Lãnh đạo khối cơ quan tỉnh thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa 1959-1960

Từ năm 1958, sau khi hoàn thành cơ bản công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái bước vào thực hiện kế hoạch Nhà nước 3 năm (1958 – 1960) cải tạo xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội.

Quán triệt Nghị quyết Hôi nghị lần thứ 14 (11-1958) và Hội nghị lần thứ 15 (1-1959), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa II về cải tạo xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội 3 năm 1958 – 1960, ngày 30-01-1959, Đảng bộ tỉnh Yên Bái tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ III. Đại hội đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh về cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần, giai cấp, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là phong trào hợp tác hóa kết hợp với hoàn thành cải cách dân chủ ở vùng cao. Ra sức phát triển văn hóa – xã hội, đề cao công tác giáo dục, vận động đối với vùng cao. Chú trọng công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể, đặc biệt là tổ chức Đảng ở nông thôn. Tỉnh ủy xác định, đó là những nhiệm vụ mới mẻ, khó khăn và rất phức tạp. Vì vậy, phải động viên được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó, đội ngũ đảng viên phải nêu cao tinh thần gương mẫu, hy sinh. Khẩn trương nhưng phải chắc chắn, từ làm điểm mới nhân ra diện rộng, từ giáo dục, tuyên truyền, vận động đến tổ chức thực hiện với phương châm “nhẹ nhàng, đơn giản, sâu sắc và triệt để, bảo đảm đường lối giai cấp, chính sách đoàn kết dân tộc của Đảng”.

Đường lối của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ mới cho toàn Đảng, toàn dân trong tỉnh. Đối với Đảng bộ Chính dân Đảng, vấn đề đặt ra là phải củng cố, kiện toàn, phát triển về tổ chức và lực lượng, đóng góp ngày càng hiệu quả vào sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh đối với tiến trình cách mạng ở địa phương.

Để nâng cao năng lực lãnh đạo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Đảng bộ Chính dân Đảng tỉnh Yên Bái tiếp tục được kiện toàn củng cố. Hệ thống tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ đảng viên tiếp tục được xây dựng và phát triển. Hoạt động của các cấp ủy, chi bộ cơ sở ngày càng đi vào nề nếp, chất lượng công tác các mặt được nâng lên. Đến cuối năm 1958, toàn Đảng bộ đã có 424 đảng viên, sinh hoạt tại 23 chi bộ. Tất cả các cơ quan tỉnh đều có đảng viên giữ vai trò nòng cốt, hầu hết cơ quan tỉnh có chi bộ (chỉ còn cơ quan Lâm nghiệp và Công thương bách hóa sinh hoạt trong chi bộ ghép). Toàn Đảng bộ có 46 đồng chí chi ủy viên[1].

Trên cơ sở kết quả công tác xây dựng Đảng về mặt tổ chức, Đảng ủy Chính dân Đảng tỉnh thường xuyên chú trọng tiến hành công tác giáo dục chính trị tư tưởng với các hình thức phong phú, đa dạng. Trước hết, Ban Chấp hành Đảng bộ tập trung chỉ đạo và tổ chức phổ biến, quán triệt kịp thời, sâu rộng các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng và Tỉnh ủy đến các cán bộ, đảng viên, nhất là các chủ trương, chính sách về xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, tiến hành đấu tranh cải tạo công thương, kiện toàn, củng cố, nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, củng cố chính quyền và các đoàn thể nhân dân, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trên cơ sở đó, liên hệ nắm vững nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan và trách nhiệm đảng viên trong mỗi giai đoạn để phấn đấu thực hiện. Các lớp học tập kết hợp với một số lớp chỉnh huấn ngắn ngày đã giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng trong Đảng bộ nâng cao một bước nhận thức về đường lối, chính sách của Đảng.

Cùng với việc phổ biến, học tập các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Trung ương, của Tỉnh ủy, Đảng ủy Chính dân Đảng phối hợp với Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy tổ chức các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác – Lê nin, chương trình cộng sản sơ giản… Tổ chức các buổi nói chuyên thời sự theo các chuyện đề về tình hình thế giới và trong nước để cán bộ, đảng viên nhận thức rõ âm mưu của chủ nghĩa đế quốc, cuộc đấu tranh giữa hai phe xã hội chủ nghĩa và đế quốc chủ nghĩa; tình hình phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Việt Nam; cuộc đấu tranh giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa với phong trào hợp tác hóa và nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc; về cuộc đấu tranh chống Mỹ – Ngụy của nhân dân miền Nam và vai trò nhiệm vụ của miền Bắc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc… Động viên cán bộ, đảng viên tham gia tích cực các hoạt động chính trị, như: các cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; các đợt học tập giác ngộ về con đường xã hội chủ nghĩa; thảo luận đóng góp ý kiến vào Hiến pháp sửa đổi, Luật hôn nhân và gia đình (1959); kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, 15 năm thành lập Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, 70 năm ngày sinh nhật Bác, chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III…

Đảng ủy Chính dân Đảng chỉ đạo các chi bộ, cơ quan, đoàn thể gắn kết các đợt học tập, tuyên truyền chính trị với tiến hành chỉnh huấn, mở các đợt thi đua nhằm giáo dục, động viên cán bộ, đảng viên và quần chúng nâng cao lập trường tư tưởng, ý thức tham gia xây dựng bảo vệ Đảng – Chính quyền, cống hiến nhiều nhất cho công cuộc xây dựng xã hội mới, góp phần đấu tranh thống nhất nước nhà.

Trên cơ sở kết quả đạt được của công tác xây dựng Đảng, từ ngày 25 đến ngày 28-1-1959, Đảng bộ Chính dân Đảng tiến hành Đại hội lần thứ III theo tinh thần Chỉ thị số 112 của Ban Bí thư Trung ương Đảng[2]. Đây là kỳ đại hội từ trên xuống đối với Đảng bộ Chính dân Đảng và các huyện, thị tương đương, là đại hội từ dưới lên trong toàn Đảng, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III. Tham dự Đại hội có 96 đại biểu, đại diện cho các chi bộ cơ sở trực thuộc Đảng ủy. Đại hội đã kiểm điểm công tác xây dựng Đảng và công tác lãnh đạo của Đảng bộ trong năm 1958, thảo luận và quyết định đề án công tác năm 1959, tập trung vào nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cuộc vận động cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của tỉnh. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ, gồm 7 ủy viên. Đồng chí Bùi Xuân, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy được Đại hội bầu kiêm chức Bí thư Đảng ủy; đồng chí Xuân Trình, Trưởng Ty Công an được Đại hội bầu kiêm chức Phó Bí thư Đảng ủy.

Sau thành công của Đại hội Đảng bộ Chính dân Đảng, Đảng ủy chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng tiến hành đợt sinh hoạt chính trị, tổ chức Đại hội chi bộ cơ sở. Đến cuối tháng 9-1959, tất cả 22 chi bộ đã tiến hành xong Đại hội. Tháng 1-1960, Đảng ủy ra Nghị quyết công nhận 22 Ban Chi ủy, với tổng số 63 chi ủy viên[3].

Kể từ khi Tỉnh ủy ra Nghị quyết thành lập Đảng bộ Dân chính Đảng (ngày 10-11-1955), đây là lần đầu tiên Đảng bộ Chính dân Đảng tiến hành Đại hội đại biểu bầu ra Ban Chấp hành chính thức của Đảng bộ. Thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ Chính dân Đảng lần thứ III thực sự là cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên về bối cảnh lịch sử, yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của tỉnh và cả nước trong tình hình mới. Đồng thời, khẳng định bước phát triển mới của Đảng bộ, trong đó, công tác xây dựng Đảng được đẩy mạnh toàn diện, Đảng bộ ngày càng trưởng thành vững mạnh về mọi mặt, đủ sức lãnh đạo các tổ chức Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong cơ quan tỉnh phát huy vai trò, đóng góp ngày càng to lớn vào sự nghiệp cách mạng của tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ III và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Chính dân Đảng lần thứ III, trong 3 năm 1958-1960, Đảng ủy Chính dân Đảng tập trung lãnh đạo các tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên các cơ quan tỉnh phát huy vai trò, làm tốt công tác tham mưu, lãnh đạo cơ quan, tổ chức chỉ đạo các phong trào và các cuộc vận động đẩy mạnh sản xuất trong tất cả các ngành kinh tế, đặc biệt là trong nông nghiệp như: “lấy mùa bù chiêm, tăng vụ, tăng diện tích”, “một hoa, ba tốt”, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch 3 năm cải tạo xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của tỉnh.

Trong tham mưu về cơ chế chính sách, các cơ quan cấp tỉnh đã nghiên cứu, đề xuất được nhiều chính sách, giải pháp phù hợp, hỗ trợ cho phong trào hợp tác hóa, đồng thời thúc đẩy phát triển sản xuất gắn với cải tạo, xây dựng quan hệ sản xuất mới.

Trong tham gia chỉ đạo cơ sở, các cơ quan trong Đảng bộ Chính dân Đảng đã cử hàng ngàn lượt cán bộ, đi đầu là các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh gương mẫu, tích cực, thường xuyên bám sát, lăn lộn với địa phương, cơ sở vùng thấp, vùng cao để chỉ đạo và tham gia công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa nói chung và cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp nói riêng. Các cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Chính dân Đảng được phân công chỉ đạo cơ sở đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, mang hết khả năng và lòng nhiệt tình hăng hái phục vụ nhân dân. Bà con nông dân, các hộ sản xuất kinh doanh không những được giúp đỡ, giáo dục, yên tâm tư tưởng, hiểu biết chính sách mới của Đảng và Chính phủ mà còn được các cán bộ của tỉnh tận tình hướng dẫn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, tổ chức sản xuất, kinh doanh…

Phong trào hợp tác hóa nhanh chóng phát triển rộng khắp. Từ 4 hợp tác xã nông nghiệp xây dựng thí điểm năm 1958, đến năm 1960, đã có 593 hợp tác xã, gồm 17.828 hộ, chiếm 77,7% số hộ nông dân toàn tỉnh. Đất đai, trâu bò, nông cụ được đưa vào sản xuất tập thể. Nhiều hợp tác xã chú trọng mở rộng diện tích canh tác, cải tiến kỹ thuật, gieo trồng, tăng vụ, chế tạo nông cụ cải tiến, đưa năng suất lúa và hoa màu ngày một tăng cao. Đi đôi với sản xuất lương thực, các hợp tác xã mở rộng ngành nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, nung vôi, nung gạch, làm mộc, làm rèn. Nhờ đó, thu nhập của xã viên được cải thiện, hợp tác xã có vốn tích lũy, các công trình phúc lợi như: Trạm xá, nhà trẻ, kho tàng, sân phơi, trại chăn nuôi được xây dựng. Bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.

Cùng với phong trào hợp tác hóa trong nông nghiệp, các hợp tác xã thủ công, vận tải, thương nghiệp lần lượt được xây dựng, thu hút nhiều người làm nghề buôn bán nhỏ ở thị xã, thị trấn tham gia. Đến năm 1960, toàn tỉnh có 64 hợp tác xã, gồm 1.677 xã viên, chiếm 83% tổng số hộ công thương trong toàn tỉnh. Từ một số hợp tác xã mua bán mới xây dựng ở 2 huyện, từ năm 1958 đến năm 1960, đã mở rộng ra 4 huyện với 31 cửa hàng. Các hợp tác xã mua bán cùng hệ thống thương nghiệp quốc doanh ngày càng mở rộng, đã đáp ứng phần lớn nhu cầu thiết yếu của nhân dân.

Cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh được tiến hành theo đúng tinh thần Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Trung ương, khóa II (mở rộng) (tháng 4, 6-1959). Trong kháng chiến, giai cấp tư sản đã bị phân hóa, thu hẹp. Đến đầu năm 1960, chỉ còn khoảng chục hộ thuộc diện cải tạo, được sắp xếp công việc và hầu hết tham gia vào các cơ sở quốc doanh.

Công tác văn hóa – xã hội có bước phát triển mới. Phong trào đọc sách và làm theo sách diễn ra sôi nổi. Hệ thống giáo dục tiếp tục được mở rộng, với đầy đủ các cấp học. Năm học 1960 – 1961, toàn tỉnh có 121 trường, 413 lớp, 13.064 học sinh, 481 giáo viên, trong đó có 8 giáo viên cấp III. Các trường bổ túc văn hóa được mở rộng, thu hút 16.477 người theo học, đạt 81% kế hoạch, xóa mù chữ cho 3.836 người.

Công tác chăm sóc sức khỏe, vệ sinh phòng dịch, phong trào “ba sạch” được duy trì rộng rãi trong toàn dân. Trạm xá dân lập đã thành hệ thống, với 60 trạm, tăng 30 lần. Đội ngũ cán bộ y tế có 370 người, tăng 52 người so với năm 1958.

Hội khoa học kỹ thuật được thành lập, với 57 hội viên, nội dung hoạt động thiết thực và hiệu quả. Toàn tỉnh có 2 đội chiếu bóng lưu động phục vụ hàng vạn lượt đồng bào.

Cùng với phát triển kinh tế – xã hội, công tác an ninh quốc phòng tiếp tục được củng cố. Thực hiện luật nghĩa vụ quân sự (tháng 12-1959), tỉnh đã động viên 275 thanh niên tòng quân. Tỉnh đội và các châu, huyện đội được tăng cường thêm cán bộ, chiến sỹ. Lực lượng công an cũng được tăng cường, đưa tổng số lên 105 chiến sĩ (tháng 6-1959). Đến tháng 11-1960, 100% số xã, xí nghiệp, công – nông – lâm trường xây dựng được lực lượng dân quân tự vệ, gồm 11.480 người, chiếm 7,8% dân số, bảo đảm việc luyện tập và tuần tra canh gác, giữ gìn trật tự trị an ở địa phương.

Công tác xây dựng Đảng, củng cố chính quyền, đoàn thể các cấp được chú trọng. Toàn Đảng bộ đã kết nạp thêm 837 đảng viên mới “lớp 6-1”, thành lập thêm 18 chi bộ xã, thanh toán được 12 xã “trắng” về cơ sở Đảng. Đi đôi với nhiệm vụ xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, phát triển đảng viên, Đảng bộ chú trọng công tác bồi dưỡng huấn luyện, nâng cao trình độ của đội ngũ đảng viên. Tỉnh đã cử 354 cán bộ đi học tại Trường Đảng tỉnh, hơn 1.000 cán bộ theo học các lớp bổ túc văn hóa.

Các cấp chính quyền từ xã đến tỉnh được củng cố, kiện toàn một bước. Đến tháng 6-1959, các cấp chính quyền trong tỉnh đã có 1.225 cán bộ nhân viên, tăng 113 người so với năm 1956, trong đó, khu vực hành chính sự nghiệp có 887 người, cơ bản đáp ứng công việc quản lý điều hành của chính quyền các cấp.

Các tổ chức đoàn thể quần chúng từng bước được kiện toàn, tăng cường chỉ đạo hướng dẫn cơ sở, tạo được phong trào thi đua sôi nổi ở các địa phương, cơ quan, đơn vị…

Tiếp nối những kết quả đạt được trong những năm khôi phục kinh tế (1955 – 1957), kế hoạch 3 năm cải tạo và phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội (1958 – 1960) của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái kết thúc thắng lợi, tạo ra sự biến đổi sâu sắc trong đời sống mọi mặt của tỉnh. Quan hệ sản xuất mới được xây dựng, kinh tế có bước phát triển, nạn đói và dịch bệnh được đẩy lùi, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, công tác quốc phòng, an ninh được giữ vững, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể được chú trọng.

Tuy nhiên, trong cải tạo, đã mắc một số sai lầm. Đó là đồng nhất cải tạo với xóa bỏ tư hữu và các thành phần kinh tế cá thể. Nguyên nhân là do không nắm vững các quy luật kinh tế của thời kỳ quá độ, thể hiện tư tưởng chủ quan, nóng vội. Đồng thời, thực hiện sai các nguyên tắc xây dựng hợp tác xã tự nguyện, công bằng, dân chủ, cùng có lợi; do đó, chưa phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của xã viên trong sản xuất…

Những thành tựu và hạn chế trong cải tạo xã hội chủ nghĩa là những kinh nghiệm quý báu của Đảng bộ tỉnh Yên Bái trong tổ chức và lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương… Đồng thời, là những tiền đề quan trọng để tỉnh Yên Bái bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 – 1965). Đóng góp vào kết quả chung đó có vai trò tham mưu, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của Đảng ủy Chính dân Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên các cơ quan tỉnh.

[1] Báo cáo công tác quí I năm 1959 của Tỉnh ủy Yên Bái. Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy, hồ sơ năm 1959.

[2] Hiện nay chưa sưu tầm được tư liệu Đại hội Đảng bộ Khối lần thứ I và lần thứ II.

[3] Số chi bộ giảm do một số cơ quan Trung ương chuyển ra khỏi địa bàn hoặc kết thúc nhiệm vụ.

Thiết kế bởi VNPT