Tham mưu, chỉ đạo thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975-1978)

Để khắc phục những khó khăn, bất cập; đồng thời, tiếp tục phát huy tốt vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ, Đảng ủy coi trọng tập trung lãnh đạo công tác chính trị, tư tưởng, coi đó là một trong những trọng tâm công tác đột phá, có tác dụng quyết định đến chất lượng lãnh đạo, củng cố và xây dựng tổ chức Đảng, xây dựng đội ngũ đảng viên. Ngay từ đầu năm 1976, Đảng ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ cơ sở thực hiện tốt các đợt sinh hoạt chính trị học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ 24 của Ban Chấp hành Trung ương, Chỉ thị số 245 của Bộ Chính trị và Nghị quyết kỳ họp thứ 2 Quốc hội, khóa V nhằm tạo sự thông suốt trong nhận thức, tư tưởng và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên khối cơ quan tỉnh đối với chủ trương “Bỏ khu, nhập tỉnh” của Trung ương.

Thông qua các đợt sinh hoạt chính trị gắn với kiện toàn, củng cố các tổ chức đảng trong Đảng bộ sau sáp nhập, các chi bộ, đảng bộ trong khối đều đề ra chương trình hành động cụ thể; liên hệ, kiểm điểm, chấn chỉnh được nhiều khâu yếu, giải quyết nhiều vấn đề tồn tại; sửa chữa thiếu sót, khuyết điểm. Đến quý 3 năm 1976, công tác củng cố, kiện toàn tổ chức đã hoàn thành cơ bản. Trên cơ sở đó, Đảng ủy Chính dân Đảng tập trung công tác lãnh đạo các chi, đảng bộ cơ sở đẩy mạnh công tác tham mưu, phát huy vai trò lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành, xây dựng cơ quan, đoàn thể vững mạnh sau nhiều biến động về tổ chức. Động viên đội ngũ cán bộ, đảng viên yên tâm, tin tưởng, phấn khởi, ra sức khắc phục khó khăn, thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và của người cán bộ, đảng viên. Tổng kết công tác năm 1976, số cơ quan đơn vị trong Khối Dân chính Đảng tỉnh hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước tăng gấp 2 lần năm 1975; 28 cơ quan, đơn vị thuộc các ngành: Công nghiệp, lâm nghiệp, nông nghiệp, lương thực, thương nghiệp, y tế, văn hóa thông tin, giáo dục, tài chính, các ban Đảng, Chi cục Thống kê, Văn phòng Tỉnh ủy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng.

Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, từ ngày 30-10 đến ngày 02-11-1976, Đại hội đại biểu Đảng bộ Chính dân Đảng tỉnh Hoàng Liên Sơn lần thứ nhất được tiến hành[1]. Tham dự Đại hội có 120 đại biểu, thay mặt cho hơn 1.400 đảng viên của 54 chi, đảng bộ cơ sở trực thuộc.

Đại hội Đảng bộ Chính dân Đảng tỉnh Hoàng Liên Sơn lần thứ nhất được tiến hành trong bối cảnh đất nước và tỉnh Hoàng Liên Sơn đang có nhiều thay đổi, có nhiều sự kiện trọng đại: Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi, kết thúc thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đất nước ta chuyển sang thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên quy mô cả nước; Tỉnh Hoàng Liên Sơn vừa được thành lập trên cơ sở sáp nhập ba tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Nghĩa Lộ. Đảng bộ Chính dân Đảng tỉnh Hoàng Liên Sơn vừa được sáp nhập, kiện toàn trên cơ sở sáp nhập tỉnh, cùng toàn tỉnh, Đảng bộ Chính dân Đảng đang động viên cán bộ, đảng viên khối cơ quan tỉnh bước vào thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm (1976 – 1980).

Đại hội Đảng bộ Chính dân Đảng tỉnh Hoàng Liên Sơn đã kiểm điểm sâu sắc kết quả công tác lãnh đạo của Đảng bộ, đặc biệt là từ khi sáp nhập tỉnh và sáp nhập Đảng bộ. Đồng thời, đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho Đảng bộ trong nhiệm kỳ 1976 – 1978 là: Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tăng cường đoàn kết nhất trí trong Đảng, bồi dưỡng, rèn luyện đảng viên nhằm nâng cao trình độ năng lực, nâng cao đạo đức cách mạng. Ra sức kiện toàn, củng cố tổ chức cơ sở Đảng, làm cho mọi tổ chức Đảng có tư tưởng cách mạng triệt để, có tổ chức vững mạnh, có năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và sức chiến đấu cao. Đồng thời, đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, thắt chặt mối liên hệ giữa Đảng với quần chúng. Tích cực giáo dục động viên tổ chức quần chúng thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng đề ra.

Đại hội nhấn mạnh: Công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ chuyển từ nhiệm vụ “vừa sản xuất vừa chiến đấu” sang phục vụ nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo của Đảng bộ trong thời kỳ mới, Đại hội yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ phải thực hiện nghiêm chỉnh tất cả các chính sách, pháp luật hiện hành của Đảng và Nhà nước. Các cấp ủy Đảng tăng cường công tác kiểm tra nhằm phát huy ưu điểm, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm chính sách, pháp luật. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, vừa phải có tác phong gần gũi, giáo dục quần chúng chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đối với công tác xây dựng Đảng, Đại hội nêu nhiệm vụ: Đẩy mạnh hơn nữa việc lãnh đạo thực hiện Chỉ thị số 192 của Ban Bí thư và Nghị quyết số 23 của Trung ương Đảng, làm cho tất cả đảng viên trong Đảng bộ thấm nhuần sâu sắc tiêu chuẩn, tư cách của người đảng viên.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ chính thức, gồm 15 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Xuân Tiếu, Bí thư Đảng bộ lâm thời được bầu làm Bí thư Đảng ủy; đồng chí Võ Hưng Cảnh, Phó Bí thư Đảng ủy lâm thời được bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy. Đại hội bầu 67 đại biểu chính thức, 3 đại biểu dự khuyết đi dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hoàng Liên Sơn lần thứ nhất.

Đại hội Đảng bộ Chính dân Đảng tỉnh Hoàng Liên Sơn lần thứ nhất[2] thành công, đánh dấu một mốc mới trong quá trình xây dựng và phát triển của Đảng bộ. Thông qua Đại hội, tiếp tục một bước căn bản quá trình bố trí, sắp xếp, kiện toàn tổ chức Đảng từ Đảng bộ đến các chi, đảng bộ cơ sở; đề ra phương hướng, nhiệm vụ phù hợp, thiết thực, tính chiến đấu cao, bảo đảm cho Đảng bộ đủ sức, ngang tầm lãnh đạo khối cơ quan tỉnh thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở địa phương.

Từ ngày 14 đến ngày 20-12-1976, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng được tổ chức trọng thể tại thủ đô Hà Nội. Đây là Đại hội mở đầu thời kỳ cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội đã đánh giá bối cảnh trong nước và quốc tế, đề ra đường lối chung, đường lối kinh tế và kế hoạch kinh tế – xã hội 5 năm (1976 – 1980). Đại hội chỉ rõ: Chúng ta vẫn phải tiếp tục cuộc đấu tranh chống mọi âm mưu và hành động phá hoại, lật đổ, thôn tính của các thế lực phản động quốc tế nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và góp phần bảo vệ hòa bình thế giới.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn, Đảng ủy Chính dân Đảng lãnh đạo các chi, đảng bộ tiến hành đợt sinh hoạt chính trị học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hoàng Liên Sơn lần thứ nhất vòng I và vòng II, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Chính dân Đảng tỉnh, tập trung tuyên truyền chủ trương “Bỏ khu, nhập tỉnh” và kết quả hiệp thương thống nhất đất nước về mặt Nhà nước… Thông qua đó nâng cao nhận thức chính trị của đội ngũ cán bộ đảng viên về bối cảnh tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ mới trong bước chuyển cách mạng thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động và tích cực chuẩn bị mọi mặt đối phó với những diễn biến phức tạp ở biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc; gắn công tác tuyên truyền động viên chính trị với lãnh đạo, chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ cơ sở kiện toàn tổ chức, ổn định tư tưởng, ngăn ngừa những biểu hiện cục bộ, bè phái khi hợp nhất tỉnh, sáp nhập các cơ quan.

Động viên đội ngũ cán bộ, đảng viên thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh: Ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, xây dựng các qui hoạch vùng kinh tế, phát triển văn hóa – xã hội, tăng cường quốc phòng an ninh… Thông qua lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trong các cơ quan, vai trò hạt nhân chính trị của các tổ chức Đảng tiếp tục được phát huy và khẳng định. Các tổ chức cơ sở Đảng trong các cơ quan Đảng tỉnh tập trung lãnh đạo cán bộ, đảng viên nâng cao chất lượng tham mưu, xây dựng các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy; hướng dẫn chỉ đạo tổ chức thực hiện, tiến hành kiểm tra, sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng… Các tổ chức đảng trong khối chính quyền, nội chính tham mưu xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng. Các tổ chức đảng trong khối Mặt trận, đoàn thể tham mưu, động viên đoàn viên, hội viên triển khai các cuộc vận động cách mạng, ký kết giao ước thi đua xây dựng các tổ lao động xã hội chủ nghĩa… Hầu hết các cơ sở Đảng trong các cơ quan đã cải tiến phương pháp lãnh đạo đơn vị, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ chính trị, góp phần tích cực vào kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh – quốc phòng của tỉnh trong những năm 1976 – 1978.

Để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo phong trào cách mạng ở khối cơ quan tỉnh, công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Chính dân Đảng tiếp tục được đẩy mạnh. Thông qua phong trào hành động cách mạng, hoạt động của Đảng từ Đảng bộ đến các chi bộ cơ sở từng bước đi vào nề nếp. Chất lượng sinh hoạt của các chi, đảng bộ được cải tiến và nâng lên, trên cơ sở đảm vảo thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình, giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Các chi bộ đều xây dựng được quy chế làm việc; giải quyết mối quan hệ công tác giữa cấp ủy với thủ trưởng cơ quan, giữa cán bộ lãnh đạo với đảng viên, giữa đảng viên với quần chúng trên tinh thần tiền phong gương mẫu của cán bộ đảng viên. Do đó, công tác phát triển đảng viên mới được đẩy mạnh, xóa bỏ một số cơ sở đảng yếu kém. Trong 2 năm 1977 – 1978, Đảng bộ đã lựa chọn được 304 quần chúng ưu tú, tiến hành bồi dưỡng 117 đối tượng Đảng, kết nạp vào Đảng 88 đảng viên mới.

Kể từ năm 1976 – 1977, đặc biệt, trước những hoạt động khiêu khích quân sự của Trung Quốc, ngày 19-8-1977, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chủ trương về việc di chuyển tỉnh lỵ ra khỏi thị xã Lào Cai. Qua khảo sát, ngày 13-2-1978, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chính thức đề nghị Trung ương về việc chuyển các cơ quan tỉnh về địa điểm mới. Ngày 20-2-1978, Trung ương chuẩn y Báo cáo của Tỉnh ủy đồng ý chuyển địa điểm đóng tỉnh lỵ tỉnh Hoàng Liên Sơn từ thị xã Lào Cai về thị xã Yên Bái.

Việc chuyển địa điểm thị xã tỉnh lỵ được tiến hành gấp rút và tiến hành đồng thời với việc tiếp nhận hàng vạn lao động ở các tỉnh miền xuôi vào các nông, lâm trường vùng biên giới để sản xuất và tổ chức thành các đơn vị tự vệ, có trang bị vũ khí nhằm bảo vệ biên giới. Tỉnh tiếp nhận hơn 500 cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an Bộ và các tỉnh Thái Bình, Hà Nam Ninh lên tăng cường cho các huyện biên giới xây dựng huyện trở thành pháo đài vững chắc để bảo vệ Tổ quốc.

Đứng trước yêu cầu và nhiệm vụ trung tâm, đột xuất của tỉnh, Đảng bộ Chính dân Đảng tỉnh đã lãnh đạo các chi, đảng bộ cơ sở tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để đội ngũ cán bộ thông suốt, tránh tâm lý hoang mang dao động… Đồng thời, chỉ đạo các chi, đảng bộ, đội ngũ cán bộ đảng viên tiến hành di chuyển nhanh, gọn nhưng vẫn đảm bảo duy trì mọi mặt công tác. Đồng thời, với nhiệm vụ chỉ đạo di chuyển các cơ quan, lực lượng cán bộ, đảng viên về thị xã tỉnh lỵ Yên Bái, Đảng ủy Chính dân Đảng tiếp tục tham mưu và tổ chức, động viên đội ngũ cán bộ, đảng viên các cơ quan tỉnh đón tiếp, bố trí nơi ăn, ở, làm việc, công tác cho lực lượng quân đội, công an và nhân dân lên xây dựng kinh tế…

Cuộc di chuyển địa điểm tỉnh lỵ và đón tiếp đồng bào chiến sĩ lên công tác được tiến hành nhanh chóng, bảo đảm ổn định, không có xáo trộn lớn về đời sống và tư tưởng, phục vụ công tác chuẩn bị mọi mặt để chủ động chiến đấu giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu bảo vệ giới phía Bắc có vai trò và công lao to lớn của đội ngũ cán bộ, đảng viên Đảng bộ Chính dân Đảng tỉnh.

[1] Đại hội Đảng bộ Chính dân đảng tỉnh Hoàng Liên Sơn lần thứ nhất được xác định là Đại hội lần thứ X để thể hiện tính kế thừa và phát triển liên tục của Đảng bộ.

[2] Lần thứ X, tính theo các kỳ đại hội Đảng bộ Chính dân Đảng tỉnh Yên Bái.

Thiết kế bởi VNPT