Lãnh đạo khối cơ quan tỉnh thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất

Đại hội Đảng bộ Chính dân Đảng lần thứ IV thành công tốt đẹp. Công tác tổ chức Đảng từ Đảng ủy đến các chi ủy, chi bộ cơ sở, và văn phòng Đảng ủy được kiện toàn thêm một bước. Đó là điều kiện thuận lợi để Đảng ủy lãnh đạo triển khai sâu rộng các đợt sinh hoạt chính trị, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị gắn với củng cố, kiện toàn, phát triển tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên.

Từ tháng 3-1961, cùng với các Đảng bộ trong tỉnh, Đảng bộ Chính dân Đảng bước vào thực hiện cuộc sinh hoạt chính trị “chỉnh huấn mùa Xuân năm 1961” theo chủ trương của Bộ Chính trị. Do đặc điểm tình hình và nhiệm vụ công tác của các cơ quan khác nhau, hơn nữa, thường xuyên có một bộ phận cán bộ, đảng viên được điều động đi công tác nông thôn nên Đảng ủy chỉ đạo tổ chức chỉnh huấn thành nhiều đợt. Nội dung chỉnh huấn nhằm góp phần tích cực xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa với quan điểm: Tất cả để phục vụ sản xuất, cần kiệm xây dựng quê hương đất nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Thông qua cuộc chỉnh huấn, cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ được quán triệt sâu sắc các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III về hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam; xác định vị trí, vai trò hậu phương có ý nghĩa quyết định của miền Bắc xã hội chủ nghĩa đối với cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; về đường lối, quan điểm công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa và mục tiêu kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Đồng thời, quán triệt mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch của tỉnh do Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Trong chỉnh huấn, bên cạnh việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, Đảng ủy, Chi ủy chỉ đạo các chi bộ liên hệ, kiểm điểm tình hình cơ quan; qua đó, khắc phục những yếu kém, nhất là trong công tác tư tưởng, tổ chức và lề lối làm việc, quan hệ giữa cán bộ lãnh đạo với cán bộ, đảng viên, giữa đảng viên và quần chúng… gắn với các đợt chỉnh huấn. Đảng ủy chỉ đạo các chi bộ cơ sở tuyên truyền, phổ biến, học tập sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ và Tỉnh ủy, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 3 về nâng cao cảnh giác, củng cố quốc phòng, giữ vững trật tự trị an; Nghị quyết Trung ương 4 về cuộc vận động xây dựng “chi bộ 4 tốt”[1]; Nghị quyết Trung ương 5 về phương hướng phát triển nông nghiệp; Nghị quyết Trung ương 7 về nhiệm vụ phát triển công nghiệp; các nghị quyết của Bộ Chính trị về cải tiến quản lý hợp tác xã, về cuộc vận động “Ba xây, ba chống”[2] trong phát triển kinh tế quốc doanh; các Nghị quyết của Tỉnh ủy về triển khai thực hiện và chỉ đạo cơ sở, tăng cường cán bộ bám, nắm cơ sở…

Để không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và vai trò của các tổ chức cơ sở Đảng trong khối cơ quan tỉnh, Đảng ủy Chính dân Đảng chú trọng chỉ đạo đưa sinh hoạt của cấp ủy, chi bộ, tổ đảng vào nề nếp, giữ vững định kỳ sinh hoạt hàng tháng, hàng quí. Gắn cuộc vận động “ xây dựng chi bộ 4 tốt”, với phong trào thi đua “Ba cải tiến”[3], “Ba xây, ba chống” trở thành nội dung sinh hoạt thường xuyên, góp phần tích cực nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nâng cao tính giáo dục, tính chiến đấu, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình sôi nổi trong sinh hoạt chi bộ và sinh hoạt cơ quan. Quan hệ phối hợp công tác giữa chi bộ, chi ủy với thủ trưởng cơ quan ngày càng tốt hơn.

Công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ các mặt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên được quan tâm lãnh đạo. Đảng ủy ban hành các chỉ thị, nghị quyết về đẩy mạnh học tập văn hóa, khoa học – kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ trong cán bộ đảng viên, qui định việc học bổ túc văn hóa thành nhiệm vụ của mỗi người, đề ra mục tiêu, kế hoạch phấn đấu hàng năm đối với từng người, từng cấp học. Nhờ đó, phong trào học tập bổ túc văn hóa trong Đảng bộ diễn ra ngày càng sâu rộng. Hầu hết cán bộ, đảng viên đều nêu cao quyết tâm, khắc phục khó khăn, vừa đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, vừa phấn đấu học tập đạt kết quả theo đúng kế hoạch. Những cán bộ được chọn cử đi học các lớp chuyên môn, nghiệp vụ, khoa học – kỹ thuật do tỉnh hoặc Trung ương tổ chức đều yên tâm, phấn khởi, khắc phục khó khăn để theo học và đều hoàn thành nhiệm vụ.

Công tác phát triển đảng viên mới tiếp tục được Đảng ủy quan tâm lãnh đạo, đưa công tác phát triển Đảng đi vào nề nếp, trở thành một trong những nội dung thường xuyên của công tác xây dựng Đảng. Các cấp ủy cơ sở phối hợp với thủ trưởng chuyên môn có kế hoạch gắn công tác qui hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ của cơ quan với công tác bồi dưỡng, xây dựng nguồn phát triển đảng viên mới. Vì vậy, số lượng đảng viên được kết nạp tăng đều qua các năm. Riêng năm 1964, Đảng bộ kết nạp 36 đảng viên mới, đưa tổng số đảng viên toàn Đảng bộ năm 1965 là 724 đồng chí. Kết quả công tác phát triển Đảng trong những năm 1961 – 1965, đã góp phần tăng cường thêm lực lượng và sức chiến đấu mới cho Đảng bộ. Đồng thời, góp phần nâng cao giác ngộ cách mạng cho đảng viên và quần chúng.

Công tác kiểm tra của Đảng bộ cũng được tăng cường, bảo đảm thực hiện dân chủ, kỷ luật chặt chẽ trong Đảng. Đảng ủy chỉ đạo các cấp ủy cơ sở gắn công tác kiểm tra với thực hiện “Chỉnh huấn mùa Xuân” và cuộc vận động “Ba xây, ba chống”, cuộc vận động xây dựng “chi bộ, đảng viên 4 tốt”… Những cán bộ, đảng viên có sai phạm đều đưa ra chấn chỉnh, phê bình; một số trường hợp bị thi hành kỷ luật. Ở những cơ quan có hiện tượng mất đoàn kết nội bộ, Đảng ủy tập trung giải quyết, những đảng viên gây mất đoàn kết nội bộ bị xử lý kỷ luật hoặc điều chuyển công tác. Công tác kiểm tra và cuộc vận động “Ba xây, ba chống” đã có tác dụng nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường công tác quản lý kinh tế, tài chính, ngăn chặn những tiêu cực nảy sinh trong cán bộ đảng viên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên của Đảng bộ trong bước chuyển của cách mạng, với trọng tâm là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở địa phương.

Gắn liền với cuộc vận động xây dựng “chi bộ 4 tốt” và rèn luyện đảng viên, Đảng ủy Chính dân Đảng đã chỉ đạo các cơ sở Đảng có kế hoạch từng bước xây dựng và củng cố tổ chức Công đoàn cơ sở và Chi đoàn thanh niên lao động trong các cơ quan. Mặt dù chưa có tổ chức công đoàn đồng cấp, nhưng Đảng ủy đã phối hợp với Đảng đoàn Liên hiệp Công đoàn tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo hoạt động công đoàn và phong trào thi đua của công nhân viên chức trong các cơ quan thuộc Đảng bộ. Theo đề nghị của Đảng ủy, Liên hiệp Công đoàn tỉnh cử một cán bộ theo dõi, chỉ đạo công tác công đoàn trong các cơ quan thuộc Đảng bộ. Hầu hết các cấp ủy cơ sở đều cử đồng chí trong Ban Chi ủy phụ trách công tác Công đoàn.

Đoàn các cơ quan cấp tỉnh mặc dù chưa có bộ máy chuyên trách, nhưng được Đảng ủy quan tâm lãnh đạo cho nên ở những cơ quan có đủ điều kiện đều thành lập được chi đoàn thanh niên, do đồng chí cấp ủy viên phụ trách. Tổ chức đoàn phát triển khá nhanh, được thành lập ở hầu hết cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Nhìn chung, các tổ chức Công đoàn và Đoàn thanh niên trong các cơ quan Dân chính Đảng cấp tỉnh đều thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thực sự là trường học giáo dục chủ nghĩa cộng sản cho cán bộ, đoàn viên, công chức, viên chức. Thông qua tổ chức và hoạt động của mình, các đoàn thể đã động viên, khơi dậy các phong trào thi đua sôi nổi, liên tục, rộng khắp trong các ban, ngành thuộc Đảng bộ, hướng vào thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của ngành và của tỉnh, góp phần tạo ra sự biến đổi sâu sắc trong phong trào cách mạng của tỉnh.

Thông qua việc tổ chức thực hiện tốt các cuộc vận động “Chỉnh huấn mùa Xuân”, xây dựng “Chi bộ 4 tốt” và các phong trào “Ba xây, ba chống”, “Ba cải tiến”, Đảng bộ Chính dân Đảng tỉnh được củng cố kiện toàn, ngày càng phát triển vững chắc trên cả ba mặt: Chính trị, tư tưởng và tổ chức, 76% chi bộ đạt “4 tốt”, số đảng viên tăng 1,8 lần so với năm 1960 bảo đảm cho Đảng bộ đủ sức lãnh đạo thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất ở địa phương.

Để góp phần đưa nhanh Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Chính dân Đảng tỉnh Yên Bái lần thứ IV vào cuộc sống, với quá trình chuẩn bị khá kỹ về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đảng bộ Chính dân Đảng lãnh đạo đội ngũ cán bộ, đảng viên phát huy vai trò, vị trí và tinh thần trách nhiệm, ra sức học tập, công tác, đẩy mạnh các phong trào thi đua, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn của từng cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, thiết thực phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh.

Đội ngũ cán bộ, đảng viên trong các cơ quan chính dân đảng tỉnh đã bám sát các chỉ thị nghị quyết của Trung ương Đảng, Chính phủ và Tỉnh ủy để nghiên cứu, xây dựng các chủ trương, chính sách, giải pháp tham mưu cho tỉnh; đồng thời, tích cực biệt phái chỉ đạo cơ sở, lăn lộn với các phong trào, đóng góp to lớn cùng toàn tỉnh tổ chức thực hiện hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Đó là:

Thực hiện tốt Chỉ thị của Bộ Chính trị về cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, từng bước đưa nền nông nghiệp của tỉnh phát triển toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc. Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh, Đảng ủy Chính dân Đảng đã tham mưu cho Tỉnh ủy mở các lớp bồi dưỡng cho chủ nhiệm và phó chủ nhiệm các hợp tác xã; đồng thời, tổ chức cho nhiều đoàn cán bộ đi củng cố cơ sở, thực hiện cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, chống tham ô, lãng phí; cử các đoàn đi học tập kinh nghiệm xây dựng hợp tác xã điểm tại các tỉnh khác; thành lập các trại giống thí điểm để phát huy thế mạnh của địa phương… Đến cuối năm 1965, toàn tỉnh đã xây dựng được 496 hợp tác xã, thu hút 25.596 hộ tham gia, đạt 94,6% số hộ nông dân toàn tỉnh. Hơn 1.900 cán bộ hợp tác xã được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, chất lượng các hợp tác xã được nâng lên. Công tác cải tiến quản lý hợp tác xã, xây dựng cơ sở vật chất, cải tiến kỹ thuật đã tiến bộ rõ rệt, 85% số hợp tác xã đạt khá và trung bình. Hệ thống thủy lợi được xây dựng rộng khắp, diện tích tưới nước năm 1962 tăng 73% so với năm 1960, tỉnh Yên Bái được Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng 3 về thành tích thủy lợi. Các hợp tác xã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, góp phần đưa sản lượng lương thực qui thóc của Yên Bái và Nghĩa Lộ  năm 1965 đạt 85.157 tấn, cơ bản đáp ứng nhu cầu lương thực tại chỗ, không còn hiện tượng thiếu đói.

Để phát triển kinh tế miền núi, 2 tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ tiếp nhận hàng chục nghìn người từ các tỉnh vùng xuôi lên khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới. Đảng bộ chính quyền và nhân dân địa phương đã nhanh chóng tạo điều kiện nơi ăn nghỉ cho bà con, thành lập các hợp tác xã mới hoặc bố trí xen ghép trong các hợp tác xã cũ. Được sự giúp đỡ của địa phương, sau một thời gian, hầu hết các gia đình khai hoang đã có nhà ở, hòa nhập và yên tâm ổn định cuộc sống trên quê hương mới.

Công nghiệp địa phương và tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển theo hướng phục vụ sản xuất nông – lâm nghiệp, xây dựng cơ bản và phục vụ đời sống nhân dân. Đến năm 1964, toàn tỉnh Yên Bái đã có 485 hợp tác xã và 87 tổ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thu hút 572 thợ thủ công, đạt 75,4% kế hoạch.

Công tác giao thông vận tải đã cải tạo nhiều đường cũ và xây dựng nhiều đường mới tới các trung tâm huyện, các vùng kinh tế, vùng định canh, định cư. Toàn tỉnh đã huy động 685.493 công làm 78 km đường trục từ Mậu A đi Trái Hút, Vũ Linh đi Vĩnh Kiên, mở 569 km đường nông thôn, khôi phục 276 km và sửa chữa 991 km đường liên huyện với khối lượng đào đắp 733.500 m3 đất đá.

Tháng 6-1962, Ban Chấp hành Trung ương họp Hội nghị lần thứ 7 về xây dựng và phát triển công nghiệp. Hội nghị xác định, điện phải đi trước một bước, trong đó, đặc biệt chú trọng phát triển thủy điện. Sau nhiều năm khảo sát, khu vực sông Chảy và Thác Bà được xác định là điểm thích hợp để xây dựng công trình thủy điện. Song đây cũng là nhiệm vụ nặng nề, khó khăn, phức tạp đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, nhất là việc phải di chuyển dân cư, mồ mả, tài sản trong vùng lòng hồ đến nơi mới. Sau nhiều đợt tổ chức chuyển dân, do chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, công tác chuyển dân kéo dài đến năm 1967 – 1968 mới kết thúc. Cuộc vận động di dân để xây dựng nhà máy thủy điện Thác Bà kết thúc thắng lợi, có ý nghĩa chính trị, kinh tế, quốc phòng to lớn, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền trong công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng, bảo đảm chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng.

Với âm mưu chiếm đóng lâu dài miền Nam, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, đế quốc Mỹ tung nhiều toán biệt kích, gián điệp nhằm phá hoại miền Bắc xã hội chủ nghĩa, một trong những trọng tâm phá hoại là tỉnh Yên Bái. Để kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng và an ninh trong tình hình mới, Đảng ủy Chính dân Đảng tham mưu, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền ở Yên Bái, Nghĩa Lộ tập trung chỉ đạo chặt chẽ công tác củng cố quốc phòng.

Nhận định địch có khả năng đưa biệt kích và do thám phá hoại, với tinh thần cảnh giác cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Yên Bái quán triệt Chỉ thị số 186 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chống hoạt động biệt kích gián điệp để nâng cao tinh thần giác ngộ, ý thức cảnh giác của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, kết hợp xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, mở các lớp học tập, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nhân dân ý thức cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng phương án tác chiến, tổ chức luyện tập, quản lý chặt chẽ các địa bàn xung yếu, phòng chống thắng lợi, khám phá kịp thời các âm mưu, hành động phá hoại của địch, củng cố vững chắc hậu phương xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Ngoài lãnh đạo, tổ chức, thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ trọng tâm, từ tháng 4-1964, Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh lãnh đạo và tổ chức thành công việc bầu cử Quốc hội khóa III và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, củng cố một bước hệ thống chính quyền từ tỉnh đến cơ sở có đủ hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức, quản lý công cuộc xây dựng đời sống mới ở địa phương.

Sự nghiệp văn hóa, y tế, giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh. Phong trào thi đua “2 tốt” được ngành giáo dục hưởng ứng tích cực. Đội ngũ giáo viên, số lượng học sinh, chất lượng giáo dục, qui mô giáo dục, số trường lớp đều tăng từ 3 đến 5 lần. Nạn mù chữ cơ bản được xóa. Hệ thống y tế được mở rộng đến cơ sở. Năm 1965, toàn tỉnh đã có 8 bệnh viện với 120 giường bệnh, hầu hết tuyến huyện đã có bệnh viện hoặc bệnh xá. Toàn tỉnh có 14 bác sĩ, 2 dược sĩ cao cấp, 75 y sĩ và 165 cán bộ y tế sơ cấp. Phong trào vệ sinh phòng dịch được tiến hành chủ động và đạt hiệu quả cao, cơ bản thanh toán xong bệnh dịch ở cộng đồng…

Hướng về miền Nam ruột thịt, tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ đã tổ chức kết nghĩa với tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Gia Lai. Bằng tất cả tình cảm của mình, nhân dân, cán bộ, đảng viên đẩy mạnh phong trào thi đua “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, đạt nhiều thành tích trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương và đóng góp, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Những thành tựu to lớn trong xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền, đảm bảo quốc phòng – an ninh của tỉnh, có phần đóng góp quan trọng về công tác tham mưu và chỉ đạo của Đảng bộ Chính dân Đảng tỉnh, góp phần cùng cả nước hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III đề ra.

Đánh giá những thắng lợi của 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1954 – 1964), tại Hội nghị chính trị đặc biệt ngày 27- 28 tháng 3-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Miền Bắc nước ta đã tiến những bước dài chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Đất nước, xã hội và con người đều đổi mới”[4].

[1] Cuộc vận động “xây dựng chi bộ 4 tốt” được Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III (tháng 4-1961) đề ra với 4 nội dung: Lãnh đạo sản xuất và chiến đấu tốt, chấp hành chính sách tốt, chăm lo đời sống và làm tốt công tác vận động quần chúng, làm tốt công tác phát triển Đảng.

[2] Cuộc vận động “Ba xây, ba chống”, ba xây là: xây ý thức trách nhiệm, kiến thức quản lý kinh tế, quản lý tài chính; ba chống là: chống tam ô, lãng phí, quan liêu.

[3] Phong trào “Ba cải tiến” là: cải tiến kỹ thuật, cải tiến lề lối làm việc, cải tiến tác phong công tác.

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội.1996, tr.224.

Thiết kế bởi VNPT