Chuyển mọi hoạt động sang thời chiến, góp phần đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ (1965-1968)

Trong khi công cuộc xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa đang diễn ra sôi nổi và đạt được những thành tựu quan trọng, cuộc đấu tranh của quân dân miền Nam có bước phát triển mới, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ có nguy cơ thất bại hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, Mỹ ồ ạt đổ quân viễn chinh tiến hành “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, đồng thời, dựng lên sự kiện “Vịnh Bắc bộ” lấy cớ để tiến hành mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc, hòng ngăn chặn sự chi viện mọi mặt của hậu phương với tiền tuyến và làm lung lay ý chí sắt đá chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam, phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Bước leo thang quân sự mới của đế quốc Mỹ là một thử thách gay gắt với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Nhận rõ âm mưu của đế quốc Mỹ, ngay từ tháng 3-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì Hội nghị chính trị đặc biệt, khẳng định quyết tâm và ý chí của toàn thể dân tộc Việt Nam sẵn sàng chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược. Tiếp đó, Hội nghị lần thứ 11 (tháng 3-1965), Ban chấp hành Trung ương Đảng, đề ra chủ trương chuyển hướng các hoạt động kinh tế – xã hội của miền Bắc từ thời bình sang thời chiến, chuẩn bị sẵn sàng đối phó và đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, xây dựng miền Bắc thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Cùng với quân dân miền Bắc, Đảng bộ tỉnh Yên Bái lãnh đạo quân dân trong tỉnh nhanh chóng thực hiện chủ trương chuyển hướng các hoạt động kinh tế – xã hội, xây dựng lực lượng, sẵn sàng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của địch, tiếp tục động viên tư tưởng và chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến.

Để tiếp tục củng cố, kiện toàn các mặt công tác của Đảng bộ, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo khối cơ quan tỉnh trong tình hình mới, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, từ ngày 26 đến 27-1-1965, Đảng bộ Chính dân Đảng tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ V. Dự Đại hội có 109 đại biểu, đại diện cho 749 đảng viên của 25 chi bộ cơ sở. Đại hội chủ trương đặt công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác giáo dục động viên tư tưởng chính trị nói riêng thành một khâu then chốt trong mọi hoạt động của Đảng bộ nhằm tập trung phục vụ cao nhất cho sản xuất, công tác và chiến đấu.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới, gồm 7 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Tiến Đạt, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy tiếp tục được bầu kiêm chức Bí thư Đảng ủy; đồng chí, Hà Quang Nhân, Thư ký Liên hiệp Công đoàn tỉnh tiếp tục được bầu kiêm chức Phó Bí thư Đảng ủy.

Thực hiện Nghị quyết của Đại hội, Đảng ủy chỉ đạo các chi bộ cơ sở khẩn trương tổ chức học tập và triển khai tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và Tỉnh ủy về chuyển hướng công tác, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Xác định rõ nhiệm vụ sản xuất, công tác phải gắn chặt với nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu trở thành nhiệm vụ cơ bản, lâu dài. Đồng thời, động viên cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần phục vụ nhiệm vụ trung tâm và những công tác cấp bách của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, bảo đảm giữ vững sản xuất, công tác, tăng cường tổ chức phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu thắng lợi. Đảng ủy chỉ đạo các chi bộ cơ sở triển khai nhiều hình thức sinh hoạt chính trị như nói chuyện thời sự, triển lãm tranh cổ động, phát thanh thông tin về cách mạng miền Nam, tổ chức mít tinh chống Mỹ và tay sai, học tập kinh nghiệm chiến đấu của các tỉnh bạn… Nhờ đó, nhận thức tư tưởng của cán bộ, đảng viên cũng như kết quả các mặt công tác của Đảng bộ có bước chuyển biến rõ rệt.

Trong những tháng cuối năm 1964, đầu năm 1965, không khí khẩn trương, sôi động, tinh thần sẵn sàng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đã bừng lên khắp các cơ quan. Các biểu hiện chủ quan, ảo tưởng hòa bình được đẩy lùi. Mọi cán bộ, đảng viên đều nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong thời điểm bước ngoặt để sẵn sàng cùng quân dân trong tỉnh chuẩn bị đương đầu với kẻ thù hung bạo trong cuộc chiến tranh chính nghĩa để bảo vệ quê hương, bảo vệ thành quả cách mạng. Nề nếp sinh hoạt, tác phong công tác trong các cơ quan ngày càng khẩn trương, ngăn nắp. Hồ sơ tài liệu được sắp xếp, cất giấu gọn gàng. Các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp đều có hầm tránh bom đạn, có phương tiện báo động và có phương án bảo vệ người, tài sản, tài liệu khi bị địch oanh tạc. Tất cả cán bộ các cơ quan đều tham gia tự vệ và thực hiện quân sự hóa, được trang bị vũ khí và bố trí trực chiến suốt đêm, ngày. Các cơ quan quân sự, công an, tham mưu, chỉ đạo xây dựng các trận địa pháo phòng không ở các khu vực trọng điểm. Tất cả các cơ quan đều xây dựng phương án sẵn sàng sơ tán ra khỏi thị xã, về các vùng nông thôn để phòng tránh thiệt hại, vừa đảm bảo công tác, vừa đảm bảo nhiệm vụ chỉ đạo, chiến đấu, phục vụ chiến đấu khi chiến sự xảy ra… Chỉ trong thời gian ngắn, Đảng ủy Chính dân Đảng tỉnh đã bám sát chủ trương của Trung ương và Tỉnh ủy, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tỉnh cơ bản hoàn thành nhiệm vụ chuyển hướng công tác từ thời bình sang thời chiến. Công tác chuẩn bị mọi mặt đã đạt ở mức cao nhất, bảo đảm cho Đảng bộ giữ vững vai trò lãnh đạo, làm tốt công tác tham mưu, tổ chức, chỉ đạo quân dân trong tỉnh và cùng quân dân trong tỉnh chủ động, kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.

Ngày 15-6-1965, không quân Mỹ bắt đầu đánh phá Nghĩa Lộ. Ngày 9-7-1965, chúng tiếp tục đánh phá Yên Bái. Thị xã Yên Bái và thị trấn Nghĩa Lộ là những trọng điểm hủy diệt của đế quốc Mỹ, với tần suất cao, có lần liên tục 2 giờ liền. Đế quốc Mỹ điên cuồng trút bom đạn xuống các trường học, bệnh viện, nhà ga, đường sắt, sân bay, cầu phà và các công sở, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.

Căn cứ vào tình hình thực tiễn và nhiệm vụ được Hội nghị Trung ương lần thứ 11, 12 (khóa III) đề ra, Tỉnh ủy Yên Bái đã nhanh chóng chỉ đạo chuyển hướng mọi hoạt động kinh tế – xã hội sang điều kiện có chiến tranh. Các cơ sở kinh tế, trường học, bệnh viện được phân tán về các vùng nông thôn để tiếp tục học tập, sản xuất. Chính quyền các cấp lập kế hoạch sơ tán dân khỏi những khu vực trọng điểm…

Với tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”, quân dân các dân tộc hai tỉnh Yên Bái và Nghĩa Lộ đã anh dũng chiến đấu giành thắng lợi. Ngày 10-7-1965, lực lượng phòng không thị xã bắn cháy 2 máy bay F105. Phát huy thắng lợi, hàng loạt trận địa phòng không của quân dân các địa phương, các nhà máy, xí nghiệp trong tỉnh hừng hực khí thế quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ. Trong 4 năm (1965 – 1968), quân dân Yên Bái, Nghĩa Lộ hợp đồng tác chiến cùng các đơn vị phòng không của bộ đội chủ lực bắn rơi 99 máy bay các loại, bắt sống nhiều giặc lái Mỹ.

Do làm tốt công tác động viên tư tưởng chính trị, chuẩn bị tốt các phương án chuyển mọi hoạt động của Đảng bộ từ thời bình sang thời chiến, nên khi chiến tranh xảy ra, Đảng bộ đã bình tĩnh, chủ động lãnh đạo các chi bộ cơ quan động viên toàn thể cán bộ, đảng viên, đội ngũ công nhân viên chức bất chấp gian khổ, nguy hiểm, hàng tháng trời liên tục bám trận địa trực chiến, dũng cảm chiến đấu đánh trả máy bay địch. Các cơ quan nhanh chóng tiến hành chấn chỉnh bộ máy theo hướng phân tán, gọn nhẹ, duy trì tốt lề lối làm việc, tác phong “quân sự hóa”. Hàng trăm cán bộ, đảng viên tự nguyện ghi tên đăng ký sẵn sàng nhập ngũ, xung phong đi làm công sự cho trận địa pháo, giúp dân sơ tán và thu hoạch lúa, rau, hoa mầu…

Thực hiện chủ trương và sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Đảng ủy Chính dân Đảng tập trung chỉ đạo khẩn trương sơ tán triệt để các cơ quan tỉnh về nơi qui định. Đến tháng 6-1965, toàn bộ cơ quan tỉnh đã sơ tán ra khỏi thị xã, cơ quan Tỉnh ủy sơ tán về hang Mông Sơn (gọi là hang Tỉnh ủy) để lãnh đạo cuộc kháng chiến. Các cơ quan khác phân tán ở nhiều nơi thuộc huyện Trấn Yên và Yên Bình. Các cơ quan, đơn vị thực hiện sơ tán đến đâu đều đào hầm, hào đến đó, phối hợp với địa phương làm tốt công tác bảo mật phòng gian, bảo đảm an toàn cơ quan. Đối với những cán bộ có gia đình ở thị xã, Đảng ủy chỉ đạo nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương sơ tán để ổn định gia đình, yên tâm công tác.

Sự chỉ đạo kiên quyết của Đảng ủy Chính dân Đảng và các chi bộ cơ quan trong công tác phòng không sơ tán, thể hiện ý thức triệt để chấp hành chủ trương của Tỉnh ủy, thể hiện tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và quan điểm kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ sản xuất, công tác với nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Cuộc sơ tán khẩn trương, qui mô lớn đã tác động mạnh đến các mặt công tác của cơ quan và tình hình sản xuất, đời sống của các địa phương nơi sơ tán. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, đến quí III năm 1965, các cơ quan đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ và chuyển hướng hoạt động sang thời chiến, dần đi vào ổn định, thích ứng với hoàn cảnh chiến tranh. Từ đây, các cơ quan cơ bản được chia thành hai bộ phận, bộ phận chính ở nơi sơ tán, được chia thành nhiều tổ nhỏ ở nhờ trong nhà dân hoặc dựng lán trại ở nơi kín đáo. Một bộ phận nhỏ ở lại cơ quan cũ tại thị xã làm nhiệm vụ bảo vệ cơ quan và tham gia trực chiến.

Trong điều kiện sơ tán về nông thôn, các cơ quan tỉnh phân tán ở nhiều địa bàn, liên lạc gặp nhiều khó khăn, chiến tranh đánh phá của địch ngày càng ác liệt. Trong khi đó, một bộ phận lớn cán bộ đảng viên các cơ quan Chính dân Đảng phải thường xuyên lưu động bám sát, chỉ đạo cơ sở, nhất là những công tác trọng tâm, những trọng điểm xung yếu hoặc luân phiên trực bảo vệ cơ quan, trực chiến đấu ở thị xã… Hoạt động của Đảng bộ Chính dân Đảng gặp nhiều khó khăn. Công tác giáo dục quản lý đảng viên chủ yếu là động viên đề cao tinh thần gương mẫu, ý thức tự giác của mỗi người. Công tác sinh hoạt Đảng từ Đảng ủy đến các chi bộ cơ sở chủ yếu vào ban đêm hoặc trong hầm trú ẩn…

Vượt lên trên tất cả những khó khăn của khói lửa chiến tranh, Đảng bộ Chính dân Đảng luôn vững vàng, phát huy tốt vai trò công tác tham mưu, thực hiện tốt nhiệm vụ chỉ đạo các mặt công tác của địa phương.

Các chi bộ trong cơ quan Đảng, Chính quyền tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh các chủ trương, biện pháp chỉ đạo chuyển hướng mọi hoạt động của tỉnh từ thời bình sang thời chiến khẩn trương, kịp thời theo đúng tinh thần Nghị quyết 11 và Nghị quyết 12 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa III. Vừa bảo đảm ổn định sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu, chủ động phòng chống địch đánh phá, do đó, đã hạn chế được thiệt hại về người và tài sản khi chiến tranh xảy ra.

Các chi bộ trong khối nội chính làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy các phương án phòng không, sơ tán, tổ chức, huấn luyện lực lượng vũ trang địa phương. Chủ động đánh thắng địch, bảo vệ sản xuất, bảo vệ nhân dân. Làm tốt công tác động viên tuyển quân, xây dựng các tiểu đoàn Yên Ninh vào Nam chiến đấu, huy động dân quân, thanh niên để phục vụ tiền tuyến… Xuất phát từ yêu cầu tăng cường xây dựng tổ chức Đảng trong lực lượng Công an và Quân đội, bảo đảm công tác lãnh đạo tập trung phục vụ nhiệm vụ chính trị trọng tâm đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Tháng 6-1966, Tỉnh ủy ra Quyết định tách tổ chức Đảng của Ty Công an và Tỉnh đội ra khỏi Đảng ủy Chính dân Đảng để thành lập Đảng bộ Công an và Đảng bộ Quân sự tỉnh, trực thuộc Tỉnh ủy.

Các chi bộ cơ quan khối kinh tế tập trung tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh các phương án đảm bảo sản xuất trong điều kiện thời chiến, đồng thời tích cực cử cán bộ về các địa phương, cơ sở, nhà máy, xí nghiệp chỉ đạo sản xuất.

Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, mọi hoạt động sản xuất vẫn được duy trì. Trên mặt trận nông nghiệp, các xã viên “tay cày, tay súng” bám ruộng đồng để sản xuất. Những cánh đồng “thâm canh thắng Mỹ”, “5 tấn thắng Mỹ” ngày càng nhiều, năng suất lúa và hoa mầu không ngừng tăng lên. Năm 1968, tổng sản lượng lương thực qui thóc của Yên Bái và Nghĩa Lộ đạt 82.129 tấn[1], hợp tác xã Cao Đa (Bắc Yên) được công nhận điển hình về năng suất lúa và chăn nuôi của các tỉnh miền núi. Sản xuất lương thực không những đáp ứng nhu cầu tại chỗ mà còn đóng góp hàng ngàn tấn gửi vào tiền tuyến lớn miền Nam.

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương trong điều kiện phân tán, sơ tán, nguyên, nhiên vật liệu thiếu và không đồng bộ nhưng đội ngũ công nhân vẫn “tay búa, tay súng”, sản xuất nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, bước đầu thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ hậu cần tại chỗ.

Mạng lưới giao thông bị đánh phá liên tục. Với tinh thần “địch phá ta sửa ta đi”, tỉnh đã huy động hàng chục ngàn lượt thanh niên xung phong cùng với các đơn vị công binh và cán bộ, công nhân giao thông ngày đêm rà phá bom đạn, san lấp hố bom, sửa chữa cầu phà đảm bảo giao thông luôn thông suốt phục vụ sản xuất và chiến đấu.

Ngoài mạng lưới điện thoại, điện báo có từ trước, toàn tỉnh đã xây dựng thêm 203 km đường dây nối với các vùng trọng điểm, phục vụ yêu cầu sản xuất và chỉ huy chiến đấu.

Trong điều kiện chiến tranh, sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế vẫn được duy trì và phát triển. Phong trào “tiếng hát át tiếng bom” vang xa trên đồng ruộng, công trường, xưởng máy. Nhiều đội văn nghệ quần chúng của các huyện và tỉnh đội thường xuyên đến phục vụ chiến sĩ tại trận địa, phục vụ đồng bào tại các bản làng vùng cao, góp phần cổ vũ tinh thần dũng cảm chiến đấu và lao động sản xuất.

Công tác giáo dục – đào tạo có sự chuyển biến mới. Số học sinh, cấp học, ngành học đều tăng. Bên cạnh giáo dục phổ thông, nhiều lớp học bình dân học vụ xóa mù chữ tiếp tục được mở, thu hút nhiều người đi học, trong đó có cả học viên dân tộc ít người. Tỉnh còn cử nhiều cán bộ đi học các lớp văn hóa, nghiệp vụ kỹ thuật ở trong nước và nước ngoài. Ngành Y tế đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chiến đấu và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Phong trào vệ sinh phòng bệnh tiếp tục được duy trì.

Các chi bộ khối Mặt trận và đoàn thể tỉnh cử cán bộ, đảng viên lăn lộn xây dựng phong trào cơ sở. Toàn tỉnh bừng bừng khí thế thi đua cùng với các đoàn thể, các giới, đoàn viên, hội viên hướng vào công tác, sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu thắng lợi. Mặt trận Tổ quốc có phong trào “Tuổi cao, trí càng cao”, Phong trào “Bạch đầu quân”, Đoàn Thanh niên phất cao ngọn cờ thi đua “Ba sẵn sàng”, Hội phụ nữ nở rộ phong trào “Ba đảm đang”, “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, thiếu niên nhi đồng có nhiều hoạt động thiết thực trong các phong trào “Nghìn việc tốt”, “Em yêu quý bộ đội”, “Căm thù giặc Mỹ”, “Trâu là bạn quí, Mỹ là kẻ thù”… Thông qua các phong trào thi đua sôi nổi, Mặt trận và các đoàn thể đã góp phần to lớn xây dựng khối đại đoàn kết nhân dân, động viên cao độ mọi lực lượng của toàn dân thi đua thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ của tỉnh.

Để tiếp tục kiện toàn tổ chức của Đảng bộ, bảo đảm cho Đảng bộ lớn mạnh ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ tham mưu và chỉ đạo chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, từ ngày 8 đến 9-11-1966, Đảng bộ Chính dân Đảng tiến hành Đại hội lần thứ VI. Về dự Đại hội có 115 đại biểu, đại diện cho 600 đảng viên của 27 chi bộ cơ sở trực thuộc Đảng ủy. Quán triệt những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, Đại hội đề ra những nhiệm vụ cụ thể cho toàn Đảng bộ: Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, động viên làm tốt công tác chuyên môn; chiến đấu giỏi, phòng tránh tốt, hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất, chấp hành tốt các chính sách, quan tâm tổ chức tốt đời sống cán bộ, công nhân viên, xây dựng Đảng bộ vững mạnh về mọi mặt, quyết định cho mọi thành công; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo cải tiến phương pháp công tác…

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới gồm 7 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Tiến Đạt, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy tiếp tục được bầu kiêm chức Bí thư Đảng ủy; đồng chí Hà Quang Nhân, Thư ký Liên hiệp Công đoàn tỉnh tiếp tục được bầu kiêm chức Phó Bí thư Đảng ủy.

Như vậy, thông qua lãnh đạo đội ngũ cán bộ, đảng viên thuộc các cơ quan tỉnh tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, trong những thời điểm cam go, khó khăn nhất, Đảng bộ Chính dân Đảng vẫn tiếp tục được kiện toàn, củng cố tổ chức, tiếp tục trưởng thành vững chắc trong tìm tòi, xác định mô hình và tìm ra phương thức hoạt động phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Một số chi bộ (Chi bộ Ty Công an, Chi bộ Tỉnh đội) được tách ra để thành lập Đảng bộ mới, trực thuộc Tỉnh ủy. Bộ máy tổ chức cũng được kiện toàn thêm một bước. Ngoài đồng chí cán bộ chuyên trách văn phòng và đồng chí cán bộ chuyên trách giúp việc cho Ban Chấp hành, Ban Thường vụ khâu nối các mặt công tác chuyên môn của Đảng ủy, kể từ sau Đại hội lần thứ VI, Tỉnh ủy đã cử đồng chí Hà Quang Nhân, Phó Bí thư Đảng ủy bán chuyên trách thường trực chỉ đạo giải quyết công tác hàng ngày của Đảng bộ. Đến tháng 10-1967, Tỉnh ủy điều động bổ nhiệm đồng chí Hà Quang Nhân là Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy phụ trách công tác lâm trường, xí nghiệp và làm Bí thư Đảng ủy Chính dân Đảng thay đồng chí Nguyễn Tiến Đạt. Hình thành cơ quan văn phòng Đảng ủy và các bộ phận chuyên môn, Kiểm tra, Tổ chức, Tuyên giáo, các đoàn thể thanh niên, công đoàn, mỗi bộ phận và đoàn thể có một cán bộ chuyên trách hoặc bán chuyên trách theo dõi, giúp việc cho Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Đảng ủy. Trụ sở Văn phòng Đảng ủy, ngoài phòng làm việc trong Ban Tổ chức Tỉnh ủy đặt tại thị xã Yên Bái còn có thêm Văn phòng ở nơi sơ tán (tại xã Đại Đồng huyện Yên Bình). Đảng bộ Chính dân Đảng được kiện toàn, củng cố, có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong việc xây dựng Đảng bộ tỉnh trưởng thành, phát triển vững chắc. Số chi bộ “4 tốt” tăng gần gấp đôi, đảng viên được kết nạp chiếm tới 3% dân số toàn tỉnh. Đảng bộ và các cấp chính quyền, mặt trận vững vàng vượt qua thử thách, đủ bản lĩnh và năng lực lãnh đạo quân và dân toàn tỉnh vừa sản xuất tốt, vừa chiến đấu thắng lợi trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ[2], góp phần xứng đáng cùng quân dân cả nước đánh bại ý chí xâm lược, buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm ở Pa-ri và tuyên bố ném bom hạn chế miền Bắc, mở ra điều kiện và khả năng mới để tiếp tục đưa cách mạng cả nước tiến lên.

[1] Từ năm 1966, tổng sản lượng lương thực của tỉnh giảm do mất một số diện tích lớn vào hồ nước thủy điện Thác Bà.

[2] Chỉ riêng ở Yên Bái, Mỹ đã huy động 3.396 lượt máy bay đánh phá 604 mục tiêu với 17.953 quả bom phá, 866 bom nổ chậm, 96 bom từ trường, 33 bom lân tinh, 197.960 bom bi, bắn 302 quả tên lửa, 18.601 quả rốc két, 633 lần đạn 20mm, phá sập 50 cầu, phá hủy hầu hết các nhà ga và trên 50km đường sắt bị cắt đoạn, làm chết và bị thương hàng nghìn dân thường. (Số liệu của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Yên Bái).

Thiết kế bởi VNPT