát triển sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Khai thác tối đa khả năng sản xuất công nghiệp, mở mang giao thông vận tải, làm chủ phân phối lưu thông và thị trường, hoàn thiện quan hệ sản xuất, thực hiện chính sách công bằng xã hội, tăng cường củng cố quốc phòng – an ninh trên tinh thần tự lực, tự cường.

Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh lần thứ IV đã thể hiện được tinh thần của Hội nghị Bộ Chính trị tháng 8-1986 và tinh thần của Dự thảo Văn kiện trình Đại hội VI của Đảng vào tình hình thực tế địa phương. Thành công của Đại hội đánh dấu bước chuyển quan trọng về nhận thức và quá trình trăn trở, tìm tòi, tháo gỡ khó khăn do yêu cầu từ thực tiễn đặt ra ở địa phương, góp phần quan trọng cùng cả nước chuẩn bị tích cực cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng. Đồng thời, định hướng hoạt động cho các Đảng bộ, trong đó có Đảng bộ các cơ quan tỉnh Hoàng Liên Sơn đạt được những thắng lợi mới.

Từ ngày 15 đến ngày 18-12-1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng được tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Với phương châm “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đại hội đã phân tích sâu sắc những thành tựu, hạn chế và khuyết điểm, sai lầm trong quá trình lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội 10 năm (1975-1986). Trên cơ sở đó, đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, tạo ra bước ngoặt trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đại hội đề ra ba chương trình kinh tế lớn là lương thực – thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, xem đó là mũi nhọn phát triển kinh tế thời kỳ đổi mới; đồng thời, chủ trương kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, xây dựng cơ chế quản lý mới; áp dụng những biện pháp kích thích sản xuất, mở rộng giao lưu hàng hóa, xóa bỏ tình trạng “ngăn sông, cấm chợ”, chia cắt thị trường; lập lại trật tự, kỷ cương, giữ ổn định chính trị – xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong kế hoạch 5 năm (1986 – 1990), Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn tập trung lãnh đạo, chủ động triển khai thực hiện đường lối đổi mới trên địa bàn tỉnh, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, tìm cách thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế – xã hội. Các giải pháp được đề ra trước mắt là: Đổi mới cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, tập trung mọi cố gắng, huy động mọi nguồn lực, các thành phần kinh tế để thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn (lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu). Đồng thời, kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, xây dựng cơ chế quản lý mới, áp dụng những biện pháp kích thích sản xuất, mở rộng giao lưu hàng hóa, xóa bỏ tình trạng ngăn sông, cấm chợ, chia cắt thị trường, lập lại trật tự, kỷ cương, giữ vững ổn định chính trị xã hội, cải thiện đời sống nhân dân…

Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, của Tỉnh ủy, Đảng ủy các cơ quan tỉnh đã triển khai đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ, tổ chức học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cơ quan tỉnh lần thứ nhất (lần thứ XI), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Đảng bộ xác định, đợt sinh hoạt chính trị, học tập nghị quyết lần này có tác động to lớn tới tâm tư, tình cảm, cách nghĩ, cánh làm lâu nay trong đội ngũ cán bộ đảng viên; đồng thời, sẽ tác động quyết định đến phong trào hành động cách mạng và kết quả triển khai đường lối đổi mới của Đảng trên địa bàn toàn tỉnh… Vì vậy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng từ Đảng ủy đến các cấp ủy cơ sở được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Trên cơ sở chuẩn bị tốt cho đợt học tập chính trị từ đội ngũ báo cáo viên đến xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết, chặt chẽ… Do đó, việc triển khai diễn ra sôi nổi trong toàn Đảng bộ, nội dung đường lối đổi mới của Đảng được cán bộ, đảng viên nghiên cứu, thảo luận kỹ. Tiếp sau đợt học tập Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Đảng ủy chỉ đạo toàn Đảng bộ học tập quán triệt các nghị quyết hội nghị lần thứ 2, 3, 4, 5 của Ban Chấp hành Trung ương; các Nghị quyết số 4,10, 11, 16 của Bộ Chính trị, các Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI. Thông qua học tập, đa số cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ đều có nhận thức đúng đắn, quán triệt sâu sắc đường lối đổi mới, thể hiện niềm tin tưởng, phấn khởi, tạo động lực để thay đổi thói quen, nếp nghĩ, cách làm, cơ chế quản lý bao cấp, bảo thủ trì trệ sang tác phong chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo trước cơ chế mới.

Tuy nhiên, công cuộc đổi mới của Đảng là một cuộc cách mạng sâu sắc, tác động đến tư tưởng, tình cảm, thói quen, nếp nghĩ của không ít cán bộ, đảng viên, đặc biệt là lớp đảng viên lớn tuổi. Do đó, việc xuất hiện những tâm tư, băn khoăn, lo lắng trước những xáo trộn của cuộc sống và công tác… là điều không tránh khỏi. Trước tình hình đó, Đảng bộ chỉ đạo các cơ sở đảng kiên trì giáo dục, thuyết phục, gắn học tập đường lối đổi mới với giáo dục nâng cao lập trường, lý tưởng, đạo đức cách mạng, ý chí chiến đấu, tinh thần cách mạng tiến công theo tinh thần Chỉ thị số 79 của Ban Bí thư. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức các đợt sinh hoạt tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khóa VI về xây dựng nâng cao sức chiến đấu của Đảng ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ mới. Cùng với việc tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, trong 2 năm 1987 – 1988, Đảng ủy mở 2 lớp lý luận chính trị phổ thông cho gần 100 cán bộ, đảng viên, 4 lớp đối tượng Đảng cho 194 quần chúng ưu tú, 3 lớp đảng viên mới cho đảng viên dự bị.

Do được học tập, quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Trung ương và của Tỉnh ủy, nhận thức chính trị của cán bộ, đảng viên và quần chúng về công cuộc đổi mới, về nhiệm vụ chính trị được nâng lên rõ rệt. Ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, lòng tin đối với Đảng và chế độ được củng cố, tạo sự thống nhất và đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên Khối cơ quan tỉnh, tạo bầu không khí phấn khởi và khí thế thi đua lao động sản xuất mới trong các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp.

Các ngành kinh tế và các đơn vị sản xuất kinh doanh đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, tích cực vận dụng chuyển đổi cơ chế, chính sách mới, cải tiến khâu tổ chức, chỉ đạo sản xuất, chủ động tìm tòi bước đi phù hợp để đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Các cơ quan hành chính sự nghiệp đã bám sát các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước và yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh để cụ thể hóa, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của cơ quan. Chủ động tìm tòi và tích cực triển khai các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ kế hoạch hàng năm, hướng mọi hoạt động theo quĩ đạo công cuộc đổi mới, tạo ra phong trào thi đua hành động cách mạng sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh đạt chất lượng cao hơn.

Kinh tế của tỉnh có nhiều tiến bộ, huy động được các nguồn lực, các thành phần kinh tế, thực hiện 3 chương trình kinh tế. Năm 1989, sản lượng lương thực đạt 282.000 tấn, tăng 3 vạn tấn so với năm 1985; năng suất lúa bình quân đạt gần 6 tấn/1ha, bình quân lương thực đạt 245 kg/người/năm. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có nhiều đổi mới, từng bước tìm tòi hướng đi phù hợp để hội nhập với nền kinh tế của đất nước, các sản phẩm ngày càng phong phú, đa dạng.

Kết cấu hạ tầng được đầu tư, xây dựng. Tỉnh đã xây dựng được 230 km đường diện quốc gia, hoàn thành đường điện cao thế từ Yên Bái đi Lào Cai; 9/17 huyện, thị đã có điện lưới quốc gia, nâng cấp mới trên 200 km đường ô tô, xây dựng 4 cầu mới và hàng trăm mét vuông nhà ở.

Công tác văn hóa – y tế – giáo dục từng bước được cải thiện, hằng năm có 16 vạn học sinh đến trường. Toàn tỉnh có 395 cơ sở trạm xá, bệnh viện, với 4.600 giường bệnh; các chương trình tiêm chủng mở rộng, chống sốt rét, bướu cổ, dân số kế hoạch hóa gia đình… được đẩy mạnh, đạt hiệu quả.

[1] Để thể hiện tính liên tục, kế thừa phát triển của Đảng bộ, Đại hội Đảng bộ các cơ quan tỉnh Hoàng Liên Sơn lần thứ nhất sẽ được tính là Đại hội lần thứ XI.

[2] Tương đương Đại hội lần thứ XI, tính theo nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ Khối cơ quan tỉnh Yên Bái.

Thiết kế bởi VNPT