Lãnh đạo khối cơ quan tỉnh xây dựng, củng cố tổ chức và thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1978-1984)

Sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi (tháng 4-1975) tình hình biên giới phía Bắc có những diễn biến phức tạp. Hoàng Liên Sơn là tỉnh giáp với biên giới Trung Quốc, nơi có cửa khẩu Lào Cai đi lại thuận tiện giữa hai nước qua cầu Hồ Kiều. Do vậy, khi xảy ra sự kiện “nạn kiều”, đã có hơn 69.000 người Hoa từ thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh khác qua cửa khẩu này về Trung Quốc, trong đó riêng tỉnh Hoàng Liên Sơn có 5.200 người. Tình hình đó gây nên những biến động xấu về chính trị – xã hội trong tỉnh, tác động không nhỏ đến sự phát triến kinh tế – xã hội của tỉnh, đòi hỏi Đảng bộ, cán bộ, đảng viên, quân và dân trong tỉnh tập trung sức lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trong hoàn cảnh đầy khó khăn, thử thách, nhất là các nhiệm vụ đột xuất.

Để kịp thời và chủ động đối phó với tình hình, từ quí I năm 1978, Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn đã chỉ đạo chuyển thị xã tỉnh lỵ về thị xã Yên Bái, tổ chức tiếp nhận lực lượng công an, quân đội và công nhân lâm trường lên xây dựng kinh tế, kết hợp nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, tiến hành hàng loạt biện pháp nhằm củng cố tăng cường lực lượng, tăng cường bảo vệ biên giới.

Trước diễn biến ngày càng phức tạp ở biên giới phía Bắc, tháng 12-1978, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IV) họp ra Nghị quyết xác định nhiệm vụ trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh: Sẵn sàng mọi mặt công tác chuẩn bị đối phó với cuộc chiến tranh quy mô lớn có thể xảy ra. Tiếp đó, ngày 6-1-1979, Ban Chấp hành Trung ương ra Chỉ thị Về việc tăng cường chiến đấu ở các tỉnh phía Bắc. Chỉ thị nêu rõ: Gấp rút đẩy mạnh công tác sẵn sàng chiến đấu ở các địa phương trên toàn tuyến biên giới, bảo đảm sẵn sàng đánh bại địch ngay từ đầu trong bất kỳ tình huống nào.

Bất chấp nỗ lực giải quyết căng thẳng bằng con đường hòa bình từ phía Việt Nam, rạng sáng ngày 17-2-1979, Trung Quốc huy động lực lượng lớn (hơn 600 nghìn quân) tiến công xâm lược Việt Nam. Tại Hoàng Liên Sơn, Trung Quốc huy động hai quân đoàn và một số sư đoàn độc lập, khoảng 160.000 quân, có xe tăng và pháo binh yểm trợ. Đi tới đâu, lính Trung Quốc ra sức càn quét các cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, gây bất bình lớn trong nhân dân. Trước cuộc tiến công quy mô lớn của Trung Quốc, ngay trong ngày 17-2-1979, Chính phủ Việt Nam kêu gọi toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng, triệu người như một, nhất tề đứng dậy quyết chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Chiều 17-2-1979, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Hoàng Liên Sơn kêu gọi cán bộ, đồng bào các dân tộc, các lực lượng vũ trang trong tỉnh bình tĩnh, chủ động tiêu diệt địch ngay tại biên giới, cùng quân và dân cả nước nêu cao ý chí chiến đấu, kiên quyết giữ vững biên cương của Tổ quốc. Đáp lại lời kêu gọi của Chính phủ, quân và dân Hoàng Liên Sơn bừng bừng khí thế, sẵn sàng chiến đấu. Lực lượng vũ trang cùng đồng bào các dân tộc đoàn kết thành một khối, mưu trí dũng cảm, kiên quyết chặn đứng bước chân của địch, gây cho chúng những tổn thất nặng nề.

Trên cơ sở chủ trương của Trung ương Đảng đưa hệ thống tổ chức Đảng trong các cơ quan về quản lý theo địa bàn lãnh thổ; đồng thời, để tập trung đầu mối lực lượng, tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tháng 3-1979, Tỉnh ủy chỉ đạo tiến hành hợp nhất Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ vào Huyện ủy Văn Chấn, hoàn thành việc thành lập các tổ chức đảng đoàn và Ban cán sự đảng ở các ty, ngành của tỉnh; chuyển giao các cơ sở đảng của các cơ quan, xí nghiệp cấp tỉnh đóng trên địa bàn các huyện, trực thuộc các huyện, thị ủy; giải thể Đảng ủy Chính dân Đảng tỉnh, đưa các tổ chức cơ sở Đảng sáp nhập vào Đảng bộ thị xã Yên Bái; xây dựng và kiện toàn tổ chức đảng trong các cơ quan quân sự và lực lượng vũ trang để đảm bảo lãnh đạo, xây dựng lực lượng sẵn sàng chiến đấu…

Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Đảng ủy Chính dân Đảng đã lãnh đạo các chi, đảng bộ đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên thông suốt chủ trương của Trung ương và Tỉnh ủy về việc sáp nhập các tổ chức Đảng, tổ chức đoàn thể và đội ngũ cán bộ, đảng viên chuyển về sinh hoạt tại thị xã Yên Bái. Đồng thời, tiến hành khẩn trương công tác bàn giao tổ chức, bộ máy, danh sách cán bộ, đảng viên, đoàn viên về Thị ủy Yên Bái. Do làm tốt công tác tư tưởng nên việc giải thể Đảng ủy Chính dân Đảng và sáp nhập vào Thị ủy Yên Bái được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi, bảo đảm thủ tục, nguyên tắc, tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao. Đến hết tháng 5-1979, công tác bàn giao, sáp nhập đã cơ bản hoàn thành. Các chi, đảng bộ cơ sở về cơ bản vẫn giữ nguyên bộ máy Ban chi ủy, chỉ tiến hành giải thể, chấm dứt hoạt động của bộ máy Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Đảng ủy Chính dân Đảng. Đồng thời với việc giải thể Đảng ủy Chính dân Đảng, Tỉnh ủy chỉ đạo thành lập các tổ chức đảng đoàn và Ban cán sự Đảng ở các ty, ngành, đoàn thể tỉnh, tạo thuận lợi mới về mặt tổ chức để Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo thông suốt, sâu sát các mặt công tác của khối cơ quan tỉnh.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy thông qua tổ chức Đảng đoàn và Ban cán sự Đảng và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thị ủy Yên Bái, hoạt động lãnh đạo của tổ chức Đảng trong Khối cơ quan Dân Chính Đảng tỉnh hòa nhập vào phong trào cách mạng chung của toàn tỉnh. Tinh thần đoàn kết thống nhất, ý thức trách nhiệm, ý chí quyết tâm phấn đấu vươn lên trong các cơ quan tỉnh tiếp tục được phát huy, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn cũng như các nhiệm vụ luyện tập quân sự, tham gia dân quân tự vệ, khắc phục hậu quả chiến sự biên giới. Đồng thời, các chi bộ trong khối tăng cường cán bộ cho các xã biên giới, cùng với các ngành, các cấp giúp đỡ nhân dân biên giới ổn định đời sống và sản xuất.

Mặc dù hoạt động trong hoàn cảnh thời chiến nhưng các tổ chức Đảng trong khối cơ quan tỉnh vẫn giữ vững nề nếp sinh hoạt, đảm bảo thực hiện tốt nguyên tắc trong sinh hoạt Đảng, làm tốt công tác xây dựng Đảng cả ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Thực hiện chương trình công tác của Tỉnh ủy và Thị ủy Yên Bái, các tổ chức cơ sở Đảng trong khối cơ quan tỉnh đã bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương trong từng thời kỳ để lãnh đạo, động viên đội ngũ cán bộ, đảng viên yên tâm, tin tưởng, phấn khởi, khắc phục khó khăn, vươn lên thực hiện các nhiệm vụ: Khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội, chống lại âm mưu phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hoàng Liên Sơn lần thứ II, hướng tới thực hiện chính sách khoán trong nông nghiệp, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hoàng Liên Sơn lần thứ III; từng bước làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên mọi phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội, an ninh, quốc phòng, góp phần đắc lực hoàn thành tốt 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kế hoạch 5 năm lần thứ 3 (1981 – 1985) của tỉnh.

Trong điều kiện tình hình biên giới diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn tới việc thực hiện nhiệm vụ cũng như công tác xây dựng đảng của khối cơ quan tỉnh. Vượt lên khó khăn, các chi, đảng bộ trong khối cơ quan tỉnh vẫn đảm bảo phát huy tốt vai trò lãnh đạo và làm tốt công tác xây dựng Đảng, tăng cường củng cố tổ chức và phát triển đảng viên mới. Thông qua việc thực hiện các phong trào cách mạng của tỉnh, những tổ chức đảng yếu kém hoặc yếu từng mặt tiếp tục được củng cố. Một số cơ quan có đủ đảng viên đã thành lập các chi bộ nhỏ. Một số cơ quan có đông đảng viên tiến hành thành lập các đảng bộ cơ sở. Công tác phát triển đảng viên tiếp tục được đẩy mạnh, gần 300 đảng viên mới được kết nạp, nâng số đảng viên trong khối cơ quan tỉnh lên gần 1.800 đảng viên. Đến cuối năm 1983, Khối cơ quan Chính dân Đảng tỉnh có 64 tổ chức cơ sở đảng, trong đó: có 21 đảng bộ cơ sở và 43 chi bộ cơ sở trực thuộc Thị ủy Yên Bái.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn chung về kinh tế – xã hội của đất nước, nhiều vấn đề khó khăn mới nảy sinh ở các tổ chức cơ sở đảng, trong các cơ quan, đơn vị Chính dân Đảng tỉnh. Do đó, việc tái lập Đảng bộ được đặt ra như là một tất yếu khách quan.

Cùng với việc thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, đảm bảo giữ vững chủ quyền, an ninh vùng biên giới, Đảng bộ Khối chủ động tham mưu, cùng các chi, đảng bộ trong khối thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị tại cơ quan, đơn vị, góp phần  cùng Đảng bộ tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà tỉnh đề ra: Kinh tế, xã hội của tỉnh có bước phát triển. Sản xuất nông – lâm – công nghiệp đạt được một số thành tựu quan trọng. Năng suất lúa đạt 5,4 tấn/ha/năm, tổng sản lượng lương thực  đạt 269 nghìn tấn, vượt 7,6 vạn tấn so với năm 1975, bình quân đầu người đạt gần 340 kg. Sản lượng tiểu thủ công nghiệp – công nghiệp đạt 450 triệu đồng, tăng 6,4%.

Giáo dục, y tế, văn hóa – xã hội có bước phát triển. Toàn tỉnh có 300 y, bác sĩ, 300 trạm y tế cấp xã với 1.471 giường bệnh, tuyến huyện có 17 bệnh viện với 1.300 giường. Trên địa bàn tỉnh, có 400 trường phổ thông cơ sở, 22 trường trung học, 20 trường trung cấp, sơ cấp với gần 20 vạn học sinh. Tính trung bình, 5 người dân có một người đi học. Những thành tựu trên tuy còn hạn chế nhưng là những kết quả rất quan trọng trong giai đoạn đất nước đang khó khăn, khủng hoảng.

Thiết kế bởi VNPT