Đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đại hội toàn quốc lần thứ III và chủ trương của Đảng bộ tỉnh Yên Bái

Thắng lợi của công cuộc khôi phục, cải tạo, phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội đã đặt nền móng để miền Bắc bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Việt Nam đang tiến lên trong giai đoạn mới, đòi hỏi Đảng phải đề ra đường lối chiến lược, bước đi, đáp ứng yêu cầu mới của đất nước.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng được tiến hành tháng 9-1960 tại Hà Nội. Trong lời khai mạc Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đại hội này là Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà”. Về xây dựng chủ nghĩa xã hội miền Bắc, Đại hội đã thông qua kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 – 1965). Đây là sự cụ thể hóa đường lối xây dựng kinh tế của Đảng trong những năm đầu của thời kỳ quá độ tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đối với các tỉnh miền núi, Đại hội đề ra mục tiêu phấn đấu là làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, các dân tộc thiểu số tiến kịp các dân tộc đa số.

Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, Đảng bộ tỉnh Yên Bái tiến hành Đại hội lần thứ IV (từ ngày 20-1 đến 30-1-1961). Đại hội đã đề ra những nhiệm vụ chính trị cho toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, nhằm hòa nhịp cùng nhân dân miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội làm hậu phương lớn cho cuộc đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà. Đại hội nêu rõ 6 nhiệm vụ lớn: Đẩy mạnh phát triển cây lương thực, tăng cường phát triển các hợp tác xã nông nghiệp; coi trọng phát triển công nghiệp, tiểu công nghiệp và giao thông vận tải, tăng cường thương nghiệp quốc doanh xã hội chủ nghĩa; nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho nhân dân, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và công nhân lành nghề; tăng cường công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng, kiên quyết trấn áp các hành động phá hoại cách mạng.

Ngày 27-10-1962, tỉnh Nghĩa Lộ được thành lập, bao gồm các huyện Văn Chấn, Than Uyên, Phù Yên và Mù Cang Chải. Về công tác Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Quyết định thành lập Đảng bộ tỉnh Nghĩa Lộ, đồng thời, chỉ đạo tiến hành Đại hội Đảng bộ lần thứ I vào tháng 10-1963, đề ra nhiệm vụ cho Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Tiếp đó, Tỉnh ủy Nghĩa Lộ ra Nghị quyết thành lập Đảng ủy Khối kinh tế tỉnh Nghĩa Lộ, làm nhiệm vụ tham mưu và giúp cho Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

Thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái và Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghĩa Lộ thể hiện sự tập trung trí tuệ và truyền thống đoàn kết nhất trí của Đảng bộ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng. Đồng thời, xác định rõ mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ để các cấp ủy Đảng, các cấp, các ngành trong tỉnh quán triệt, tổ chức thực hiện, đưa sự nghiệp cách mạng của 2 tỉnh tiến lên giành những thắng lợi mới.

Bước vào thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 – 1965), Đảng bộ Chính dân Đảng có những thuận lợi căn bản. Các chi bộ đã được củng cố, kiện toàn thông qua đại hội cơ sở, có thêm kinh nghiệm trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và chỉ đạo cơ sở. 100% số cơ quan đã có chi bộ độc lập đảm bảo sự lãnh đạo tập trung, thống nhất. Đội ngũ đảng viên được phát triển thông qua các “lớp 6-1”, đưa đảng số toàn Đảng bộ lên 531 đảng viên sinh hoạt trong 26 chi bộ, thực sự là những hạt nhân lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ.

Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV, từ ngày 8 đến ngày 9-1-1962, Đảng bộ Chính dân Đảng tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ IV. Dự đại hội có 104 đại biểu, thuộc 26 chi bộ cơ sở, thay mặt cho hơn 500 đồng chí đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội đã thảo luận, kiểm điểm công tác lãnh đạo công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội 3 năm (1958 – 1960), kiểm điểm công tác xây dựng Đảng; đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV. Nghị quyết Đại hội nêu rõ: “nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà là rất nặng nề và khó khăn… các chi bộ và các cán bộ, đảng viên cần đoàn kết, nhất trí, gương mẫu, thi đua hoàn thành thật tốt…,[1]. Đại hội bầu Ban Chấp hành khóa mới, gồm 7 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Tiến Đạt, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy được bầu kiêm chức Bí thư Đảng ủy (thay đồng chí Bùi Xuân chuyển công tác về Ban Tổ chức Trung ương Đảng); đồng chí Hà Quang Nhân, Thư ký Liên hiệp Công đoàn tỉnh Yên Bái được bầu kiêm chức Phó Bí thư Đảng bộ. 

Văn phòng Đảng ủy được thành lập, với 2 biên chế cán bộ chuyên trách. Một đồng chí làm công tác Văn phòng, tiếp nhận công văn lưu trữ tài liệu, một đồng chí theo dõi công tác đảng vụ, làm nhiệm vụ khâu nối hoạt động của các đồng chí trong Ban Chấp hành và các Ban Xây dựng Đảng tỉnh, giúp việc cho Đảng ủy. Việc từng bước hình thành Văn phòng cấp ủy có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định đúng vai trò, vị trí của Đảng bộ Chính dân Đảng, tạo điều kiện cho sự phát triển của Đảng bộ sau này.

[1] Trích Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Chính dân Đảng lần thứ IV, lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy. Hồ sơ năm 1962.

Thiết kế bởi VNPT