Đảng bộ Dân chính Đảng tỉnh Yên Bái thành lập, lãnh đạo khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, văn hóa, xã hội (1955-1958)

Kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cùng toàn miền Bắc, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và từng bước phát triển kinh tế, văn hóa, làm hậu phương cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Tuy đã được giải phóng từ cuối năm 1952, sau thắng lợi của chiến dịch Tây Bắc, nhưng Yên Bái là địa bàn tại chỗ huy động sức người, sức của để cùng cả nước kháng chiến trong giai đoạn quyết liệt nhất, đỉnh cao là phục vụ và cung cấp cho chiến dịch Điện Biên Phủ, nên chưa có thời gian và điều kiện để tập trung cho việc xây dựng chế độ mới, khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa – xã hội.

Mặt khác, chiến tranh và thiên tai đã gây ra cho Yên Bái những hậu quả nặng nề. Ruộng đất bị bỏ hoang hóa, công nghiệp và thủ công nghiệp nhỏ bé, chủ yếu để phục vụ kháng chiến; phần lớn cầu, phà, đường giao thông bị bom đạn đánh hỏng hoặc bị dỡ bỏ để tiêu thổ kháng chiến. Lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh diễn ra liên tục; tập quán lạc hậu còn rất nặng nề.

Bên cạnh đó, tình hình an ninh chính trị – xã hội cũng diễn ra vô cùng phức tạp. Nạn thổ phỉ vẫn chưa được giải quyết triệt để; một số phần tử ngoan cố trong giai cấp địa chủ tay sai cấu kết với bọn phản động lợi dụng tình hình khó khăn để kích động nhân dân, phá hoại chính sách của Đảng và Chính phủ, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc; một bộ phận giáo dân bị lừa gạt cưỡng ép di cư vào Nam cùng với những sai lầm trong cải cách ruộng đất càng làm cho tình hình phức tạp thêm, gây tâm lý băn khoăn, lo lắng, bất ổn định trong xã hội.

Vượt lên những khó khăn chồng chất do hậu quả chiến tranh, thiên tai và sự chống phá của kẻ thù, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã nỗ lực phấn đấu, đạt được những thắng lợi bước đầu trong khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, ổn định chính trị xã hội, từng bước cải thiện đời sống nhân dân, bắt tay xây dựng cuộc sống mới…

Hòa bình lập lại, các cơ quan tỉnh lần lượt từ các nơi sơ tán di chuyển về trung tâm tỉnh lỵ là thị xã Yên Bái. Trong tình hình mới, điều kiện mới, để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo quân dân toàn tỉnh bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội, Tỉnh ủy tiến hành củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị, thành lập thêm một số cơ quan chuyên môn; đồng thời, phát triển một bước hệ thống tổ chức Đảng trong các cơ quan cấp tỉnh.

So với thời kỳ các chi bộ cơ quan trực thuộc Tỉnh ủy, mô hình Liên chi bộ trong kháng chiến chống thực dân Pháp là một bước đổi mới tiến bộ về mặt tổ chức, tạo thuận lợi cho hoạt động của các chi bộ; đồng thời, đóng góp rất lớn cho sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy đối với các cơ quan cấp tỉnh. Tuy nhiên, bước vào thời kỳ mới của cách mạng, chức năng làm công tác đảng vụ đơn thuần của các Liên chi không còn phù hợp nữa. Yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới cũng như số lượng chi bộ, số lượng đảng viên, chất lượng tổ chức Đảng và đảng viên tăng lên cùng sự đa dạng về loại hình chi bộ cơ quan, kinh nghiệm chung cũng như sự chỉ đạo của Khu ủy cho phép Yên Bái thành lập một tổ chức cấp trên trực tiếp của các chi bộ cơ quan cấp tỉnh, đứng đầu là một cấp ủy có chức năng lãnh đạo toàn diện các mặt công tác xây dựng Đảng như: công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác tổ chức, công tác kiểm tra và công tác dân vận, đoàn thể… phục vụ hiệu quả cho nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh.

Thực hiện chủ trương của Trung ương và Khu ủy, đồng thời để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tỉnh, ngày 10-11-1955, Tỉnh ủy Yên Bái ra Nghị quyết số 45-NQ/TU, giải thể hai Liên chi ủy, thành lập Đảng ủy Dân chính Đảng tỉnh Yên Bái. Ban Chấp hành Đảng bộ (Ban Đảng ủy) lâm thời do Tỉnh ủy chỉ định, gồm 3 ủy viên. Đồng chí Lê Nguyên, Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy kiêm Bí thư Liên chi I được chỉ định kiêm chức Bí thư Đảng ủy Dân chính Đảng; đồng chí Xuân Trình, Trưởng Ty Công an kiêm Bí thư Liên chi II được chỉ định kiêm chức Phó Bí thư Đảng ủy Dân chính Đảng; đồng chí Lê Đình Huân, Chánh Văn phòng Ủy ban hành chính tỉnh được chỉ định kiêm chức Đảng ủy viên Đảng ủy Dân chính Đảng. Toàn Đảng bộ có 19 chi bộ cơ sở (15 chi bộ độc lập, 4 chi bộ ghép) với 356 đảng viên[1]. Khi Tỉnh ủy Yên Bái quyết định thành lập Đảng ủy Dân chính Đảng thì Trung ương chưa có qui định và hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ của mô hình Đảng ủy Dân chính Đảng và mối quan hệ giữa cấp ủy với lãnh đạo chuyên môn. Căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình của tỉnh, Tỉnh ủy giao quyền hạn và nhiệm vụ cho Đảng bộ, lãnh đạo công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, đảng viên, công nhân viên trong Đảng bộ. Hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý đảng viên của các tổ chức cơ sở Đảng; cùng các tổ chức cơ sở Đảng xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác phát triển đảng viên, củng cố và phát triển tổ chức Đảng; lãnh đạo xây dựng củng cố tổ chức và định hướng hoạt động của các tổ chức quần chúng; trực tiếp quản lý, định hướng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng; ra Nghị quyết khen thưởng, kỷ luật tổ chức Đảng và đảng viên trong Đảng bộ; chuẩn y nghị quyết của tổ chức cơ sở đảng theo đúng Điều lệ Đảng qui định.

Ngay sau khi thành lập, Đảng ủy Dân chính Đảng đã bắt tay vào hoạt động, thực hiện công tác bàn giao, tiếp nhận hồ sơ, tổ chức bộ máy chi bộ Đảng và đảng viên từ hai Liên chi ủy giải thể. Tiếp nhận thêm một số tổ chức Đảng và đảng viên từ các cơ quan Trung ương đóng ở địa phương về sinh hoạt tại Đảng bộ. Sắp xếp củng cố các chi bộ cơ sở, chỉ định các Ban chi ủy lâm thời, qui định chế độ sinh hoạt, chế độ làm việc giữa các chi bộ với đảng ủy, giữa chi ủy với lãnh đạo cơ quan… đồng thời, chỉ đạo các chi bộ xây dựng, củng cố các tổ chức quần chúng là Đoàn Thanh niên lao động và tổ chức Công đoàn ở các cơ quan tỉnh.

Trong điều kiện một mô hình tổ chức mới ngày đầu thành lập, Đảng ủy Dân chính Đảng chưa có các Ban chuyên môn, chỉ có một cán bộ chuyên trách văn phòng giúp việc. Ban Chấp hành hoàn toàn kiêm nhiệm và được phân công theo dõi các mảng công tác chuyên môn của Đảng ủy. Các mảng công tác này được các cán bộ trong các Ban Xây dựng Đảng tỉnh phụ trách hoặc hỗ trợ. Nơi làm việc của Đảng ủy nằm trong trụ sở Ban Tổ chức Tỉnh ủy… Tình hình này kéo dài đến năm 1966 mới được củng cố để lập Văn phòng cấp ủy và các ban chuyên môn theo chủ trương của Trung ương và Tỉnh ủy.

Đảng bộ Dân chính Đảng được thành lập có ý nghĩa chính trị sâu sắc, khẳng định bước trưởng thành và phát triển của Đảng bộ tỉnh Yên Bái nói chung và công tác xây dựng Đảng ở khối cơ quan tỉnh. Từ đây, các tổ chức cơ sở đảng của các cơ quan Dân chính Đảng đã có cấp ủy riêng với các chức năng nhiệm vụ được Tỉnh ủy xác định khá cụ thể, rõ ràng và đầy đủ, sẽ bảo đảm cho công tác lãnh đạo, định hướng sâu sát nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đóng góp ngày càng to lớn vào công tác lãnh đạo và kết quả thực hiện nhiệm vụ chung của toàn tỉnh.

Chỉ sau một thời gian ngắn, công tác kiện toàn tổ chức từ Đảng ủy đến các chi bộ cơ sở đã hoàn thành về cơ bản, tạo điều kiện để Đảng ủy phát huy vai trò lãnh đạo các tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên Dân chính Đảng tỉnh bước vào thực hiện các nhiệm vụ công tác lớn của tỉnh.

Nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh thời kỳ này là lãnh đạo thực hiện tốt Hiệp định đình chiến, ổn định tình hình chính trị, khôi phục sản xuất, khắc phục nạn đói, phát triển văn hóa, xã hội, củng cố Đảng, chính quyền, đoàn thể và lực lượng vũ trang; tiếp tục phát động nhân dân thực hiện cuộc vận động dân chủ, giảm tô, cải cách ruộng đất ở địa phương.

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Đảng bộ Dân chính Đảng lãnh đạo các chi bộ cơ sở, động viên cán bộ đảng viên phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan. Đồng thời, động viên một lực lượng lớn cán bộ, đảng viên ở cơ quan tỉnh xung phong biệt phái xuống cơ sở bám, nắm địa bàn “cùng ăn, cùng ở” với nhân dân địa phương. Đại đa số cán bộ, đảng viên biệt phái đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trước quần chúng, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, gian khổ để thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công. Đó là: tổ chức, động viên, chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, động viên nhân dân tích cực khai hoang, phục hóa, tăng gia sản xuất, trồng rau màu ngắn ngày để có lương thực cứu đói, mở các đội tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về thắng lợi to lớn của quân và dân ta và thất bại của thực dân Pháp, phát động quần chúng kêu gọi những người lầm đường trở về; kết hợp giáo dục, vận động và cải tạo những người theo phỉ đầu hàng, đồng thời kiên quyết truy lùng và trừng trị bọn cầm đầu phỉ…. Bằng biện pháp tích cực, trong đó có vai trò, nỗ lực lớn của đội ngũ cán bộ biệt phái đã góp phần nhanh chóng đẩy lùi nạn đói, tình làng nghĩa xóm được khơi dậy, sản xuất các mặt từng bước phục hồi, tổ chức được mở rộng kiện toàn, lực lượng vũ trang được tăng cường, nạn thổ phỉ được giải quyết triệt để, khối đoàn kết dân tộc được giữ vững, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Chính phủ được củng cố… Đó là những tiền đề rất cơ bản đảm bảo cho Tỉnh ủy Yên Bái tiếp tục lãnh đạo cuộc vận động cải cách dân chủ ở địa phương.

Cuộc vận động giảm tô, cải cách ruộng đất ở Yên Bái được tiến hành từ năm 1954, đến cuối năm 1956 cơ bản hoàn thành. Mục đích của cuộc vận động là để kết thúc quá trình cách mạng dân tộc dân chủ, đánh đổ uy thế của giai cấp địa chủ phong kiến, thực hiện mục tiêu “người cày có ruộng”.

Tỉnh ủy Yên Bái đã quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Trung ương, tập trung phân tích, nhận định tình hình, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cổ động và tổ chức lực lượng cán bộ chỉ đạo, động viên quần chúng nông dân hưởng ứng cuộc vận động.

Với vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ tham mưu, chỉ đạo của các ngành và đoàn thể tỉnh, Tỉnh ủy chỉ đạo Đảng ủy Dân chính Đảng động viên tối đa lực lượng cán bộ các cơ quan tỉnh xuống cơ sở nông thôn trực tiếp chỉ đạo hoặc bổ sung thành lập các đoàn, đội cải cách. Sau khi được học tập chủ trương, đường lối, mục đích, yêu cầu, phương pháp vận động quần chúng, các đội công tác đã về các cơ sở tuyên truyền chính sách, phân định thành phần giai cấp, tổ chức đấu tố địa chủ, tịch thu, trưng thu ruộng đất, tài sản của địa chủ chia cho nông dân… Cuộc cải cách dân chủ hoàn thành đã giải phóng vĩnh viến hàng vạn nông dân tỉnh Yên Bái khỏi ách áp bức bóc lột của địa chủ phong kiến. Giai cấp địa chủ bị đánh đổ, quan hệ sản xuất phong kiến bị xóa bỏ, mở đường cho việc xây dựng quan hệ sản xuất mới trong nông nghiệp và nông thôn trong tỉnh, tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội nông thôn.

Tuy nhiên, khi bước vào thực hiện phát động quần chúng triệt để giảm tô và cải cách ruộng đất, do đánh giá không đầy đủ tình hình thực tế, nhận định không sát về giai cấp địa chủ ở tỉnh là đa số những nhà hữu sản yêu nước, tài sản nhỏ bé, mức độ bóc lột không thật hà khắc; hoạt động của các đoàn, đội cải cách ở nhiều nơi biệt lập, không dựa vào tổ chức Đảng nên đã phạm sai lầm nghiêm trọng, nhất là trong việc quy kết thành phần địa chủ theo “chỉ tiêu” được áp đặt chủ quan, thiếu căn cứ, gây nên tình hình xáo trộn và căng thẳng ở nông thôn. Nhiều tổ chức và cán bộ đảng viên bị xử lý oan sai, trong đó, chiếm tỷ lệ khá lớn là cán bộ đảng viên dân chính đảng (có cả đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh), do liên đới thành phần giai cấp.

Tình hình trên đã tác động rất lớn đến tổ chức và hoạt động của Đảng ủy Dân chính Đảng. Số lượng đảng viên giảm sút, tình cảm đồng chí sứt mẻ, tình trạng nghi kỵ, mất sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, sinh hoạt bê trễ, nội bộ thiếu đoàn kết, dân chủ nội bộ không được thực hiện đầy đủ. Một số chi bộ không còn đủ đảng viên, phải trở lại sinh hoạt ghép, làm cho số đầu mối tổ chức cũng sụt giảm…

Tháng 4-1956, khi phát hiện ra những sai lầm trong cải cách ruộng đất, Đảng ra Chỉ thị số 47- CT/TW, tiếp đó Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (tháng 9-1956), nghiêm khắc kiểm điểm, công khai tự phê bình trước Đảng và nhân dân về những sai lầm trong cải cách ruộng đất, đề ra các biện pháp để sửa chữa sai lầm.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, từ tháng 9-1956, Tỉnh ủy Yên Bái trưng tập 163 cán bộ, phần lớn là cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ Dân chính Đảng xuống các huyện, xã chỉ đạo việc sửa sai. Đảng ủy Dân chính Đảng chỉ đạo các chi bộ cơ sở chọn những đồng chí có nghiệp vụ giỏi, có khả năng vận động quần chúng tốt, giáo dục, động viên các đồng chí cán bộ đảng viên nhận thức rõ nhiệm vụ. Phương châm “sai đâu sửa đấy”, gắn công tác sửa sai với củng cố kiện toàn hệ thống tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Với quyết tâm cao, kế hoạch cụ thể, xác định trọng tâm, trọng điểm, luôn bám sát sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, có đội ngũ cán bộ chỉ đạo trách nhiệm cao nên đến giữa năm 1957, công tác sửa sai ở Yên Bái đã cơ bản hoàn thành. Những cán bộ, đảng viên bị xử lý oan sai được minh oan và khôi phục Đảng tịch, được bố trí trở lại công tác, những người bị quy sai được hạ thành phần và được trả lại tài sản. Hệ thống tổ chức Đảng, Chính quyền, Mặt trận từ tỉnh xuống xã, phường, cơ sở được củng cố kiện toàn lại. Căng thẳng xã hội được giải tỏa, phong trào cách mạng của quần chúng được khôi phục.

Kết quả sửa sai trong phát động quần chúng giảm tô ở Yên Bái có phần đóng góp rất to lớn của đội ngũ cán bộ, đảng viên Đảng bộ Dân chính Đảng, từ đồng chí cán bộ các ngành đến các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh đã tập trung cao độ cho nhiệm vụ trung tâm. Điều đó cũng góp phần chứng minh Đảng ta luôn là đội tiên phong cách mạng, luôn hành động vì lợi ích của nhân dân, biết lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của nhân dân, dũng cảm nhận sai lầm và kiên quyết sửa chữa. Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng và yêu cầu củng cố các tổ chức Đảng trong khối cơ quan sau sửa sai, trên cơ sở nghiên cứu các mô hình tổ chức Đảng trong các cơ quan ở các tỉnh, tháng 10-1956, Ban Tổ chức Trung ương Đảng ban hành Qui định về “công tác chi bộ cơ quan”, xác định vai trò, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, lề lối làm việc và quyền hạn của tổ chức Đảng trong các cơ quan[2].

Khẳng định vai trò của các tổ chức Đảng trong các cơ quan, Qui định nêu rõ: Trong các cơ quan có hàng chục vạn cán bộ, nhân viên công tác, trong đó có tới ba vạn đảng viên, phần lớn là cán bộ. Số cán bộ này là lực lượng rất lớn của Đảng, là những phần tử cốt cán trong các ngành các cấp, có tác dụng quyết định trong việc thực hiện mỗi chủ trương chính sách của Đảng.

Về nhiệm vụ chủ yếu của các chi bộ cơ quan, Qui định của Trung ương xác định: Do tính chất đặc thù, bên cạnh chi bộ cơ quan có chế độ Đảng đoàn, ban cán sự, thủ trưởng cơ quan. Vì vậy, khác với những nhiệm vụ căn bản của chi bộ nói chung như đã qui định trong Điều lệ Đảng, nhiệm vụ chủ yếu của chi bộ cơ quan là làm công tác tư tưởng, công tác chính trị và công tác tổ chức của Đảng trong phạm vi cơ quan nhằm giáo dục, động viên cán bộ nhân viên trong Đảng và ngoài Đảng nỗ lực học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, không ngừng nâng cao trình độ giác ngộ chính trị và văn hóa, phát huy tính tích cực, an tâm phấn khởi công tác của họ, mở rộng phê bình và tự phê bình, khắc phục và đấu tranh với mọi hiện tượng, tư tưởng sai với đường lối chính sách, sai với nguyên tắc của Đảng và Chính phủ, nhất là chống tham ô, lãng phí, quan liêu, chăm lo đến đời sống cán bộ, nhân viên, xây dựng mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với quần chúng, củng cố và phát triển tổ chức Đảng, đẩy mạnh sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng, nâng cao sức chiến đấu của Đảng.

Trên cơ sở xác định nhiệm vụ chủ yếu, Trung ương qui định những nội dung công tác của chi bộ cơ quan là: Tổ chức và lãnh đạo học tập, lãnh đạo tư tưởng cán bộ, nhân viên, lãnh đạo công tác quần chúng gồm Công đoàn và Đoàn Thanh niên lao động và lực lượng quần chúng ngoài Công đoàn và Đoàn Thanh niên. Đồng thời tích cực tham gia các hoạt động của địa phương như: Diệt giặc dốt, phòng lụt, phòng bão, cứu đói, tạo mối quan hệ tốt với nhân dân nơi mình ở… lãnh đạo công tác bảo mật phòng gian, bảo vệ cơ quan, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, nhân viên và làm công tác đảng vụ.

Về hệ thống tổ chức, Qui định nêu rõ: Chi bộ cơ quan lấy đơn vị công tác là cấp chính quyền tương ứng như Ty, Sở, Ban, Hội… hoặc các ban chuyên môn của cấp ủy Đảng làm cơ sở tổ chức. Tùy theo phạm vi hoạt động của cơ quan rộng hay hẹp, ít hay nhiều đảng viên để tổ chức chi bộ hoặc đảng bộ, có ban chấp hành đảng bộ cơ quan (Gọi tắt là đảng ủy). Ở cấp Trung ương, khu và tỉnh thành lập Đảng ủy các cơ quan Chính dân Đảng trực thuộc.

Để giúp các cấp ủy lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ và nội dung công tác của chi bộ cơ quan, Qui định nêu những nguyên tắc và lề lối làm việc như sau:

Một là, phải nhận thức và xử lý đúng đắn các mối quan hệ giữa công tác chi bộ cơ quan và công tác chuyên môn, quan hệ giữa chi bộ và thủ trưởng cơ quan, chi ủy, nhất là đồng chí Bí thư chi bộ phải kết hợp chặt chẽ với đồng chí thủ trưởng cơ quan để nắm bắt tình hình công tác chuyên môn, động viên phát huy ưu điểm, uốn nắn những sai lầm khuyết điểm nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tham gia ý kiến đối với những việc lựa chọn, sắp xếp, đề bạt bồi dưỡng cán bộ trong cơ quan, dựa vào nhiệm vụ công tác và sự phân công của công tác chuyên môn để định chương trình công tác của chi bộ, phối hợp trao đổi, thống nhất về báo cáo, chương trình sinh hoạt chi bộ.

Thủ trưởng phải tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng trong cơ quan, dựa vào chi bộ để giáo dục, động viên đảng viên và quần chúng cải tiến công tác, hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, tham gia sinh hoạt chi bộ, phục tùng nghị quyết của chi bộ.

Hai là, mở rộng dân chủ, đẩy mạnh phê bình và tự phê bình, giữ vững chế độ sinh hoạt chính trị trong Đảng.

Ba là, Phương pháp công tác của chi bộ cơ quan cần phải thích hợp với đặc điểm của cơ quan. Do đó, yêu cầu lãnh đạo có trọng điểm, tổ chức chỉ đạo riêng; phải thật linh hoạt, không rập khuôn, máy móc, có lề lối làm việc thực sự cầu thị; nâng cao năng lực lãnh đạo và trách nhiệm của chi ủy nhất là đồng chí Bí thư.

Về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Đảng ủy Chính dân Đảng, Qui định nêu rõ:

Đảng ủy cơ quan Chính dân Đảng do đại hội đại biểu các chi bộ, đảng bộ cơ quan bầu ra. Đảng ủy không có hệ thống ngành dọc giống các đảng bộ địa phương mà đảng ủy cấp nào do cấp ủy đảng cấp đó trực tiếp chỉ đạo. Cấp dưới của đảng ủy là các chi bộ, đảng bộ cơ sở và cấp ủy tương ứng. Đảng ủy có nhiệm vụ thi hành nghị quyết của đại hội đại biểu đảng bộ cấp mình và các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên; chỉ đạo các chi ủy, đảng ủy cơ quan hoạt động, tổ chức và chỉ đạo các đồng chí phụ trách các đoàn thể quần chúng cùng cấp; làm công tác đảng vụ như khen thưởng, kỷ luật trong phạm vi quyền hạn của cấp ủy, cấp trên cơ sở; đề ra chủ trương, giải pháp giáo dục, giải quyết tư tưởng cho đảng viên, thu đảng phí cấp dưới, nộp đảng phí lên cấp trên, quản lý danh sách đảng viên, quản lý tài chính đảng bộ, hướng dẫn các chi bộ, đảng bộ cơ sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo qui định; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo tình hình lên cấp trên và phổ biến tình hình xuống cấp dưới.

Về quyền hạn, Đảng ủy cơ quan Chính dân Đảng là cấp ủy cấp trên cơ sở nhưng tính chất khác với huyện bộ, thị bộ vì chỉ đơn thuần làm công tác xây dựng Đảng trong phạm vi cơ quan nên được quyền ra chỉ thị, nghị quyết cho chi bộ, đảng bộ cơ quan tiến hành công tác xây dựng Đảng, quyết định khen thưởng, kỷ luật đảng viên trong Đảng bộ cơ quan (Theo qui định về phân cấp quản lý cán bộ, đảng viên). Đối với các cơ quan chuyên môn, khi công tác Đảng ủy có liên quan thì phải bàn bạc thỏa thuận và do cơ quan quyết định.

Việc Trung ương lần đầu ban hành “Qui định về công tác chi bộ cơ quan” càng trở nên có ý nghĩa trong quá trình thực hiện công tác sửa sai, củng cố kiện toàn tổ chức, nhất là tổ chức Đảng trong các cơ quan tỉnh.

Quán triệt Qui định của Trung ương và để đáp ứng yêu cầu củng cố kiện toàn Đảng ủy Dân chính Đảng do có những biến động trong cải cách ruộng đất và sau sửa sai, đảm bảo cho Đảng ủy tiếp tục phát huy vai trò tham mưu, tổ chức chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ của tỉnh, ngày 15-3-1957, Tỉnh ủy Yên Bái ra Nghị quyết số 51-NQ/TU về việc kiện toàn và đổi tên thành Đảng ủy Chính dân Đảng tỉnh Yên Bái. Ban Chấp hành Đảng bộ được Tỉnh ủy chỉ định gồm 5 đồng chí. Đồng chí Bùi Xuân, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy kiêm chức Bí thư Đảng ủy Chính dân Đảng. Đồng chí Xuân Trình, Trưởng Ty Công an kiêm chức Phó Bí thư Đảng ủy.

Do có chỉ đạo kịp thời và đúng đắn của Trung ương và Tỉnh ủy, tổ chức bộ máy Đảng ở các cơ quan tỉnh Yên Bái đã nhanh chóng được kiện toàn lại. Kể từ đây, Đảng ủy được mang tên là Đảng ủy Chính dân Đảng có đủ bộ máy Ban Chấp hành và được tăng cường về số lượng và chất lượng, có qui định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lề lối làm việc, bảo đảm cho Đảng ủy lãnh đạo các chi bộ cơ quan hoàn thành nhiệm vụ, đóng góp ngày càng đắc lực vào phong trào cách mạng của tỉnh.

Sau khi có Nghị quyết kiện toàn của Tỉnh ủy, Đảng ủy Chính dân Đảng khẩn trương phân công nhiệm vụ cho các ủy viên phụ trách các mảng công tác của Đảng ủy như: tuyên huấn, tổ chức, kiểm tra, công tác đoàn thể, văn phòng…; tiếp tục rà soát, bổ sung các đồng chí cán bộ các Ban Đảng tỉnh giúp việc và hỗ trợ cho các mảng công tác của Đảng ủy. Trụ sở làm việc đặt trong Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

Đối với các chi bộ cơ quan, Đảng ủy chỉ đạo đợt sinh hoạt chính trị với chủ đề “ổn định tư tưởng, đoàn kết nội bộ, tăng cường lãnh đạo”. Thông qua đợt sinh hoạt, đã khơi dậy tinh thần tự phê bình và phê bình, phát huy dân chủ nội bộ, khôi phục không khí đoàn kết thân ái trong cơ quan. Động viên cán bộ, đảng viên đề cao ý thức Đảng; đề cao trách nhiệm trước nhân dân và sự nghiệp cách mạng để xóa bỏ mặc cảm, thành kiến cá nhân, xóa bỏ những bất đồng để cùng bắt tay củng cố cấp ủy, kiện toàn cơ quan, gương mẫu thực hiện các nhiệm vụ công tác, sản xuất, ổn định đời sống. Kết quả của đợt sinh hoạt chính trị đã góp phần ổn định tư tưởng, tạo điều kiện thuận lợi để nhanh chóng kiện toàn lại các cấp ủy, chi bộ cơ quan. Việc chỉ định thay đổi hoặc bổ sung các chi ủy viên bảo đảm dân chủ, đoàn kết, được cán bộ, đảng viên đồng tình tín nhiệm. Phần lớn các chi ủy viên cũ được chỉ định trở lại tham gia cấp ủy, một số đồng chí trước đây có sai lầm, sau đợt sinh hoạt này vẫn phục hồi tín nhiệm và được cơ cấu lại vào cấp ủy. Sinh hoạt của chi ủy, chi bộ, công đoàn, đoàn thanh niên… được phục hồi. Đời sống tập thể được cải thiện hơn; việc sửa sang nhà cửa, phòng làm việc, phòng ở tập thể, nhà vệ sinh, giếng nước, công tác phòng dịch bệnh, văn nghệ, thể dục thể thao được quan tâm thực hiện, góp phần tạo ra bầu không khí tin tưởng phấn khởi trong cơ quan.

Tổ chức Đảng được kiện toàn, cơ quan được củng cố, sinh hoạt Đảng và hoạt động của các cơ quan từng bước đi vào nề nếp. Đó là những điều kiện để Đảng ủy Chính dân Đảng tăng cường lãnh đạo hoàn thành kế hoạch 3 năm khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa. Các tổ chức Đảng và đảng viên Đảng bộ Chính dân Đảng phát huy vai trò tổ chức và tham mưu, giúp lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành xây dựng chủ trương, kế hoạch, chỉ đạo các địa phương, các tổ chức kinh tế tiến hành hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, với những nhiệm vụ cụ thể: Tích cực tăng gia sản xuất, đảm bảo lương thực, chú trọng phát triển nông nghiệp, lấy nông nghiệp làm cơ sở để phát triển kinh tế, văn hóa, khôi phục thủy lợi, giao thông đặc biệt là khôi phục tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai. Xây dựng tổ đổi công trong nông nghiệp, phát triển thủ công nghiệp, xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục, y tế, văn hóa thông tin xuống tới các cơ sở; bám sát nhiệm vụ khôi phục kinh tế hàn gắn vết thương chiến tranh; xây dựng và củng cố lực lượng vũ trang, bảo đảm an ninh chính trị xã hội ở địa phương; xây dựng, củng cố hệ thống tổ chức Đảng, Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể từ tỉnh xuống cơ sở…

Đội ngũ cán bộ, đảng viên các cơ quan Chính dân Đảng tỉnh vừa phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan, vừa hăng say, lăn lộn với phong trào cơ sở, tham gia quản lý, chỉ đạo trong tất cả các ngành kinh tế và lĩnh vực văn hóa – xã hội, góp phần quyết định để Tỉnh ủy lãnh đạo các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh hoàn thành công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh.

Trong những năm 1954 – 1957, nhiệm vụ khôi phục kinh tế – xã hội đã cơ bản hoàn thành, tạo ra sự biến chuyển quan trọng ở tỉnh Yên Bái. Để kịp thời động viên phong trào cách mạng địa phương, ngày 25-9-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu cao cấp của Đảng và Chính phủ đến thăm tỉnh. Đây là một vinh dự lớn, cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng của đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái. Các đồng chí cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Chính dân Đảng công tác ở các cơ quan có chức năng đón tiếp, tham mưu, phục vụ, bảo vệ… đã nêu cao tinh thần trách nhiệm để cuộc đến thăm và làm việc của Hồ Chủ tịch đạt kết quả cao nhất, bảo đảm chu đáo, an toàn. Tại cuộc mít tinh ở sân vận động thị xã sáng ngày 25-9-1958, trước hàng vạn đồng bào trong tỉnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần thăm hỏi, động viên và căn dặn Đảng bộ, đồng bào trong tỉnh đoàn kết chặt chẽ, tạo nên sức mạnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng, tích cực tăng gia sản xuất, cấy tăng vụ, bỏ lệ cấy chay để đạt năng suất cao, lương thực nhiều, đời sống no đủ. Đồng bào vùng cao phải định canh, định cư để ổn định sản xuất và cuộc sống, phải tham gia tổ đổi công, vào hợp tác xã và làm tròn nghĩa vụ đóng thuế nông nghiệp đối với Nhà nước. Người nhắc nhở mọi người tiết kiệm trong tiêu dùng, gìn giữ thuần phong mỹ tục của dân tộc, bài trừ hủ tục trong ma chay, cưới xin và tệ mê tín dị đoan.

Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn của Đảng và Chính phủ đến thăm Yên Bái thể hiện sự quan tâm, chăm sóc của Người đối với Đảng bộ và nhân dân địa phương. Những lời căn dặn chí tình của Người là những chỉ đạo cụ thể về mọi mặt công tác để Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh thi đua phấn đấu vượt lên mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ trong công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Việc thành lập Đảng bộ Dân chính Đảng tỉnh Yên Bái trên cơ sở kế thừa, phát triển các chi bộ cơ quan, các liên chi bộ và quá trình kiện toàn Đảng bộ, đổi tên thành Đảng bộ Chính dân Đảng là cần thiết và đúng đắn, đáp ứng yêu cầu xây dựng, củng cố và thống nhất các tổ chức cơ sở Đảng trong các sở, ban, ngành, đoàn thể, hội và cơ quan đầu não của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi cuộc vận động giảm tô, cải cách ruộng đất, công tác sửa sai, chỉnh đốn ổn định tổ chức, ổn định tư tưởng cho cán bộ, đảng viên sau những xáo trộn trong các năm 1955 – 1956. Trên cơ sở đó, phát huy vai trò tích cực của các cơ quan tham mưu của Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh ở địa phương, góp sức cùng cả dân tộc trong sự nghiệp xây dựng miền Bắc, đấu tranh cho hòa bình, thống nhất nước nhà trong những năm tiếp theo.

[1] Danh sách chi bộ cơ sở trực thuộc Đảng ủy Dân chính Đảng khi thành lập.

1- Chi bộ Công thương – Lâm nghiệp (ghép)

2- Chi bộ Trường bổ túc văn hóa

3- Chi bộ Tổ chức – Kiểm tra (ghép)

4- Chi bộ Sư phạm – Hành chính (ghép)

5- Chi bộ Ty Công an

6- Chi bộ Tỉnh đội

7- Chi bộ Ty Tài chính

8- Chi bộ Toà án

9- Chi bộ Ty Giao thông

10- Chi bộ Ty Giáo dục

11- Chi bộ Văn phòng Tỉnh ủy

12- Chi bộ Văn phòng UBHC tỉnh

13- Chi bộ Ty Ytế

14- Chi bộ Ngân hàng tỉnh

15- Chi bộ Ty Nông nghiệp

16- Chi bộ Ty Thủy lợi

17- Chi bộ Ty Kiến trúc

18- Chi bộ Ban công tác nông thôn

19- Chi bộ Trường Đảng, Ty Văn hóa – Ban Tuyên huấn (ghép)

 

 

[2] Qui định về công tác chi bộ cơ quan, 10-1956 của Ban Tổ chức Trung ương (không rõ số và ngày), Lưu trữ Văn Phòng Tỉnh ủy, hồ sơ năm 1956.

Thiết kế bởi VNPT