Bối cảnh lịch sử và chủ trương thành lập Đảng bộ Chính Dân Đảng tỉnh Hoàng Liên Sơn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới của cách mạng

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi, tạo ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới – thời kỳ cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Tháng 9-1975, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa III họp Hội nghị lần thứ 24, chỉ rõ: Nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta trong giai đoạn mới là hoàn thành thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Miền Bắc phải tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Miền Nam phải đồng thời tiến hành cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa V, ngày 27-12-1975 đã Quyết nghị hợp nhất một số tỉnh, trong đó có 3 tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Nghĩa Lộ sáp nhập thành tỉnh Hoàng Liên Sơn. Ngày 03-01-1976, ba tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Nghĩa Lộ chính thức sáp nhập thành tỉnh Hoàng Liên Sơn và đi vào hoạt động. Thị xã Lào Cai được chọn là thị xã tỉnh lỵ, thị xã Yên Bái được giữ nguyên là thị xã trực thuộc tỉnh.

Ngày 16-3-1976, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn ra Nghị quyết số 66-NQ/TƯ thành lập Đảng bộ Chính dân Đảng tỉnh Hoàng Liên Sơn trên cơ sở hợp nhất Đảng bộ Chính dân Đảng Yên Bái, Lào Cai và Đảng bộ khối kinh tế tỉnh Nghĩa Lộ. Ban Chấp hành Đảng bộ Chính dân Đảng tỉnh Hoàng Liên Sơn lâm thời gồm 7 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Xuân Tiếu, nguyên Bí thư Đảng bộ Chính dân Đảng tỉnh Lào Cai được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy; đồng chí Võ Hưng Cảnh, nguyên Phó Bí thư Đảng bộ Khối kinh tế tỉnh Nghĩa Lộ được chỉ định làm Phó Bí thư thường trực Đảng ủy.

Từ cuối năm 1975 đầu năm 1976, các cơ quan cấp tỉnh Yên Bái chuyển lên thị xã Lào Cai, là thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Hoàng Liên Sơn, tiến hành sáp nhập với các cơ quan tương ứng của hai tỉnh thành các cơ quan đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể tỉnh Hoàng Liên Sơn. Cơ quan Đảng ủy Chính dân Đảng sau khi có nghị quyết sáp nhập đã khẩn trương tiến hành hợp nhất và di chuyển lên tiếp quản trụ sở cũ của cơ quan Đảng ủy Chính dân đảng Lào Cai, nhanh chóng ổn định tổ chức, sắp xếp, bố trí nơi ở, nơi làm việc, ổn định tư tưởng và đời sống cho đội ngũ cán bộ chuyên trách Đảng ủy.

Trước đó, ngày 20-2-1976, Đảng ủy Chính dân Đảng tỉnh Yên Bái đã tiến hành bàn giao tổ chức Đảng, đội ngũ đảng viên và nhân sự bộ máy cấp ủy, đội ngũ cán bộ chuyên trách, hồ sơ, sổ sách cho cơ quan mới; đồng thời, tiến hành bàn giao khu trụ sở Đảng ủy cho trường phổ thông cấp II xã Tân Thịnh, huyện Trấn Yên quản lý và sử dụng.

Đảng bộ Chính dân Đảng tỉnh Hoàng Liên Sơn khi sáp nhập có 54 chi bộ, đảng bộ cơ sở trực thuộc, bao gồm: các cơ quan Chính dân Đảng cấp tỉnh, các công ty, xí nghiệp, trạm, trại, với 1.425 đảng viên, 6.149 cán bộ công nhân viên. Hầu hết là cán bộ trẻ có trách nhiệm, nhiệt tình, có trình độ văn hóa; gần 400 cán bộ, đảng viên đã qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, lý luận và quản lý, số cán bộ lớn tuổi phần đông được rèn luyện và thử thách qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, có bản lĩnh vững vàng. Bộ máy tổ chức Đảng ủy sau khi hợp nhất tương đối đồng bộ. Đảng bộ giữ vững được truyền thống đoàn kết, không có hiện tượng cục bộ, chia rẽ, bè phái…

Sau khi hợp nhất, số lượng tổ chức Đảng và đảng viên tăng lên nhiều, phạm vi hoạt động rộng lớn hơn, loại hình tổ chức phong phú hơn. Bên cạnh mặt thuận lợi là tập trung lực lượng cán bộ và công tác chỉ đạo thì cũng gặp phải những khó khăn trong công tác tổ chức và quản lý. Là một Đảng bộ có nhiều đầu mối cơ sở, tính chất công tác đa dạng, lãnh đạo nhiều lĩnh vực khác nhau, có tổ chức và đảng viên ở hầu hết các lĩnh vực hoạt động của tỉnh; tất cả các tổ chức cơ sở đảng ở các cơ quan đầu não, các ngành kinh tế then chốt của tỉnh đều thuộc Đảng bộ Chính dân Đảng tỉnh, nhưng bộ máy lãnh đạo của Đảng ủy sau khi sáp nhập còn những mặt chưa hợp lý. Văn phòng Đảng ủy qua các thời kỳ phát triển đã từng bước được xây dựng, kiện toàn, có đủ các ban, nhưng chưa có ban nào được bố trí đủ cán bộ chuyên trách, các đoàn thể mới chỉ có cán bộ chuyên trách hoặc bán chuyên trách theo dõi… Đó là những khó khăn, bất cập, đòi hỏi công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ phải vươn lên để đáp ứng và ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Căn cứ vào nhiệm vụ chung của đất nước và của tỉnh, chức năng, nhiệm vụ của Đảng ủy Chính dân Đảng tỉnh Hoàng Liên Sơn cũng tiếp tục được bổ sung thêm nhiều nội dung mới. Trong các thời kỳ trước, chức năng nhiệm vụ chủ yếu của Đảng ủy là lãnh đạo công tác chính trị, tư tưởng, làm công tác đảng vụ, phát triển tổ chức đảng và đảng viên, lãnh đạo các cơ quan làm công tác tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành, nay được bổ sung nhiệm vụ tham mưu cho Tỉnh ủy về công tác cán bộ, công tác kiểm tra và công tác bảo vệ chính trị nội bộ theo phân cấp. Việc bổ sung chức năng, nhiệm vụ thể hiện vị trí, vai trò, trách nhiệm của Đảng ủy ngày càng được đề cao trên cơ sở công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ đã đạt được những kết quả tốt đẹp và đóng góp ngày càng tích cực vào kết quả thực hiện nhiệm vụ chung của tỉnh.

Thiết kế bởi VNPT