Tham gia khôi phục kinh tế, thực hiện nhiệm vụ hậu phương, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ (1968-1972)

Bị thất bại nặng nề ở cả 2 miền Nam – Bắc, trước sức ép của nhân dân tiến bộ Mỹ và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, ngày 01-11-1968, Tổng thống Mỹ Giôn Xơn buộc phải tuyên bố chấm dứt chiến tranh phá hoại và nối lại cuộc đàm phán ở Pa-ri để giải quyết cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Cùng với toàn miền Bắc, tỉnh Yên Bái chuyển sang thời kỳ tạm thời có hòa bình, tranh thủ khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định cuộc sống mọi mặt của nhân dân; đồng thời, sẵn sàng chiến đấu, tăng cường chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến.

Từ ngày 20 đến 21-9-1968, Đảng bộ Chính dân Đảng tiến hành Đại hội lần thứ VII. Báo cáo trình bày trước Đại hội đã đánh giá kết quả và tình hình công tác tham mưu, giúp việc cho Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh chỉ đạo sản xuất, chiến đấu, công tác xây dựng Đảng, củng cố chính quyền và các đoàn thể quần chúng của tỉnh trong nhiệm kỳ khóa VI và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho những năm tiếp theo. Báo cáo nhấn mạnh: Phát huy vai trò các tổ chức cơ sở Đảng, Đảng bộ Dân chính Đảng đã làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy chỉ đạo nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, đưa các cơ quan và nhân dân từ nơi sơ tán trở về thị xã tỉnh lỵ; tiếp tục nhiệm vụ sản xuất, học tập và công tác; tăng cường khả năng quốc phòng, sẵn sàng đối phó với tình hình mới, tích cực động viên sức người sức của cho chiến trường miền Nam…

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới, gồm 7 đồng chí. Đồng chí Hà Quang Nhân, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy được Đại hội bầu kiêm nhiệm Bí thư Đảng ủy Chính dân Đảng tỉnh; đồng chí Nguyễn Tư Bưởi, cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy được bầu làm Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, chuyên trách điều hành các mặt công tác hàng ngày của Đảng ủy Chính dân Đảng[1].

Tháng 3-1969, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết khẳng định, khi miền Nam chưa hoàn toàn giải phóng, cuộc đọ sức giữa ta và đế quốc Mỹ tiếp tục diễn ra quyết liệt thì miền Bắc chưa thể có hòa bình thực sự, phải chớp lấy cơ hội, tranh thủ thời gian khôi phục kinh tế, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật cho miền Bắc nhanh chóng lớn mạnh, đáp ứng nhu cầu to lớn của tiền tuyến lớn miền Nam. Theo chủ trương đó, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chính sách kinh tế, trong đó có “Điều lệ hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc cao” nhằm tập trung cao độ sự chi viện mọi mặt của hậu phương cho tiền tuyến lớn.

Quán triệt chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy Yên Bái và Nghĩa Lộ ra Nghị quyết xác định các nhiệm vụ cần kíp cần tập trung trước mắt, đó là chớp thời cơ chấm dứt ném bom, ra sức làm tốt công tác đảm bảo giao thông vận tải, bảo đảm sự chi viện của hậu phương cho tiền tuyến. Nhanh chóng khôi phục và phát triển sản xuất về mọi mặt, trước hết là lương thực và thực phẩm.

Đề cao cảnh giác, tăng cường công tác sẵn sàng chiến đấu của mọi lực lượng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để toàn Đảng, toàn dân nhận thức đầy đủ về thắng lợi to lớn của ta, âm mưu của địch và tình hình nhiệm vụ mới còn rất khó khăn nặng nề, để khắc phục tư tưởng chủ quan, lơ là, ảo tưởng, nâng cao ý chí chiến đấu. Gắn các phong trào hành động cách mạng với đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, củng cố chính quyền đoàn thể các cấp để đáp ứng sự lãnh đạo trong tình hình mới.

Chủ trương đúng đắn, kịp thời của Trung ương và Tỉnh ủy nhanh chóng được triển khai thành phong trào hành động cách mạng của mọi cấp, mọi ngành trong tỉnh. Đảng bộ Chính dân Đảng cũng khẩn trương tiến hành công tác động viên chính trị, tập trung giáo dục cán bộ, đảng viên, cán bộ công nhân viên các cơ quan quán triệt, nắm chắc bối cảnh tình hình, yêu cầu và nhiệm vụ mới; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, phát triển sản xuất trong toàn tỉnh.

Đảng bộ nhanh chóng chỉ đạo các chi bộ cơ quan triển khai kế hoạch tổ chức đưa cán bộ và chuyển cơ quan, phương tiện làm việc, tài liệu… từ nơi sơ tán trở về thị xã tỉnh lỵ. Đến tháng 5-1969, công tác di chuyển đã cơ bản hoàn thành. Các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể tỉnh, các ngành xây dựng, y tế, văn hóa, giáo dục, thương nghiệp, công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, lương thực, bưu điện, giao thông, thủy lợi, các trường học, bệnh viện, trạm xá… trở lại hoạt động bình thường trong điều kiện hòa bình.

Để đáp ứng yêu cầu chỉ đạo chặt chẽ, sát sao khối cơ quan Chính dân Đảng tỉnh, phục vụ đắc lực cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Đảng bộ Chính dân Đảng tiếp tục được kiện toàn các ban, ngành chuyên môn, mỗi ban có một cán bộ chuyên trách phụ trách và một cán bộ kiêm nhiệm. Thành lập bộ phận chuyên trách công tác Đoàn và công tác Công đoàn thuộc Đảng ủy, mỗi đoàn thể có một cán bộ phụ trách hoặc theo dõi. Cơ quan văn phòng Đảng ủy từ nơi sơ tán chuyển về đã chính thức tách khỏi cơ quan Ban Tổ chức Tỉnh ủy để xây dựng khu trụ sở riêng, tại xã Tân Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái[2].

Sau khi kiện toàn một bước về mặt tổ chức và ổn định trụ sở làm việc mới, Đảng ủy Chính dân Đảng chỉ đạo các chi bộ Đảng trong các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất nhiều chính sách, giải pháp thiết thực để đẩy mạnh nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục, phát triển sản xuất. Nhờ đó, đã dấy lên phong trào toàn tỉnh, huy động mọi lực lượng ra quân trên các tuyến đường giao thông, công trình thủy lợi, các cơ quan, xí nghiệp, làng xóm, trường học, ruộng đồng… để tháo gỡ bom đạn, san lấp hố bom, sửa chữa cầu đường, nạo vét kênh mương, dựng lại lán trại, nhà ở, cơ quan, xí nghiệp…; giải tỏa, khôi phục hàng trăm cây số đường giao thông, hàng chục công trình thủy lợi, hàng nghìn héc ta ruộng đồng; khôi phục phần lớn nhà cửa, cơ quan, xí nghiệp trường học… đem lại sự bình yên cho các làng quê, xí nghiệp, cơ quan nhanh chóng ổn định sản xuất, đời sống, công tác.

Hàng trăm cán bộ các ngành Chính dân Đảng tỉnh cũng được biệt phái về nông thôn công tác nhằm giúp tỉnh nắm bắt tình hình, đồng thời tham gia chỉ đạo sản xuất, trọng tâm là nông nghiệp để đảm bảo lương thực, thực phẩm, phục vụ đời sống và quốc phòng, thực hiện một bước Điều lệ hợp tác xã nông nghiệp bậc cao. Thông qua học tập, nhận thức của cán bộ, đảng viên và xã viên được nâng lên một bước, tạo sự chuyển biến tốt trong phát huy quyền làm chủ tập thể của xã viên, gắn bó hơn với hợp tác xã. Sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển cả về diện tích, năng suất và sản lượng, năm 1969, tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh tăng 8% so với năm 1968. Chăn nuôi trâu, bò, lợn, dê được khuyến khích phát triển ở nhiều địa phương trong tỉnh. Sản xuất được khôi phục phát triển bảo đảm ổn định đời sống và tạo điều kiện hoàn thành tốt nghĩa vụ đóng góp lương thực, thực phẩm đối với Nhà nước, chi viện ngày càng tích cực cho chiến trường miền Nam.

Cùng với việc tham mưu, chỉ đạo công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, phát triển sản xuất, Đảng bộ Chính dân Đảng thường xuyên giáo dục cho đội ngũ cán bộ đảng viên trong các cơ quan tỉnh không ngừng nâng cao cảnh giác, tích cực củng cố quốc phòng, đảm bảo an ninh, động viên hàng trăm cán bộ nhập ngũ bổ sung vào các tiểu đoàn Yên Ninh I, Yên Ninh II chiến đấu ở các chiến trường miền Nam.

Giữa lúc công cuộc khôi phục kinh tế ở địa phương đang được đẩy mạnh, quân và dân miền Nam đang thừa thắng xốc tới làm phá sản các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ thì ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗi đau thương khôn xiết.

Cùng với quân dân trong tỉnh và đồng bào cả nước, cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức các cơ quan Chính dân Đảng tỉnh tổ chức trọng thể lễ truy điệu Người trong niềm tiếc thương vô hạn.

Biến đau thương thành hành động cách mạng, ngày 29-9-1969, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Mở đợt sinh hoạt chính trị học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Tỉnh ủy Yên Bái và Nghĩa Lộ ra Nghị quyết đặc biệt phát động “Phong trào 3/9” trong toàn tỉnh (khi đó xác định ngày 3-9 là ngày Bác qua đời)[3].

Thực hiện chỉ thị của Trung ương và nghị quyết của Tỉnh ủy, Đảng ủy Chính dân Đảng chỉ đạo các cấp ủy cơ sở tiến hành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ, học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy. Vận dụng nghị quyết vào tình hình cụ thể của Đảng bộ, Đảng ủy Chính dân Đảng đề ra yêu cầu chỉ đạo các cấp ủy cơ sở đặt ra mục tiêu phấn đấu là tăng cường đoàn kết nội bộ, thực hiện dân chủ, cải tiến lề lối, tác phong công tác, xây dựng đảng bộ, chi bộ 4 tốt. Lãnh đạo cán bộ, đảng viên nâng cao chất lượng tham mưu, chỉ đạo sát sao cơ sở, hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, đồng thời tham gia đầy đủ các phong trào do tỉnh phát động.

Do tập trung lãnh đạo sát sao, các chi bộ cơ quan từ nơi sơ tán chuyển về dần ổn định tổ chức và nề nếp sinh hoạt, tăng thêm sức chiến đấu mới. Chuyển biến rõ nhất trong các cơ quan là đoàn kết nội bộ được củng cố và tăng cường. Việc đổi mới lề lối, tác phong làm việc, nâng cao chất lượng chuyên môn của các cơ quan được các cấp ủy cơ sở tập trung lãnh đạo đạt kết quả tốt. Đảng viên, cán bộ công nhân viên được động viên khắc phục một bước cơ bản tư tưởng ngại khổ, ngại khó, ngại lao động chân tay, ngại đi công tác cơ sở. Ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm trong công tác được nâng lên. Những đảng viên 4 tốt, chi bộ 4 tốt đều tăng. Thông qua phong trào cũng đã đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên mới, kết nạp vào Đảng 47 đảng viên, đưa tổng số đảng viên toàn Đảng bộ lên 640 đồng chí, số tổ chức cơ sở Đảng là 28 chi bộ.

Trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, các cấp ủy đã gắn việc thực hiện Nghị quyết về “phong trào 3/9” với thực hiện Thông tư số 242 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về việc phát huy lối sống cần cù, giản dị, liêm khiết của người cách mạng, chống lạm dụng, tham ô tài sản của nhà nước, của tập thể” để rèn luyện đội ngũ cán bộ đảng viên nâng cao ý thức chính trị, tinh thần trách nhiệm, ý chí chiến đấu, quan điểm lập trường; lấy việc phục vụ nhiệm vụ chuyên môn của ngành và nhiệm vụ trung tâm của tỉnh làm mục tiêu phấn đấu. Sau 3 năm khẩn trương khôi phục và phát triển kinh tế – văn hóa, thực hiện nhiệm vụ hậu phương, tình hình mọi mặt của tỉnh Yên Bái có bước chuyển biến mới, đạt được thắng lợi toàn diện trên mọi mặt. Hệ thống chính quyền các cấp được kiện toàn, nâng cao một bước hiệu lực, hiệu quả quản lý và tổ chức thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Mặt trận và các đoàn thể được củng cố và mở rộng làm tốt công tác động viên đoàn viên, hội viên hăng hái thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh. Hệ thống hợp tác xã tiếp tục được xây dựng và củng cố, toàn tỉnh có 288 hợp tác xã nông nghiệp bậc cao, thu hút 29.564 hộ, chiếm 98,68% số hộ toàn tỉnh. Hệ thống thương nghiệp, tài chính, ngân hàng từng bước được kiện toàn duy trì hoạt động có kết quả. Ngành giao thông vận tải xây dựng mới 408 km đường ô tô, trong đó, 15,8km đường rải nhựa, hầu hết đường liên tỉnh, liên huyện được tu bổ. Thông tin, bưu điện có nhiều cố gắng, giá trị sản lượng khai thác năm 1972 đạt 100% kế hoạch, bằng 105% năm 1971. Đầu tư xây dựng cơ bản đạt 103%. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục phát triển, đến cuối năm 1970, toàn tỉnh có 233 trường phổ thông, 1.244 lớp học với 43.481 học sinh các cấp. Đến cuối năm 1969, 100% số xã có trạm xá, nhà vệ sinh, hố xí hợp vệ sinh, giếng nước, nhà tắm… Số bệnh viện tăng 8 lần, bác sĩ tăng 34 lần, y sĩ tăng 203 lần, hộ lý tăng 297 lần so với năm 1955. Bình quân cứ 7.937 dân có 1 bác sĩ, 1.099 dân có 1 y sĩ và 206 dân có 1 y tá sơ cấp.

Trên cơ sở kết quả mọi mặt đã đạt được và để tăng cường công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ trong tình hình mới, từ ngày 15 đến ngày 27-1-1970, Đảng bộ tỉnh Nghĩa Lộ tiến hành Đại hội Đảng bộ lần thứ II. Sau khi đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ I, Đại hội đã đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh công cuộc xây dựng phát triển kinh tế – văn hóa, tăng cường công tác quốc phòng – an ninh, củng cố chính quyền, tăng cường công tác xây dựng Đảng và đoàn thể quần chúng.

Ở Yên Bái, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VI được tiến hành từ ngày 20 đến ngày 30-1-1970 để kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ V và Nghị quyết về thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoàn thành kế hoạch Nhà nước về phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội, ổn định đời sống nhân dân, tăng cường công tác quân sự địa phương đối với tiền tuyến, chăm lo công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng vững mạnh.

Thực hiện Chỉ thị số 74 ngày 9-1-1970 và Chỉ thị số 20 ngày 9-12-1971 về đại hội Đảng các cấp, từ ngày 13 đến ngày 16-3-1972, Đảng bộ Chính dân Đảng tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ VIII. Dự Đại hội có 101 đại biểu, thay mặt cho 640 đảng viên của 25 chi bộ cơ sở. Đại hội đã đánh giá kết quả lãnh đạo thực hiện chức năng tham mưu, hướng dẫn tổ chức chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội của tỉnh trong thời gian tranh thủ hòa bình, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Đứng trước tình hình và nhiệm vụ mới, Đại hội đề ra nhiệm vụ cho 2 năm 1972 – 1973 là: Tăng cường công tác lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan đồng thời tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, tăng cường khả năng quốc phòng, sẵn sàng đánh thắng những bước leo thang quân sự mới của đế quốc Mỹ. Tích cực chi viện nhân lực, vật lực cho chiến trường và làm tốt công tác xây dựng Đảng. Đại hội bầu Ban Chấp hành khóa mới, gồm 13 ủy viên. Đồng chí Hà Quang Nhân được bầu tái cử giữ chức Bí thư Đảng ủy, đồng chí Nguyễn Tư Bưởi được bầu tái cử giữ chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Chính dân Đảng.

Đại hội Đảng bộ Chính dân Đảng lần thứ VIII bế mạc cũng là lúc Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh lại một lần nữa khẩn trương chuyển mọi hoạt động từ thời bình sang thời chiến do đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai đối với miền Bắc.

Cuộc tiến công chiến lược của quân và dân ta ở miền Nam đã làm cho chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn. Trước tình hình đó, tập đoàn hiếu chiến Ních-Xơn vội vã đưa một lực lượng lớn không quân và hải quân trở lại tham chiến ồ ạt ở miền Nam, gây lại cuộc chiến tranh phá hoại ác liệt chưa từng có đối với miền Bắc.

Từ đầu tháng 4-1972, đế quốc Mỹ huy động hàng ngàn lượt máy bay phản lực hiện đại nhất, kể cả máy bay chiến lược B52 đánh phá ác liệt những trọng điểm như đầu mối giao thông, cơ sở kinh tế, các thị xã, thành phố lớn nhằm gây thiệt hại cho miền Bắc, bóp nghẹt sự chi viện từ bên ngoài vào nước ta với mưu đồ Việt Nam sẽ kiệt quệ, buộc phải thương lượng trên thế yếu tại Hội nghị Pa-ri.

Khác với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất là leo thang từng bước, vừa đánh, vừa thăm dò, lần này chúng sử dụng lực lượng lớn hơn, đánh phá dồn dập đến mức thang cao nhất ngay từ đầu, thủ đoạn tinh vi, đánh phá dã man, tàn bạo, kết hợp sức mạnh của các lực lượng, dùng máy bay chiến thuật, máy bay chiến lược, bom từ trường, bom laze nên độ chính xác cao hơn, gây cho miền Bắc nhiều thiệt hại.

Ngày 12-5-1972, đế quốc Mỹ mở đầu đánh phá vào Yên Bái lần thứ hai. Các trọng điểm đánh phá dữ dội nhất là thị xã Yên Bái, sân bay Yên Bái, ga Yên Bái, cầu Bùn, nhà máy thủy điện Thác Bà…

Trước tình hình nghiêm trọng đó, sau khi nhận rõ âm mưu và ý đồ của địch, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã kịp thời ra Nghị quyết chuyển hướng và đẩy mạnh mọi mặt công tác ở miền Bắc để tiếp tục đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Nghị quyết chỉ rõ: Miền Bắc phải thật sự khẩn trương chuyển hướng nhằm đẩy mạnh sản xuất và chiến đấu phù hợp với thời chiến.

Quân và dân Yên Bái nhanh chóng và bình tĩnh bước vào cuộc chiến đấu mới với khí thế quyết chiến, quyết thắng. Tỉnh ủy chủ trương tạm ngừng các công tác chưa thật cần thiết, huy động toàn bộ lực lượng cán bộ của tỉnh và các huyện tập trung chỉ đạo chuyển mọi hoạt động của địa phương sang thời chiến, chỉ đạo triệt để công tác phòng không, sẵn sàng chiến đấu và sơ tán nhân dân ra khỏi các vùng trọng điểm đánh phá của địch. Các cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp di chuyển máy móc về nơi an toàn, chỉ để lại một bộ phận vừa trực chiến, vừa sản xuất.

Chủ trương của Tỉnh ủy nhanh chóng được quán triệt và triển khai trong toàn Đảng bộ Chính dân Đảng tỉnh. Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy cùng các cấp ủy cơ sở tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức; động viên mọi người giữ vững và phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; đồng thời, khắc phục nhận thức mơ hồ, ảo tưởng vào luận điệu phản tuyên truyền trong đàm phán của địch và những biểu hiện chủ quan, hoang mang, dao động trong cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức. Những tin tức chiến thắng của hai miền, những tuyên bố, kêu gọi của Trung ương Đảng và Chính phủ, những bình luận vạch trần thủ đoạn, âm mưu của địch được phổ biến rộng rãi, kịp thời định hướng và khơi dậy lòng tự hào, tin tưởng, ý chí quyết tâm trong cán bộ, đảng viên, quần chúng trong Đảng bộ.

Song song với công tác giáo dục chính trị tư tưởng, các cấp ủy phối hợp với lãnh đạo chuyên môn, khẩn trương triển khai công tác phòng không, sơ tán, đẩy mạnh chuyển hướng công tác, tổ chức sản xuất, ổn định đời sống phù hợp với tình hình thời chiến. Các cơ quan, xí nghiệp thực hiện chủ trương sơ tán theo nhiều phương án khác nhau. Trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, các cơ quan, xí nghiệp đã nhiều lần triệt để di chuyển và thay đổi địa điểm sơ tán nên đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm. Đến lần sơ tán này, tuy điều kiện, hoàn cảnh và sự chủ động của từng cơ quan với yêu cầu là giãn nhanh ra khỏi các trọng điểm địch tập trung đánh phá để tránh thương vong. Cơ quan Văn phòng Đảng ủy Chính dân Đảng từ khi chuyển về vẫn tiếp tục củng cố tại xã Tân Thịnh cách khá xa trọng điểm đánh phá của địch. Đến hết tháng 4-1972, các cơ quan Chính dân Đảng tỉnh đã cơ bản hoàn thành các phương án sơ tán, vững vàng trong tư thế chủ động quyết tâm đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Vừa thực hiện chuyển hướng hoạt động, tổ chức sơ tán, ổn định công tác và sinh hoạt trong điều kiện mới, Đảng bộ Chính dân Đảng vừa khẩn trương tiến hành lãnh đạo các tổ chức Đảng khối cơ quan tỉnh hưởng ứng đợt phát động của Tỉnh ủy về phong trào quần chúng thi đua thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược là sản xuất và chiến đấu; trong đó, tập trung cao cho nhiệm vụ sản xuất bảo đảm tự giải quyết lương thực, thực phẩm tại chỗ vừa làm tốt nhiệm vụ cung cấp nhân lực, vật lực cho tiền tuyến. Toàn Đảng bộ nêu cao khẩu hiệu “tay bút, tay súng”, “tay búa, tay súng”, các ngành công, nông, lâm nghiệp tổ chức lại sản xuất, kiên quyết bám máy, bám ruộng đồng để tiếp tục làm ra những sản phẩm bảo đảm nhu cầu đời sống, phục vụ sản xuất và chiến đấu. Phong trào thi đua được sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng và công tác động viên của các đoàn thể: Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ đã thực sự cuốn hút và động viên mọi cán bộ, đảng viên, công chức viên chức trong toàn Đảng bộ phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý thức, vai trò trách nhiệm xông pha vào những nơi nguy hiểm trọng điểm đánh phá cứu tài sản, duy trì sản xuất, giữ vững công tác, đảm bảo sự lãnh đạo của tỉnh luôn thông suốt đến cơ sở. Hàng trăm cán bộ, đảng viên khối cơ quan tỉnh đã phối hợp với các đơn vị kiên quyết bám trận địa chiến đấu đánh trả máy bay địch, bảo vệ an toàn cơ quan, xí nghiệp, kho tàng. Nhiều đồng chí đã hăng hái xung phong rời cơ quan, xí nghiệp lên đường nhập ngũ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Những cố gắng, nỗ lực vượt bậc của cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Chính dân Đảng góp phần đắc lực cùng quân và dân trong tỉnh vừa đảm bảo giữ vững sản xuất, ổn định đời sống mọi mặt, vừa sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi. Toàn chiến dịch quân dân 2 tỉnh Yên Bái – Nghĩa Lộ đã bắn rơi 15 máy bay các loại, trong đó có cả máy bay chiến lược B52, hạn chế đến mức thấp nhất thương vong về người và tài sản (chết 7 người, bị thương 6 người). Những thắng lợi to lớn đó góp phần làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không”, đánh sập ý đồ xâm lược của đế quốc Mỹ.

Bị thất bại nặng nề trên các lĩnh vực quân sự, chính trị và ngoại giao, đế quốc Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, ký Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. Cùng các Đảng bộ trong tỉnh, Đảng bộ Chính dân Đảng sau những nỗ lực và trưởng thành tiếp tục bước vào chặng đường cách mạng mới với những thắng lợi mới.

  1. Lãnh đạo khối cơ quan tỉnh tích cực sản xuất, chi viện cho tiền tuyến, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc (1972-1975)

­Ngày 27-1-1973, Hiệp định Pa-ri được ký kết, miền Bắc trở lại hòa bình. Ở miền Nam, đế quốc Mỹ vẫn ngoan cố ra sức phá hoại Hiệp định. Chúng ráo riết tăng cường viện trợ kinh tế, quân sự cho chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu để tiếp tục duy trì chế độ thực dân mới tại miền Nam.

Ngay sau khi Hiệp định được ký kết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra lời kêu gọi đồng bào chiến sĩ cả nước “Tăng cường đoàn kết, luôn đề cao cảnh giác, ra sức phấn đấu để củng cố những thắng lợi đã giành được, giữ vững hòa bình lâu dài, hoàn thành độc lập dân chủ ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”[4].

Cụ thể hóa lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tháng 6-1973, Bộ Chính trị đề ra nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế miền Bắc 3 năm (1973 – 1975). Trong điều kiện thuận lợi mới, miền Bắc phải phát triển nhanh chóng về mọi mặt, làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng miền Nam.

Nhằm làm thông suốt tình hình và nhiệm vụ mới, Tỉnh ủy Yên Bái, Nghĩa Lộ mở Hội nghị quán triệt nghị quyết của Bộ Chính trị, đề ra nhiệm vụ cụ thể của toàn Đảng bộ là: tập trung đẩy mạnh sản xuất công – nông nghiệp, giao thông, vận tải, xây dựng cơ bản, củng cố và phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao tinh thần cảnh giác, tích cực chi viện cho chiến trường miền Nam.

Cùng các Đảng bộ và quân dân trong tỉnh, Đảng bộ Chính dân Đảng bước vào thời kỳ cách mạng mới, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, phát huy tốt vai trò tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị trung tâm của tỉnh là khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, tích cực chi viện cho tiền tuyến, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Để tiếp tục củng cố, kiện toàn, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Chính dân Đảng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, từ ngày 7 đến ngày 10-5-1973, Đảng bộ Chính dân Đảng tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ IX. Dự đại hội có 121 đại biểu, thay mặt cho 761 đảng viên của 29 chi bộ cơ sở trong toàn Đảng bộ. Đại hội kiểm điểm kết quả thực hiện Nghị quyết nhiệm kỳ, khóa VIII thống nhất đánh giá: Thông qua lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh, đặc biệt là nhiệm vụ sản xuất và chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Đảng bộ Chính dân Đảng đã trưởng thành vượt bậc, cả về tổ chức, đội ngũ và khả năng tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo. Bên cạnh việc kiện toàn các ban chuyên môn, thành lập các tổ chức đoàn thể trực thuộc, củng cố xây dựng Văn phòng cơ quan, Đảng bộ đã thông qua phong trào lãnh đạo cách mạng đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, kiện toàn tổ chức cơ sở Đảng. Đến khi kết thúc chiến tranh phá hoại lần 2, toàn Đảng bộ đã kết nạp thêm 121 đảng viên mới, đưa tổng số đảng viên toàn Đảng bộ lên 761 đồng chí. Tất cả các cơ quan đều có đủ đảng viên để thành lập các chi bộ độc lập, kiện toàn bộ máy cấp ủy, hoạt động ngày càng nề nếp, giữ vững nguyên tắc và chế độ sinh hoạt.

Trên cơ sở kết quả đạt được của Đảng bộ trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII, Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ khóa mới, trọng tâm là công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn, củng cố lại tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, đáp ứng yêu cầu tham mưu, chỉ đạo phát triển sản xuất, xây dựng văn hóa, xã hội và nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam ở thời điểm quyết định.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới, gồm 13 ủy viên. Đồng chí Hà Quang Nhân tiếp tục được bầu tái cử làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Tư Bưởi làm Phó Bí thư.

Thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ Chính dân Đảng lần thứ IX đánh dấu mốc mới trong tiến trình xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ. Phương hướng, nhiệm vụ do Đại hội chỉ ra là chỉ thị hành động để tiếp tục củng cố bộ máy tổ chức từ Đảng bộ đến cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, đóng góp ngày càng tích cực vào thắng lợi chung của phong trào cách mạng toàn tỉnh.

Từ nơi sơ tán chuyển về, việc kiện toàn các chi bộ cơ quan tiếp tục được củng cố về tổ chức thông qua Đại hội cơ sở và kiện toàn tổ chức các cơ quan. Năm 1973, chi bộ Chi cục Kiểm lâm nhân dân thành lập, chi bộ Ban Liên hiệp hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp tách ra từ chi bộ Ty Lâm nghiệp và chi bộ Ty Công nghiệp. Đổi tên Chi bộ Ty Kiến trúc thành Chi bộ Ty Xây dựng, Chi bộ Ban Thể dục thể thao thành chi bộ Ty Thể dục thể thao. Các chi bộ Ty Xây dựng, Ty Công nghiệp, Ty Thủy lợi có thêm các tổ đảng mới, phù hợp với việc kiện toàn, thành lập thêm một số đơn vị trực thuộc Ty. Qua việc kiện toàn thông qua Đại hội cơ sở và thông qua việc chia tách, sáp nhập các cơ quan Chính dân Đảng tỉnh và các đơn vị trực thuộc, đến cuối năm 1973, toàn Đảng bộ có 29 chi bộ cơ sở trực thuộc, với 782 đảng viên, 1.600 công nhân viên chức. Tất cả các cơ quan Chính dân Đảng tỉnh đều có chi bộ Đảng độc lập lãnh đạo. Nhiều chi bộ thành lập thêm các tổ đảng trực thuộc. Một số chi bộ ở các cơ quan có đông đảng viên và có chức năng tham mưu, quản lý ở phạm vi rộng, bước vào chuẩn bị các điểu kiện cần thiết để nâng cấp thành đảng bộ cơ sở.

Cơ quan Văn phòng Đảng ủy tiếp tục được xây dựng củng cố tại xã Tân Thịnh, huyện Trấn Yên. Bộ máy chuyên trách Đảng ủy cũng tiếp tục được kiện toàn, ngoài đồng chí Phó Bí thư thường trực chuyên trách thường trực công tác Đảng ủy thì văn phòng và các bộ phận chuyên môn đều có cán bộ chuyên trách phụ trách chính thức làm Chánh văn phòng, trưởng Ban các Ban xây dựng đảng và trưởng các đoàn thể Thanh niên, Công đoàn. Mỗi Ban xây dựng đảng được bố trí thêm một cán bộ chuyên môn kiêm nhiệm. Riêng Văn phòng được bố trí một cán bộ chuyên trách, một cán bộ kiêm nhiệm.

Đứng trước tình hình và nhiệm vụ mới, công tác xây dựng Đảng đòi hỏi phải được tăng cường hơn nữa theo đúng tinh thần Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: Trước mỗi khó khăn và sau mỗi thắng lợi đều phải chỉnh đốn lại tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy, Đảng ủy Chính dân Đảng chỉ đạo triển khai đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ tổ chức học tập quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 195 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 192 của Ban Bí thư về việc không ngừng nâng cao chất lượng đảng viên, nâng cao nhận thức, giác ngộ về Đảng và kịp thời đưa những người không đủ tư cách ra khỏi hàng ngũ của Đảng.

Đảng ủy Chính dân Đảng chỉ đạo các cấp ủy cơ sở căn cứ vào tình hình thực tế đội ngũ cán bộ, đảng viên ở từng cơ quan để đề ra các biện pháp thực hiện Nghị quyết số 195 một cách thiết thực. Mục tiêu đề ra là không ngừng bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao nhận thức và năng lực tổ chức lãnh đạo quần chúng và thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Tổ chức giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho đảng viên bằng các hình thức: Học tập các nghị quyết của Trung ương; học tập tác phẩm “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, vì tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới” của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng; cử cán bộ đảng viên đi học các lớp bổ túc văn hóa; cử các đồng chí lãnh đạo cấp ủy và lãnh đạo chủ chốt các cơ quan đi học ở trường Nguyễn Ái Quốc, trường Hoàng Văn Thụ và trường Đảng tỉnh…

Cùng với việc bồi dưỡng, giáo dục nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, Đảng ủy Chính dân Đảng chỉ đạo các cấp ủy cơ sở tăng cường công tác quản lý, giao nhiệm vụ và thực hiện nhiệm vụ của đảng viên. Hằng tháng, các cấp ủy cơ sở tiến hành sinh hoạt kiểm điểm từng đảng viên trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Hàng quí, 6 tháng và kết thúc 1 năm, các cấp ủy cơ sở đều chỉ đạo các chi bộ tổ chức sơ kết, tổng kết, kịp thời biểu dương hay phê bình, nhắc nhở từng đồng chí đảng viên. Thông qua công tác giáo dục, bồi dưỡng, đội ngũ đảng viên trong Đảng bộ Chính dân Đảng đã tự xây dựng cho mình chương trình hành động cụ thể để khắc phục những hạn chế thiếu sót. Đại đa số đảng viên trong Đảng bộ đều thể hiện bản lĩnh, phẩm chất tốt, nhiệt tình cách mạng, tận tụy trong công tác, uy tín và tín nhiệm trong quần chúng ở các cơ quan.

Thông qua việc thực hiện Nghị quyết số 195 đã có tác dụng rõ nét đưa công tác sinh hoạt Đảng vào nề nếp, nghiêm túc ở 100% chi bộ cơ quan. Chất lượng các cuộc họp cũng được nâng lên, thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng cũng được đẩy mạnh, tập trung vào vấn đề ý thức tổ chức, kỷ luật, tinh thần tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao nhận thức quan điểm lập trường, tinh thần trách nhiệm… Thông qua đó, tăng thêm ý chí chiến đấu, tinh thần cách mạng tiến công, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong nội bộ tổ chức đảng, nội bộ cơ quan, tạo môi trường tốt, khắc phục cơ bản những khuyết điểm thiếu sót của cán bộ đảng viên trong các cơ quan và toàn Đảng bộ Chính dân Đảng.

Việc tuyên truyền, kết nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh là một trong những trọng tâm của công tác xây dựng Đảng. Với phương châm lấy chất lượng làm chính, đảm bảo sự trong sạch vững mạnh của Đảng, làm mẫu mực cho công tác phát triển Đảng về sau. Từ năm 1973 đến đầu năm 1974, Đảng ủy Chính dân Đảng chỉ đạo tiến hành 4 đợt kết nạp được 161 đảng viên lớp Hồ Chí Minh. Những đồng chí đảng viên mới được kết nạp đều là những quần chúng ưu tú được rèn luyện, lựa chọn từ cơ sở, trong các phong trào cách mạng của quần chúng ở các cơ quan. Do đó, đã phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu, đóng góp tích cực vào cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn đảng và phong trào cách mạng của Đảng bộ Chính dân Đảng.

Thực hiện Chỉ thị số 192 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc xem xét, đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng, Đảng bộ Chính dân Đảng nhận thức, nếu làm đúng, làm tốt sẽ có tác dụng làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, tăng thêm sức chiến đấu, tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng. Song đây cũng là một công tác phức tạp vì liên quan đến sinh mệnh chính trị của đảng viên, đến sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ Đảng, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh đang công tác và sinh hoạt trong Đảng bộ Chính dân Đảng. Nhận thức đầy đủ tính chất và tầm quan trọng của việc thực hiện chỉ thị ở khối cơ quan tỉnh, Đảng ủy Chính dân Đảng xây dựng kế hoạch tiến hành từng bước cẩn trọng nghiêm túc. Sau khi tổ chức học tập, quán triệt ở từng chi bộ, mỗi đảng viên tự kiểm điểm, đối chiếu với tiêu chuẩn; đồng thời, qua học tập, một số đảng viên có biểu hiện trình độ giác ngộ chính trị hạn chế, chây lười trong sinh hoạt Đảng, uy tín thấp, vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính, hủ hóa, mê tín dị đoan hoặc có vấn đề lịch sử… Sau khi cân nhắc, xem xét rà soát kỹ lưỡng, Đảng bộ đã tiến hành kỷ luật 69 đảng viên với các hình thức khiển trách 8, cảnh cáo 11, cách chức 4, lưu đảng 28 và khai trừ 18 trường hợp[5].

Cuộc vận động chính trị thực hiện Nghị quyết số 195, Chỉ thị số 192 và kết nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh ở Đảng bộ Chính dân Đảng đã được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả rõ nét, đáp ứng mục đích, yêu cầu cuộc chỉnh huấn, chỉnh đốn tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên. Thông qua cuộc vận động, Đảng bộ trưởng thành thêm một bước, nội bộ tăng cường sự đoàn kết nhất trí, lực lượng được bổ sung thêm những nhân tố mới bảo đảm cho Đảng bộ, ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ mới, tiếp tục phát huy tốt vai trò, đóng góp tích cực vào tiến trình cách mạng của địa phương.

Thông qua công tác lãnh đạo của Đảng bộ Chính dân Đảng, các chủ trương, nhiệm vụ do Tỉnh ủy và Ủy ban hành chính tỉnh nêu ra đều được các cơ quan tham mưu cấp tỉnh và đội ngũ cán bộ đảng viên các cơ quan Chính dân Đảng tỉnh quán triệt và biệt phái tăng cường về cơ sở chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ trong phạm vi toàn tỉnh, tạo được bước phát triển mới trong đời sống mọi mặt của tỉnh.

Sản xuất nông – lâm nghiệp trong toàn tỉnh tiếp tục được chú trọng và có bước phát triển mới. Tập trung vào sản xuất cây lương thực, chú ý đẩy mạnh cây công nghiệp, trồng rừng và phát triển đàn gia súc, coi trọng công tác thủy lợi… Nhìn chung, sản xuất nông lâm nghiệp có sự tăng trưởng, bảo đảm đời sống và dành một phần chi viện cho chiến trường. Song, nhận thức về loại cây trồng, vật nuôi chưa thật đúng hướng, vì vậy, nhiều loại cây trồng đại trà mang tính chất phong trào không đem lại hiệu quả kinh tế, thất bại như: cây trẩu, sở, lai ở Yên Bình, cây đen ở Nghĩa Lộ…

Công tác xây dựng và củng cố hợp tác xã nông nghiệp được giữ vững. Các đợt vận động thực hiện các chủ trương lớn về củng cố, phát triển hợp tác xã theo tinh thần Nghị quyết số 228, Chỉ thị số 192, 208 của Ban Bí thư được thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả tốt.

Sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp từ nơi sơ tán trở về từng bước ổn định sản xuất và thực hiện qui hoạch vùng kinh tế, nhiều nhà máy xí nghiệp, hợp tác xã thủ công nghiệp ra đời. Sản phẩm sản xuất ra cơ bản đáp ứng sản xuất, đời sống và nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Công tác lưu thông, phân phối, tài chính, thương nghiệp tiếp tục được củng cố phát triển bảo đảm cung cấp và phục vụ các nhu cầu thiết yếu của sản xuất và đời sống.

Ngành giao thông vận tải nhanh chóng sửa chữa, khôi phục lại hệ thống cầu, đường, phà, mở mới 316 km đường liên tỉnh, liên huyện, 2.494 km đường nông thôn, cơ bản đáp ứng yêu cầu giao thông thông suốt phục vụ sản xuất và đời sống của tỉnh, bảo đảm tuyến giao thông liên lạc chi viện cho chiến trường.

Hoạt động văn hóa – xã hội dần trở lại thời bình. Các trường học, bệnh viện, trạm xá từ nơi sơ tán chuyển về khu tập trung dân cư. Khắp nơi dấy lên phong trào văn hóa, văn nghệ sôi nổi, góp phần tích cực động viên toàn dân thi đua xây dựng cuộc sống mới. Phong trào học bổ túc văn hóa nâng cao trình độ mọi mặt được triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh. Đặc biệt, phong trào đã thu hút sự hưởng ứng mạnh mẽ của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong khối cơ quan tỉnh. Hầu hết cán bộ, đảng viên đều đăng ký tham gia các lớp học bổ túc văn hóa buổi tối để tranh thủ ban ngày công tác và đi chỉ đạo cơ sở.

Công tác đoàn thể tiếp tục được đẩy mạnh với những phong trào sôi nổi, thiết thực. Phong trào học tập tấm gương của những anh hùng: Lê Mã Lương, Lê Thị Hồng Gấm đã cuốn hút toàn thể đoàn viên, thanh niên các cơ quan Chính dân Đảng. 100% thanh niên đăng ký tình nguyện lên đường nhập ngũ. Công tác cán bộ nữ trong các cơ quan cũng được quan tâm hơn trước. Tổ chức Công đoàn đã động viên chị em phụ nữ vừa phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cơ quan, vừa động viên chồng, con lên đường nhập ngũ, giúp đỡ, động viên các gia đình chính sách…

Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế miền núi của Chính phủ, hàng vạn đồng bào ở các tỉnh: Thái Bình, Nam Hà, Hải Dương… lên khai hoang, lập làng kinh tế mới. Đảng ủy Chính dân Đảng Yên Bái và Đảng ủy khối kinh tế Nghĩa Lộ đã lãnh đạo các cơ quan tỉnh và đội ngũ cán bộ, đảng viên về cơ sở chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ và Tỉnh ủy bảo đảm công tác chuẩn bị chu đáo, đón tiếp nhiệt tình 1.069 hộ với 5.210 nhân khẩu, tổ chức thành 22 hợp tác xã mới cho đồng bào khai hoang. Động viên nhân dân các dân tộc ở vùng kinh tế mới nhiệt tình giúp đỡ, tạo điều kiện cho đồng bào lên xây dựng vùng kinh tế mới, góp phần giảm bớt một phần khó khăn trong sản xuất và đời sống. Tình đoàn kết, tương trợ giữa đồng bào ở địa phương với đồng bào đi xây dựng kinh tế mới ngày càng gắn bó. Cơ sở vật chất và đời sống của đa số bà con mới lên dần đi vào ổn định và phát triển.

Cùng với những thành quả về khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, Đảng bộ Yên Bái và Nghĩa Lộ còn tập trung cho nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến để giải phóng hoàn toàn miền Nam. Do Trung ương giao nhiệm vụ xây dựng các đơn vị vũ trang (các tiểu đoàn Yên Ninh 1,2,3,4), nên việc động viên nghĩa vụ quân sự trở thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Đảng ủy Chính dân Đảng lãnh đạo các cấp ủy cơ sở, các cơ quan dồn sức phục vụ yêu cầu chi viện tiền tuyến. Với khẩu hiệu: “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, một mặt, động viên cán bộ đảng viên xung phong nhập ngũ, mặt khác tích cực bám nắm, chỉ đạo cơ sở giúp tỉnh nắm chắc lực lượng, động viên các ngày hội tòng quân sôi nổi trong toàn tỉnh thực hiện phong trào “3 cử, 2 nguyện” (Đoàn thể cử, gia đình cử, cơ quan, hợp tác xã cử, gia đình tự nguyện, bản thân tự nguyện). Trong 3 năm 1971 – 1973, toàn tỉnh đã động viên 7.336 thanh niên nhập ngũ (Trong đó có 486 thanh niên khối cơ quan tỉnh). Đến năm 1975, trước yêu cầu nước rút của chiến trường, tỉnh Yên Bái và Nghĩa Lộ đã động viên 1.869 thanh niên nhập ngũ (Trong đó có gần 400 thanh niên khối cơ quan tỉnh), đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ cách mạng miền Nam.

Với quyết tâm, cố gắng cao nhất của quân và dân cả nước, ở chiến trường miền Nam, quân ta liên tiếp giành được những thắng lợi. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã giành thắng lợi trọn vẹn, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trường kỳ của dân tộc. Trong thắng lợi huy hoàng đó, có sự đóng góp công sức, trí tuệ, mồ hôi, xương máu của cán bộ, đảng viên Đảng bộ Chính dân Đảng tỉnh.

Cùng toàn tỉnh và cả nước, Đảng bộ Chính dân Đảng tỉnh Yên Bái tiếp tục đưa phong trào cách mạng tiến lên trong giai đoạn mới.

*

*        *

Hai mươi năm, kể từ ngày thành lập (1955 – 1975), là chặng đường đầu trong giai đoạn chuyển tiếp cách mạng đầy biến động, đã để lại những dấu ấn hết sức sâu đậm trong lịch sử Đảng bộ. Đây là thời kỳ bắt đầu xây dựng Đảng bộ trên cơ sở kế thừa 2 tổ chức tiền thân là Liên chi I và Liên chi II đã hình thành và lãnh đạo phong trào khối cơ quan tỉnh trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp; là thời kỳ với những tháo gỡ, tìm tòi thể nghiệm mô hình, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động, phù hợp với đặc điểm, có tính chất đặc thù của tổ chức đảng ở các cơ quan trong hệ thống chính trị, các cơ quan chuyên môn và các tổ chức kinh tế của tỉnh. Đây cũng là giai đoạn Đảng bộ khối cơ quan không ngừng củng cố, tự khẳng định. Từ chỗ làm công tác đảng vụ đơn thuần, vươn lên thực hiện có kết quả nhiều mặt công tác, góp phần to lớn và quan trọng cùng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh tập trung giải quyết những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp: Tiến hành cuộc vận động cải cách dân chủ, sửa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, khắc phục hậu quả chiến tranh, thiên tai, phong tục tập quán lạc hậu, tiến hành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa; thực hiện nghĩa vụ hậu phương đối với tiền tuyến lớn miền Nam; bước đầu xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội trên quê hương Yên Bái. Đó là những đóng góp tích cực và to lớn của  Đảng bộ Chính dân Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong khối cơ quan, cùng toàn tỉnh góp phần đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

[1] Hiện nay chưa sưu tầm được danh sách Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Đảng bộ Chính dân Đảng khóa VII.

[2] Khu trụ sở Văn phòng Đảng ủy gồm 4 nhà gỗ 15 gian (5 gian hội trường, 6 gian nhà ở và nơi làm việc, 4 gian nhà bếp nhà ăn). Công trình phụ có 2 giếng xây, 2 nhà tắm quây phên vách.

[3] Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy. Hồ sơ tài liệu năm 1969.

[4] Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước của Ban Chấp hành Trung ương Đảng – Những sự kiện lịch sử Đảng, tập IV, NXB thông tin, lý luận, 1982, tr374.

[5] Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy, Báo cáo công tác 192, hồ sơ năm 1974.

Thiết kế bởi VNPT