Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, không ngừng nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng

Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ bám sát Chỉ thị số 79 và Thông báo số 74 của Ban Bí thư Trung ương Đảng để triển khai cuộc vận động củng cố, xây dựng, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ đảng viên. Cuối tháng 3-1987, Đảng bộ triển khai thực hiện nội dung “Những việc cần làm ngay” nhằm tập trung giải quyết những khuyết điểm, yếu kém trong Đảng bộ và chuẩn bị tốt các điều kiện để bước vào thực hiện cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên theo Nghị quyết số 04 của Bộ Chính trị.

Công tác tổ chức, sắp xếp lại các chi, đảng bộ được tiến hành cùng với việc sắp xếp lại các Ban chuyên môn của Đảng ủy theo hướng tinh gọn, phù hợp, sát với chức năng, nhiệm vụ. Năm 1986, 65 chi, đảng bộ cơ sở được sắp xếp lại thành 56 chi, đảng bộ cơ sở, trong đó: 4 cơ sở thành lập mới và 1 cơ sở tiếp nhận về từ Thị ủy Yên Bái. Các đảng bộ cơ sở cũng điều chỉnh, sắp xếp lại các chi bộ trực thuộc để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo công tác chuyên môn. Các ban chuyên môn của Đảng ủy tiếp tục được bổ sung chức năng, nhiệm vụ và tăng cường cán bộ, có đủ các chức danh lãnh đạo các Ban và Văn phòng Đảng ủy, cán bộ chuyên môn…

Cùng với việc điều chỉnh, sắp xếp lại các tổ chức cơ sở đảng, Ban Thường vụ Đảng ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn các cấp ủy cơ sở, đảm bảo ổn định, đủ số lượng, phát huy tác dụng tốt. Trong 2 năm, Đảng ủy đã bố trí thay thế 19 cấp ủy viên, trong đó có 2 Bí thư cơ sở. Năm 1988, có 27% số tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh, 65,4% đạt khá, 7,2% còn yếu kém. Chất lượng đội ngũ đảng viên có bước chuyển biến tốt thông qua cuộc vận động thực hiện Nghị quyết số 04 của Bộ Chính trị. Số đảng viên xếp loại tốt đạt 89%, đảng viên xếp loại yếu còn 9,7%, đảng viên bị xử lý kỷ luật chiếm 1,3%.

Trong 2 năm 1987 – 1988, Đảng bộ kết nạp được 125 đảng viên mới. Việc xem xét kết nạp đảng viên mới được gắn với việc rà soát, đánh giá, xem xét đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không đủ tư cách. Trong công tác phát triển đảng viên mới, nhiều chi, đảng bộ cơ sở như: Đảng bộ Sở Nông – Lâm nghiệp, Điện lực tỉnh, Sở Văn hóa – Thông tin, Bưu điện tỉnh, Đài Phát thanh – truyền hình… đã hướng trọng tâm vào đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý, nên chất lượng được nâng lên, kịp thời bổ sung lực lượng, đáp ứng yêu cầu kiện toàn các chi bộ.

Điểm nổi bật trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ trong những năm 1987 – 1988 là, Đảng bộ đã chú trọng đúng mức, làm tốt công tác quản lý và phân công nhiệm vụ cho đảng viên. Tập trung vào quản lý đảng viên về tư tưởng chính trị, quản lý công tác, sinh hoạt, phong cách, đạo đức đảng viên. Công tác phân công nhiệm vụ cho đảng viên đảm bảo sâu sát, cụ thể, phù hợp để nâng cao hiệu quả công tác và phát huy tốt vai trò đảng viên.

Công tác kiểm tra, thi hành kỷ luật được triển khai, hướng dẫn kịp thời. Trong 2 năm, Đảng ủy đã thực hiện kiểm tra 89 cơ sở đảng. Thông qua kiểm tra, Đảng ủy đã đánh giá thực chất hơn chất lượng tổ chức Đảng và đảng viên, phát hiện kịp thời những trường hợp vi phạm khuyết điểm, chỉ đạo xử lý kỷ luật 51 đảng viên, trong đó, khai trừ 12 đảng viên ra khỏi Đảng. Chỉ đạo giải quyết kịp thời 28 đơn thư tố cáo, 2 đơn thư khiếu nại đảm bảo đúng nguyên tắc.

Bên cạnh những cố gắng và thành tích đạt được, công tác xây dựng Đảng trong những năm 1987 – 1988 còn một số khuyết điểm. Đó là: công tác củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở Đảng chưa được coi trọng thường xuyên, chưa tạo ra bước chuyển biến thật mạnh mẽ nên hoạt động chưa đều. Vai trò lãnh đạo của một số chi, đảng bộ cơ sở còn yếu kém. Mối quan hệ công tác giữa cấp ủy và lãnh đạo cơ quan, công tác giáo dục, quản lý đảng viên, công tác kiểm tra Đảng và việc chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng ở một số chi, đảng bộ cơ sở chưa tốt. Một số đảng viên vi phạm chính sách, chế độ trong quản lý kinh tế chưa kịp thời chấn chỉnh, phát hiện.

Song song với lãnh đạo công tác xây dựng Đảng, Đảng ủy tập trung lãnh đạo các đoàn thể quần chúng. Thực hiện Nghị quyết số 15 của Tỉnh ủy, Đảng ủy chỉ đạo các chi, đảng bộ cơ sở coi trọng công tác kiện toàn, củng cố, động viên phong trào thi đua hành động cách mạng của tổ chức Đoàn Thanh niên. Đoàn Thanh niên các cơ quan tỉnh được lập lại vào ngày 14-7-1985. Sau hai năm đầu thành lập, tổ chức và hoạt động trong quá trình củng cố nên hoạt động chưa nề nếp và còn nhiều yếu kém. Kể từ sau đại hội các chi, đảng bộ cơ sở và Đại hội Đảng bộ các cơ quan tỉnh, tổ chức Đoàn Thanh niên cũng được chỉ đạo kiện toàn, đề ra phương hướng, nhiệm vụ… Do đó, từ giữa năm 1987, công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong các cơ quan tỉnh có bước phát triển mới; vai trò của tổ chức Đoàn trong các cơ quan tỉnh tiếp tục được phát huy hướng vào giáo dục tuổi trẻ nâng cao nhận thức chính trị, lập trường tư tưởng, phẩm chất, lối sống, ý thức trách nhiệm, tạo được các phong trào thi đua đảm nhận các công trình phần việc thanh niên, làm cho hoạt động của tổ chức Đoàn phong phú, sôi nổi, giàu sức sống và có ý nghĩa thiết thực, góp phần tích cực vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan.

Khi tái lập Đảng ủy các cơ quan tỉnh, tổ chức Công đoàn trong khối cơ quan, xí nghiệp, trường học, trạm trại của tỉnh vẫn trực thuộc Công đoàn thị xã Yên Bái. Trong điều kiện đặc thù như vậy, Đảng ủy các cơ quan tỉnh chỉ đạo các cấp ủy cơ sở làm tốt công tác phối hợp chỉ đạo củng cố, kiện toàn các tổ chức Công đoàn cơ sở, phân công đồng chí cấp ủy hoặc đảng viên phụ trách Công đoàn. Hướng hoạt động của Công đoàn vào việc động viên, giáo dục đội ngũ công nhân viên chức thi đua lao động sản xuất, tích cực chăn nuôi, gửi tiền tiết kiệm, mua công trái xây dựng Tổ quốc…, góp phần ổn định đời sống, phát triển sản xuất và hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn của các cơ quan.

Phong trào Thanh niên và Công đoàn trong những năm 1987 – 1988 có bước chuyển biến tích cực, tuy nhiên cũng còn tồn tại không ít khuyết điểm, nhất là công tác giáo dục chưa tạo được sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và nghĩa vụ của thanh niên trước yêu cầu, nhiệm vụ mới. Hoạt động chưa đi vào chiều sâu, nhiều nội dung còn mang tính hình thức, công tác phát triển Đảng trong thanh niên còn hạn chế. Vai trò của tổ chức Công đoàn cơ sở nói chung chưa thật sự rõ nét. Một số tổ chức Công đoàn cơ sở hoạt động chưa thường xuyên, chưa thể hiện rõ vai trò chức năng tổ chức, giáo dục, vận động công nhân viên chức trong bước chuyển của cách mạng sang cơ chế mới; còn nhiều biểu hiện bảo thủ trì trệ, trông chờ, ỷ lại, tư tưởng bao cấp còn khá nặng nề.

Quán triệt Chỉ thị số 37 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và chỉ đạo của Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn, từ ngày 23 đến 25-1-1989, Đại hội Đảng bộ các cơ quan tỉnh Hoàng Liên Sơn lần thứ II (khóa XII) được tổ chức. Tham dự Đại hội có 160 đại biểu, đại diện cho trên 2.000 đảng viên của 56 chi, đảng bộ cơ sở trực thuộc.

Đại hội đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ những năm (1989 – 1991) với nội dung cơ bản là: Phấn đấu làm chủ mặt trận tư tưởng, tiếp tục giáo dục, nâng cao nhận thức về quan điểm, đường lối đổi mới trong các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, cơ chế chính sách của Nhà nước và phương hướng nhiệm vụ, giảỉ pháp thực hiện của tỉnh… Đồng thời, đẩy mạnh việc giáo dục lý tưởng, phẩm chất cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giáo dục lối sống lành mạnh, tinh thần đoàn kết, tương trợ, cải tiến và đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức sinh hoạt đảng bộ, chi bộ, cấp ủy…; mở rộng dân chủ, chú trọng tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng. Tăng cường tiếp xúc, đối thoại với quần chúng. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác xây dựng Đảng.

Trong công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của các cơ quan, Đại hội nhấn mạnh: “Các đơn vị sản xuất kinh doanh phải tạo bước chuyển mạnh mẽ hơn nữa trong công cuộc đổi mới, trong chỉ đạo và thực hiện cơ chế hạch toán kinh doanh, khai thác tối đa phần vốn, vật tư, hàng hóa và tính năng công cụ thiết bị…; bảo đảm sản xuất kinh doanh có lãi, tăng mức sống và giao nộp ngân sách… phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch, cải thiện đời sống công nhân viên chức”.

Trong công tác xây dựng Đảng, Đại hội chỉ rõ: Rà soát, chấn chỉnh lại các tổ chức cơ sở Đảng cho phù hợp với tính chất, tên gọi và chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng bộ các cơ quan tỉnh. Xây dựng, sửa đổi, bổ sung qui chế hoạt động. Duy trì, cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng lãnh đạo và sinh hoạt Đảng, đảm bảo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Tăng cường mở rộng dân chủ, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động làm trong sạch đội ngũ, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên… làm tốt việc phân cấp nhiệm vụ và quản lý đảng viên. Đẩy mạnh công tác phát triển Đảng hướng vào cán bộ trẻ, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý có đủ tiêu chuẩn. Tăng cuờng công tác kiểm tra định kỳ và thường xuyên theo phương châm: kịp thời, chính xác, công minh, thỏa đáng…

Đối với công tác lãnh đạo đoàn thể, Đại hội chỉ rõ: Cấp ủy phải đề ra nhiệm vụ cụ thể và chế độ lãnh đạo công tác thanh niên, công tác công đoàn. Tăng cường giáo dục lý tưởng, phẩm chất, lối sống, nâng cao ý thức cách mạng cho đoàn viên, hội viên. Tổ chức Đoàn Thanh niên và Công đoàn trong các cơ quan phải đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt, hướng hoạt động đi vào chiều sâu, làm nòng cốt trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, tích cực tham gia xây dựng Đảng.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới, gồm 25 ủy viên. Đồng chí Lương Đức Thiện được bầu làm Bí thư, đồng chí Lương Thị Mới được bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy. Tiếp sau Đại hội Đảng bộ, tổ chức Công đoàn cũng được kiện toàn. Ngày 1-5-1989, thành lập Ban cán sự Công đoàn các cơ quan tỉnh, do đồng chí Bùi Xuân Cao làm Trưởng Ban. Đến 1-10-1992, tổ chức Công đoàn đổi tên thành Công đoàn các cơ quan tỉnh Yên Bái.

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, trong những năm 1987 – 1990, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tiếp tục ban hành các nghị quyết chuyên đề nhằm cụ thể hóa đường lối đổi mới của Đảng vào cuộc sống. Nghị quyết số 02 về giải quyết những vấn đề cấp bách trong phân phối lưu thông; Nghị quyết số 03 về chuyển hoạt động của các đơn vị kinh tế sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý trong nông nghiệp; Quyết định số 194 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức và hoạt động của các hợp tác xã mua bán… Các nghị quyết của Trung ương góp phần định hướng hoạt động trong công tác tham mưu, tổ chức, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan tỉnh.

Ngay sau Đại hội Đảng bộ Các cơ quan tỉnh lần 2 (khóa XII), Đảng ủy tiến hành triển khai đợt tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng trong toàn Đảng bộ nhằm khơi dậy ý chí cách mạng tiến công thực hiện đường lối đổi mới của Đảng cho toàn thể cán bộ, đảng viên, quần chúng trong Đảng bộ.

Quán triệt chỉ đạo của Đảng ủy, nhiều chi, đảng bộ cơ sở đã làm tốt việc bồi dưỡng lý luận chính trị và thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đảng bộ Sở Lao động – thương binh xã hội, Chi bộ Trọng tài Kinh tế tỉnh, Đảng bộ Sở Giao thông vận tải, Đảng bộ Trường Đảng tỉnh, Chi bộ Ban Tổ chức chính quyền tỉnh, Chi bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chi bộ Đài phát thanh, Chi bộ Sở Tư pháp, Đảng bộ Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Đảng bộ Văn phòng Tỉnh ủy… đã có nhiều hình thức sinh hoạt tuyên truyền, giáo dục chính trị phong phú cho cán bộ, đảng viên. Hằng tuần, vào chiều thứ 7, các chi bộ tập trung cán bộ, đảng viên, quần chúng toàn cơ quan để nghe thời sự chính sách, tình hình chính trị xã hội trong nước, quốc tế và các văn bản mới của Trung ương, của tỉnh. Tổ chức họp cơ quan, chi bộ để kiểm điểm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và phổ biến chương trình công tác gắn với quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Những kết quả đạt được trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng của Đảng bộ có tác động tích cực, làm chuyển biến nhận thức và công tác chuyên môn của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong các cơ quan tỉnh.

Đường lối đổi mới của Đảng đã từng bước được quán triệt, triển khai trong các cấp, các ngành. Đối với Khối cơ quan tỉnh, Đảng ủy xác định: Cơ sở để quán triệt, tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới ở Khối cơ quan tỉnh và trong toàn tỉnh là phải củng cố, xây dựng được các tổ chức Đảng trong cơ quan và đội ngũ cán bộ đảng viên vững mạnh, có đủ trình độ, năng lực và sức chiến đấu cao.

Với quan điểm tăng cường củng cố xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, xây dựng các cơ quan và đội ngũ cán bộ, đảng viên vững mạnh ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ mới, trong những năm 1988 – 1990, Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn đã chỉ đạo sắp xếp lại tổ chức, bộ máy của tỉnh theo Nghị quyết số 34 của Bộ Chính trị, Thông tri số 11 và Kế hoạch số 75 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tiến hành sắp xếp lại bộ máy của các cấp, các ngành theo yêu cầu đổi mới và phục vụ công cuộc đổi mới. Việc sắp xếp lại bộ máy được tiến hành 3 bước, theo nguyên tắc chỉ đạo chặt chẽ, hướng vào tinh giảm các đầu mối trung gian, cồng kềnh. Tỉnh Hoàng Liên Sơn được Trung ương chọn làm điểm chỉ đạo triển khai. Sau 2 năm tích cực thực hiện, toàn tỉnh đã giảm được 15 đầu mối các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, 58 phòng, ban thuộc sở, ban, ngành cấp tỉnh. Đến cuối năm 1990, toàn tỉnh còn 60 đầu mối cấp ngành do tỉnh quản lý.

Việc sắp xếp lại bộ máy, tổ chức trong toàn tỉnh đã giảm bớt sự cồng kềnh về tổ chức, sử dụng hợp lý hơn lực lượng cán bộ trong khu vực hành chính sự nghiệp, bổ sung lực lượng dư thừa cho các cơ sở sản xuất, sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, đoàn thể, các tổ chức kinh tế – xã hội, giảm bớt việc chi ngân sách thường xuyên để nuôi bộ máy.

Trong 3 năm (1988 – 1990), Đảng ủy Các cơ quan tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện sắp xếp lại tổ chức cơ sở Đảng, tiến hành phát thẻ đảng viên, trao tặng Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng cho 11 đảng viên. Đồng thời, chỉ đạo đổi mới chế độ sinh hoạt Đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng theo chuyên đề; kịp thời ngăn chặn và giải quyết những vấn đề phát sinh tiêu cực trong đơn vị… Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Đảng ủy các cơ quan tỉnh bàn giao 7 chi, đảng bộ cơ sở cho Thị ủy thị xã Yên Bái quản lý. Đến cuối năm 1990, Đảng bộ các cơ quan tỉnh Hoàng Liên Sơn còn 49 đầu mối chi, đảng bộ cơ sở trực thuộc, với tổng số 1.555 đảng viên.

Công tác đảng viên tiếp tục được Đảng ủy và các cấp ủy cơ sở quan tâm lãnh đạo. Việc đánh giá, nhận xét, bố trí sử dụng bảo đảm khách quan, hợp tình hợp lý. Công tác quản lý đảng viên tập trung quản lý tư tưởng, phẩm chất, phong cách, ý thức, tinh thần trách nhiệm. Kết quả phân tích chất lượng đảng viên năm 1990, số đảng viên phẩm chất tốt đạt 88%, số đảng viên phẩm chất chưa tốt còn 12%, trong đó có 4,4% số đảng viên vi phạm phải xem xét xử lý kỷ luật.

Công tác phát triển Đảng tiếp tục được quan tâm. Trong 2 năm, toàn Đảng bộ đã kết nạp 133 đảng viên mới. Đi đôi với công tác phát triển đảng viên mới, các cấp ủy coi trọng công tác kiểm tra gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 59 của Ban Bí thư, Quyết định số 240 của Hội đồng Bộ trưởng, Nghị quyết số 04 của Bộ Chính trị. Đến tháng 9-1991, tất cả các chi, đảng bộ cơ sở thuộc Đảng bộ các cơ quan tỉnh đã thực hiện xong việc kiểm tra đảng viên chấp hành Điều lệ Đảng, trong đó, có 5 chi, đảng bộ phải tiến hành kiểm tra lần hai.

Qua kiểm tra, Ủy ban kiểm tra kết luận: 1.422/1.555 đảng viên chấp hành tốt Điều lệ đảng, 133 đảng viên chấp hành chưa tốt, trong đó, có 57 đảng viên vi phạm khuyết điểm. Trong 2 năm 1988-1990, Đảng bộ đã xử lý kỷ luật 45 trường hợp đảng viên vi phạm khuyết điểm, trong đó khai trừ ra khỏi Đảng 14 đảng viên.

Do những nguyên nhân khách quan, chủ quan trong quá trình tiếp nhận phương thức quản lý kinh tế mới còn nhiều mới mẻ, bỡ ngỡ nên nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý mắc phải khuyết điểm phải xử lý kỷ luật. Ở Văn phòng Đảng ủy các cơ quan tỉnh, do “vi phạm nguyên tắc quản lý kinh tế, tài chính, gây thất thoát tiền của cơ quan”, đồng chí Lương Đức Thiện, Bí thư Đảng ủy, đồng chí Lương Thị Mới, Phó Bí thư Đảng ủy; đồng chí Nguyễn Văn Thông, Chánh Văn phòng Đảng ủy bị kỷ luật. Để tiếp tục lãnh đạo công tác của Đảng bộ, Tỉnh ủy đã kịp thời kiện toàn bộ máy lãnh đạo Đảng ủy, điều động, bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Công Hoành, Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy về làm Bí thư Đảng ủy, điều động bổ nhiệm đồng chí Bùi Đức Tài, chuyên viên Ban Tổ chức Tỉnh ủy làm Phó Bí thư Đảng ủy.

Như vậy, bước vào thời kỳ đổi mới, bên cạnh những kết quả đạt được, đến những năm 90 của thế kỷ XX, công tác lãnh đạo của Đảng ủy đã bộc lộ những hạn chế khuyết điểm: Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy chưa kịp thời làm rõ chức năng, nhiệm vụ cụ thể về trách nhiệm lãnh đạo của mình trong tình hình có nhiều tổ chức cơ sở Đảng thuộc các cơ quan có nhiệm vụ chuyên môn khác nhau. Việc củng cố, kiện toàn, sắp xếp, bố trí cán bộ các Ban chuyên môn của Đảng ủy đã được thực hiện nhưng chất lượng tham mưu, giúp việc cho Ban Chấp hành, Ban Thường vụ còn hạn chế. Vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở Đảng còn yếu (đến năm 1990, vẫn còn tổ chức cơ sở Đảng xếp loại yếu kém). Chế độ sinh hoạt chi bộ, cấp ủy ở một số tổ chức cơ sở Đảng chưa đi vào nề nếp. Công tác quản lý đảng viên còn yếu kém. Công tác phát triển đảng viên mới còn chậm và chưa đều, nhiều tổ chức cơ sở Đảng chưa phát triển được đảng viên mới. Công tác kiểm tra chưa phát huy tốt vai trò trong ngăn ngừa đảng viên vi phạm khuyết điểm. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng đã được quan tâm đúng mức, thực hiện khá thường xuyên nhưng do tác động của mặt trái cơ chế thị trường nên hiệu quả giáo dục còn nhiều hạn chế. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn tới không ít cán bộ đảng viên sút kém về tinh thần cách mạng tiến công và ý thức gương mẫu trách nhiệm, rơi vào tình trạng làm việc theo kiểu trung bình chủ nghĩa, thiếu lòng tin. Thậm chí một bộ phận cán bộ đảng viên trong Đảng bộ có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, sa vào lối sống thực dụng, cá nhân chủ nghĩa… Hoạt động của các đoàn thể Công đoàn và Đoàn Thanh niên cũng không tránh khỏi những hạn chế, thể hiện ở chỗ, tổ chức sinh hoạt không đều, nội dung hình thức, kém hiệu quả.

*

*        *

Những yếu kém khuyết điểm của Đảng bộ nằm trong bối cảnh chung của tỉnh và đất nước trong cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội. Đường lối đổi mới đã phát huy tác dụng song đang phải đấu tranh quyết liệt với thói quen, cách nghĩ, cách làm cũ. Mặt khác trong điều kiện của tỉnh Hoàng Liên Sơn địa bàn rộng, giao thông khó khăn, trình độ dân trí thấp, cơ cấu dân số, dân tộc phức tạp… cộng với sự phá hoại của các thế lực thù địch đã làm cho công tác lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh nói chung và của Đảng bộ các cơ quan tỉnh trở nên quá tải và bất cập. Tình hình trên đặt ra yêu cầu chia tách tỉnh, chia tách Đảng bộ để có sự quản lý phù hợp là yêu cầu tất yếu khách quan để Đảng bộ khắc phục khó khăn, khuyết điểm, tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo Khối cơ quan tỉnh thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng.

Thiết kế bởi VNPT